Phấn đấu đến năm 2030 Kiên Giang là trung tâm kinh tế biển quốc gia
Hội đồng nhân dân tỉnh vừa ban hành Nghị quyết số 139/NQ-HĐND về việc thông qua quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Nghị quyết số 139/NQ-HĐND, Kiên Giang ưu tiên phát triển nhanh hạ tầng giao thông kết nối, chuỗi đô thị hướng biển, hạ tầng của các khu chức năng quan trọng như khu kinh tế biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu, cụm công nghiệp, khu thương mại – dịch vụ, khu du lịch và hạ tầng phục vụ chuyển đổi số phù hợp với định hướng tổ chức và khai thác lãnh thổ, tạo ra các không gian phát triển mới với tầm nhìn dài hạn.
Tập trung đầu tư phát triển đồng bộ tại các khu vực động lực, hành lang kinh tế, trung tâm đầu mối, tạo động lực phát triển đột phá ở những địa bàn có tiềm năng, lợi thế; đồng thời, từng bước mở rộng hạ tầng kết nối giữa các khu vực, bảo đảm sự phát triển hài hòa, cân đối giữa các tiểu vùng trên địa bàn tỉnh.
Kiên Giang sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư từ ngân sách địa phương, kết hợp với ngân sách Trung ương để tập trung đầu tư tạo sự kết nối giữa hạ tầng nội tỉnh với hạ tầng của vùng, quốc gia và của tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Huy động nguồn lực doanh nghiệp, nhà đầu tư và dân cư tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng Tây Nam bộ; có hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và môi trường đầu tư vượt trội để thu hút nhà đầu tư hàng đầu về du lịch và dịch vụ, bất động sản và công nghệ; trở thành điểm đến hấp dẫn nhất trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đối với du khách.
Đặc biệt, Kiên Giang là trung tâm kinh tế biển của quốc gia, trong đó có Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mang tầm quốc tế; Rạch Giá là thành phố thương mại, dịch vụ xanh; Hà Tiên là đô thị di sản; Rạch Giá – Hà Tiên – Phú Quốc hình thành tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại, dịch vụ hướng biển.
Cảnh quan thiên nhiên và môi trường tự nhiên được bảo vệ; người dân thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu; tỉnh phát triển hài hòa, thuận thiên, toàn diện theo hướng sinh thái, văn minh, bền vững. Thực hiện hiệu quả chiến lược bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 139/NQ-HĐND đề ra mục tiêu phát triển kinh tế đáng chú ý như tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh năm 2010) bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 7%/năm. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 127 triệu đồng, tương đương 4.985 USD. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 4,7%/năm thời kỳ 2021-2030.
Mục tiêu phát triển xã hội đáng chú ý như đến năm 2030, tỷ lệ hộ nghèo đạt dưới 2% theo chuẩn hiện hành. Đến năm 2030, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia phân theo mầm non, giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông lần lượt đạt 57,85%; 64,5%; 90,7%; 90%. Đến năm 2030, đạt tỷ lệ 11,9 bác sĩ và 36,4 giường bệnh trên 10.000 dân.
Mục tiêu về bảo vệ môi trường: Tỷ lệ độ che phủ rừng ổn định ở mức 12%. Đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt 100% đối với chất thải rắn sinh hoạt đô thị, công nghiệp, y tế và 90% đối với chất thải rắn sinh hoạt nông thôn.