Phản đối DN không trả lương cho thực tập, chàng cử nhân được mời làm phó phòng Pháp chế
Thuyết phục các Sếp bằng kinh nghiệm dày dặn, tính cách thẳng thắn, quyết đoán, ứng viên Thanh Bình nhận được 2 lời mời làm việc với mức lương hấp dẫn.
Tập 6 Cơ hội cho ai chứng kiến cuộc đối đầu của 2 cặp ứng viên. Trong đó, cặp đôi có màn chốt deal thành công là Lê Thanh Bình (28 tuổi) đối đầu cùng Nguyễn Hữu Thiện (28 tuổi).
Thanh Bình là cử nhân tốt nghiệp Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, có hơn 5 năm kinh nghiệm tại 2 vị trí chuyên viên công ty Luật và pháp chế doanh nghiệp. Trong đó, anh phụ trách đối ngoại và quản lý đội ngũ pháp chế từ 30 - 40 nhân sự. Đặc biệt, nam ứng viên sở hữu thành tích đáng kể như bằng khen cuộc thi biện luận và chứng chỉ đào tạo kỹ năng quản lý.
Còn Hữu Thiện tốt nghiệp kỹ sư hệ thống tại Đại Học Bách Khoa Hồ Chí Minh. Hữu Thiện có 5 năm kinh nghiệm học tập và làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu Việt Nam trên nhiều cương vị kỹ sư, giám sát. Nam ứng viên đã trau dồi phong thái làm việc và khả năng chịu áp lực tại nhiều môi trường thách thức như: khởi nghiệp, tài chính 4.0 và các nhà máy sản xuất.
Chủ đề phản biện của cặp đôi ứng viên là: "Bạn đồng tình hay phản đối các chương trình thực tập không lương?".
Hữu Thiện đưa ra lập trường rõ ràng là không ủng hộ. Anh cho rằng lương là mức giá trị mà người sử dụng lao động trả cho người lao động, để tạo ra giá trị thặng dư. Mối quan hệ đi làm là cả 2 bên đều chiến thắng, doanh nghiệp sử dụng lao động thì phải trả một phần thu nhập dù mức độ quan trọng của công việc đó có thế nào đi nữa.
Ngoài ra, anh cũng cho rằng những ai chấp nhận thực tập không lương là đã hạ thấp giá trị bản thân mình, vô tình làm ảnh hưởng đến nhóm những người thực tập có lương, khiến doanh nghiệp có cái nhìn thiếu sót vế hiện trạng này. Bên cạnh đó, nam ứng viên 9x còn khẳng định nhóm những người thực tập có lương thường sẽ có tính trách nhiệm cao hơn nhóm ngược lại, hiếm khi lơ là trong công việc, dẫn đến sẽ ít mang thiệt hại cho doanh nghiệp.
"Việc thực tập có lương là xu hướng của hiện đại. Mình sẽ không chấp nhận việc thực tập không lương để đổi lấy kinh nghiệm làm việc thực tế. Bởi khi còn ngồi ghế nhà trường, chúng ta đã được trang bị rất nhiều kiến thức và kỹ năng cần thiết", Hữu Thiện bổ sung.
Hoàn toàn đồng tình với đối thủ, Thanh Bình cho rằng việc quyết định cho sinh viên mới ra trường thực tập có lương hay không lương, đánh giá về đạo đức và môi trường làm việc của doanh nghiệp. Trên thực tế, có nhiều bạn trẻ chấp nhận vào một doanh nghiệp lớn để thực tập không lương, chủ yếu lấy kinh nghiệm, tuy nhiên doanh nghiệp thường sẽ không đồng ý và vẫn chi trả trợ cấp.
Mặt khác, khi bạn trẻ làm việc không lương, đồng nghĩa bạn phải làm một công việc thứ hai để nuôi sống bản thân, trang trải cuộc sống hàng ngày. Làm cùng lúc 2 công việc sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến năng suất lao động. Đương nhiên, doanh nghiệp vẫn sẽ mang lại cho ứng viên các giá trị vô hình như kinh nghiệm làm việc, kỹ năng xử lý vấn đề, kỹ năng giao tiếp.
Nhưng giá trị vô hình thường rất khó cảm nhận, cái chúng ta cảm nhận thực tế nhất là mức lương, mức thù lao xứng đáng. Đó như lời động viên của doanh nghiệp dành cho người lao động tiềm năng của họ. "Không có môi trường này thì sẽ có môi trường khác đưa chúng ta đến thành công. Nhưng chúng ta cần tôn trọng giá trị bản thân của mình", Thanh Bình khẳng định.
Sếp Quyền đặt câu hỏi: "Giữa một công việc yêu thích nhưng không có lương và ngược lại, bạn sẽ chọn cái nào?".
Thanh Bình trả lời sẽ lựa chọn làm việc không thích nhưng có lương. Theo anh, sở thích là một phần cuộc sống, nhưng giá trị bản thân dựa trên sở thích đó lại là một phần cuộc sống khác. Khi chúng ta mới ra trường thì tất cả đều là mới hết. Chúng ta hoàn toàn có thể đi đến công ty mà chúng ta yêu thích sau khi đã có kinh nghiệm làm việc thực tế tại công ty trước đó. Và lúc này chúng ta có thể deal sòng phẳng với doanh nghiệp về mức lương, trợ cấp.
