Phân khúc bất động sản hiếm hoi tăng trưởng khi thị trường địa ốc “đóng băng”
Bất động sản công nghiệp là phân khúc hiếm hoi tăng trưởng giữa thời điểm thị trường địa ốc trầm lắng. Thị trường này dự kiến sẽ còn tiếp tục bức phá.
Điểm sáng trong thị trường địa ốc 6 tháng đầu năm
Theo Tổ Quốc , trong bức tranh tổng quan thị trường bất động sản thương mại và công nghiệp Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023, Bất động sản (BĐS) công nghiệp được đánh giá là điểm sáng và Việt Nam được ví là thị trường "phễu" thu hút các nhà đầu tư, đón đầu làn sóng dịch chuyển của công xưởng thế giới.
Dựa trên số liệu của Tổng Cục thống kê, đầu năm 2023, tổng vốn FDI của nhà đầu tư đã đạt gần 3,1 tỷ USD. Bên cạnh đó, theo báo cáo mới nhất của CBRE Việt Nam về bất động sản công nghiệp cho thấy, đối với đất công nghiệp, tỷ lệ hấp thụ 6 tháng đầu năm 2023 của thị trường cấp 1 miền Bắc và miền Nam lần lượt đạt 386ha và 397ha. Mức hấp thụ này cao hơn 20% đối với miền Nam và 60% đối với miền Bắc, so với nửa đầu năm 2022.
Tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực này không chỉ thu hút ngày càng lớn sự đầu tư của các ông lớn về bất động công nghiệp cả trong nước lẫn quốc tế. Trong những năm qua, bên cạnh những cái tên nổi bật của BDS Khu công nghiệp như Sonadezi, Becamex, hay KBC thì Logos (Úc), Amata (Thái Lan) và Fraser Property (Thái Lan) là những cái tên nổi bật đầu tư vào loại hình BDS công nghiệp, đặc biệt là loại hình nhà công nghiệp cao cấp.
Vào năm 2021 dự án đầu tiên của Frasers Property tại Việt Nam đã được công bố, đó là dự án BDIP tại tỉnh Bình Dương. Đây là dự án nhà xưởng công nghiệp được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế với xu hướng năng động, hiện đại và bền vững. Đầu tháng 3/2023 Frasers Property cũng tiếp tục công bố sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều dự án tại các khu công nghiệp tại miền Bắc Việt Nam với tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng (tương đương 250 triệu USD).
Ngày 25/7 vừa qua, tập đoàn Frasers Property đã khởi công giai đoạn mới của dự án BDIP (Dự án công ty TNHH Công Nghiệp New Motion). Giai đoạn 1 dự án cũng đã được hoàn thành vào tháng 6/2023, thu hút được các đơn vị hàng đầu trên thế giới đặt nhà máy sản xuất, nổi bật công ty nội thất nổi tiếng của Mỹ John-Richard. Được biết, đơn vị thi công cho cả hai giai đoạn là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng SOL E&C.
Cũng trong đầu tháng 7/2023, Công ty Cổ phần đô thị Amata Long Thành cũng đã khởi công dự án khu công nghệ cao Long Thành với tổng mức đầu tư 282 triệu USD. Điều này minh chứng cho sức hút mạnh mẽ của phân khúc bất động sản công nghiệp cao cấp.
Có thể thấy, tiềm năng của bất động sản công nghiệp đang tạo nên điểm sáng cho thị trường, mang đến nhiều cơ hội thu hút đầu tư phát triển trong tương lai.
Đón làn sóng FDI đổ bộ
Thông tin từ tạp chí Bất Động Sản Việt Nam , theo báo cáo quý 2/2023 và 6 tháng đầu năm 2023 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong thời gian vừa qua, Việt Nam được định vị là một trong những địa điểm rất tiềm năng để mở rộng sản xuất và đang nổi lên như một điểm sáng cho sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và logistics ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương . Loạt “đại bàng” đến từ Mỹ và Hàn Quốc với dòng vốn FDI quy mô lớn tìm cơ hội phát triển tại Việt Nam.
Trong đó, thị trường bất động sản công nghiệp phía Bắc đang thu hút rất nhiều “gã khổng lồ” đến đầu tư và phát triển các dự án. Cụ thể, theo Nikkei Asia, chuỗi cung ứng của Apple như BOE, Quanta, Compal, Goertek, Foxconn hiện đã có nhà máy tại các khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, nay có kế hoạch mở và mở rộng nhà máy ở các tỉnh Bắc Ninh, Nam Định, Nghệ An, Quảng Ninh trong thời gian tới.
Phái đoàn doanh nghiệp tháp tùng tổng thống Hàn Quốc với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Kỳ vọng tăng cường hợp tác tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như chuỗi cung ứng, công nghệ mới, năng lượng và môi trường. Các tập đoàn lớn đều đã đầu tư vào Việt Nam và có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới: Samsung tăng quy mô vốn đầu tư lên 20 tỷ USD, LG sẽ đầu tư thêm 5 tỷ USD vào Việt Nam, SK đẩy mạnh rót vốn vào Việt Nam thông qua các khoản đầu tư vào Masan, Vingroup,...
Nhận định về xu hướng thị trường trong thời gian tới, báo cáo của VARS cho rằng, thị trường sẽ chứng kiến sự xuất hiện của các khu công nghiệp mới, được đầu tư theo hướng hiện đại, tự động hóa, đặc biệt chú trọng đến tiêu chí “xanh” với các biện pháp nhằm giảm phát thải CO2.
Đây là yếu tố quan trong giúp góp phần tăng tính cạnh tranh và sức hút cho các khu công nghiệp Việt Nam trong cuộc đua thu hút FDI. Và trong tương lai không xa, các tiêu chuẩn này sẽ trở thành tiêu chí lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, báo cáo của VARS còn cho thấy, mô hình nhà xưởng đa tầng sẽ trở thành kênh đầu tư hấp dẫn trong thời gian tới. Hiện tại, mô hình này đang nhận được nhiều sự quan tâm tại khu vực miền Bắc. Trong đó, Bắc Giang và Hưng Yên là những địa phương tiên phong.
Giới chuyên giá của Cushman & Wakefield Việt Nam dự báo, trong giai đoạn 2023-2023, thị trường bất động sản công nghiệp phía Bắc sẽ đón 1,4 triệu m2 nhà xưởng và 0,7 triệu m2 nhà kho. Dự kiến nhu cầu đối với hai loại hình này sẽ tiếp tục được duy trì nếu khu vực miền Bắc tiếp tục phát huy vị thế thu hút đầu tư.
Giá thuê loại hình đất khu công nghiệp dự kiến sẽ liên tục tăng cao do nguồn cung đất hạn chế trong ngắn hạn trong bối cảnh nhu cầu cao. Trong khi đó, giá thuê kho xưởng xây sẵn dự kiến tăng chậm hơn hoặc không đổi.
Theo bà Trang Bùi - Tổng giám đốc của Cushman & Wakefield Việt Nam, để tiếp tục duy trì lợi thế thu hút đầu tư, các tỉnh phía bắc đã gấp rút hoàn thiện và công bố quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển của tỉnh nhằm dọn tổ đón “đại bàng”. Các chủ đầu tư cũng đang đẩy mạnh tiến độ pháp lý và xây dựng của họ. Điều này dẫn đến nguồn cung đất khu công nghiệp trong tương lai (GĐ 2023-2026) sẽ tăng đáng kể, dự kiến sẽ đạt gần 5.000 ha.
Đào Vũ (T/h)