Sếp Trí tiếp lời: "Tụi em đi học có đóng học phí không? Việc đi học mà đóng học phí là bình thường đúng không? Khi mới ra trường, tụi em như tờ giấy trắng. Thế bây giờ có 2 lựa chọn, lựa chọn thứ nhất, tụi em có cơ hội học hỏi ở một công ty lớn trong vòng 3 tháng mà không phải đóng học phí. Ví dụ em học về phần mềm, em được thực tập tại Microsoft 3 tháng không lương. Kết thúc thời gian thực tập, trên CV của em có ghi là đã từng thực tập tại Microsoft. Lựa chọn thứ 2 là tụi em đi thực tập có lương tại một công ty rất nhỏ và tụi em phải đóng góp cho họ cái gì đấy. Giữa 2 con đường này, giá trị tiếp theo của tụi em cái nào cao hơn?".
"Đây là bài toán cân đo giữa con voi và con kiến. Vận dụng vào bàn cân cuộc sống thì phải linh hoạt", Thanh Bình cho biết. Anh khẳng định trong trường hợp này sẽ lựa chọn thực tập không lương tại Microsoft vì dòng chữ kinh nghiệm ghi trong CV sau 3 tháng làm việc tại đây có giá trị hơn.
Ngược lại, Hữu Thiện vẫn sẽ lựa chọn công việc có lương trong trường hợp này. "Lương là động lực để làm việc", Nam ứng viên quả quyết.
Sếp Trí chia sẻ trong thực tế, rất hiếm trường hợp những công ty tầm cỡ như Microsoft tuyển thực tập sinh. "Anh đặt ra một trường hợp cá biệt như vậy, anh ngạc nhiên khi em vẫn chọn lấy lương hơn là lấy kiến thức", Vị Sếp ASIM nhận xét về phần trả lời của Hữu Tiến.
Không đồng ý với quan điểm trả lương hay không, đánh giá đạo đức của doanh nghiệp, Sếp Nga cho rằng tất cả dựa vào sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, cũng như nhu cầu của đôi bên. "Thế hệ của các Sếp ở đây hồi xưa hầu như đều thực tập không có lương đâu", Sếp Elise bổ sung.
Kết thúc vòng Đối mặt, Thanh Bình giành chiến thắng áp đảo trước đối thủ với tỉ số 4/5 để đi tiếp vào vòng Chinh phục.
Ở vòng Chinh phục, Sếp Thuấn là người đầu tiên đặt câu hỏi tìm hiểu ứng viên: "Tại một nhà máy đang xử lý đơn hàng gấp, có 2 tổ công nhân xảy ra va chạm, vi phạm nghiêm trọng quy định của công ty, thậm chí sử dụng tài sản của công ty ném qua ném lại, gây thiệt hai nghiêm trọng. Dưới góc độ pháp lý thì em sẽ xử lý như thế nào?".
"Em sẽ liên hệ với vận hành và nhân sự để tìm cách bù đắp và kịp sản xuất đơn hàng trước. Sau đó, em sẽ kiểm tra phương án của bộ phận nhân sự và dự phòng những rủi ro nếu mình không hoàn toàn kịp đơn hàng thì sẽ như thế nào. Nếu rủi ro quá cao, thì em sẽ làm công văn gửi cho đối tác để thông báo, cũng như đề xuất cho những tình huống có thể xảy ra" – Thanh Bình cho biết.
Sếp Quyền tiếp lời: "Em đến chương trình để tìm kiếm vị trí nào? Và giữa truyền thông pháp lý, pháp lý nhân sự, pháp lý tranh trụng, thì em mạnh cái nào?".
Nam ứng viên cho hay anh tìm kiếm vị trí Quản lý Pháp chế hoặc Trường phòng Pháp chế. Ngoài ra, hiện tại, anh mạnh nhất ở mảng ngoại giao và pháp lý doanh nghiệp.
Sếp Thuấn tiếp tục tìm hiểu Thanh Bình: "Trước đây em làm cho công ty về chuyển phát, nếu giờ chuyển sang môi trường mới về sản xuất, đầu tư thì em sẽ làm gì để thích nghi?".
Thanh Bình chia sẻ: "Em sẽ tìm hiểu sâu về ngành có những đặc điểm gì. Em sẽ đi theo những giá trị cốt lõi mà trước giờ em vẫn sử dụng. Đó là xác định yếu tố quan trọng nhất của doanh nghiệp, tài sản lớn nhất của doanh nghiệp. Từ trục chính em sẽ đi theo những nhánh con để tìm hiểu sâu hơn".
Kết thúc vòng Chinh phục, Thanh Bình nhận được 2 đèn xanh đến từ Sếp Thuấn và Sếp Nga, vừa đủ điều kiện để bước tiếp vào vòng cuối cùng – Cơ hội cho ai.
Ở vòng 3, Thanh Bình chia sẻ mức lương kỳ vọng của anh là 28 triệu đồng. Nam ứng viên nhận được lời mời làm việc tại Elise cho vị trí Nhân viên Pháp chế với mức lương 20 triệu đồng, Bảo Ngọc (BNA) cho vị trí Phó phòng Pháp chế với mức lương 28 triệu đồng. Kết quả cuối cùng, Thanh Bình quyết định đầu quân về đội Sếp Thuấn – Công ty CP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc (BNA) cho vị trí Phó phòng Pháp chế với mức lương 28 triệu đồng.