Phạm Thị Hồng Thanh: Từ nữ sinh Hải Dương bén duyên cử tạ khi vào Nghệ An... học bơi đến nhà vô địch Đông Nam Á, cùng lúc phá 3 kỷ lục SEA Games
Sau những cuộc rượt đuổi ngoạn mục, VĐV Phạm Thị Hồng Thanh bảo vệ thành công tấm huy chương Vàng và thiết lập 3 kỷ lục SEA Games mới ở hạng cân 64kg nữ nội dung cử giật, cử đẩy, tổng cử.
Trong ngày thi đấu 21/5, không phụ lòng mong đợi của người hâm mộ, nữ đô cử Phạm Thị Hồng Thanh đã mang lại vinh quang cho Việt Nam khi phá cả 3 kỷ lục SEA Games ở hạng cân 64kg nữ các nội dung cử giật, cử đẩy và tổng cử, giành thêm 1 huy chương Vàng cho cử tạ Việt Nam.
Ở kỳ đại hội lần này, Thanh phải đối mặt với những đối thủ rất đáng gờm, như: Tsabitha Alfiah Ramadani (Indonesia) và Quinilitan Ando Elreen Ann (Philippines). Thể hiện sự vượt trội hoàn toàn trước các đối thủ này, ở lần cử giật đầu tiên, Thanh thực hiện thành công ở mức 98kg, ngang bằng với kỷ lục SEA Games cũ. Sau đó, cô chọn mức tạ 101kg ở lần cử thứ hai và đã thành công.
Đáng chú ý, Thanh còn thực hiện thành công mức tạ 104kg trong lần cử cuối, trở thành người có thành tích tốt nhất ở nội dung cử giật hạng cân 64kg nữ, thiết lập kỷ lục SEA Games mới.
Sang phần thi cử đẩy, đối thủ Philippines đều nâng thất bại ở cả 2 lần mức tạ 125kg và chấp nhận thành tích tốt nhất của mình là 120kg. Trong khi đó, Thanh nâng thành công mức tạ lên đến 126kg và phá kỷ lục SEA Games cử đẩy lẫn tổng cử (thông số cũ là 124kg và 224kg).
Như vậy, với các thành tích cử giật 104kg, cử đẩy 126kg và tổng cử 230kg, Hồng Thanh đã xuất sắc phá sâu ba kỷ lục SEA Games hạng cân 64kg nữ. Chiến thắng này cũng giúp cô bảo vệ thành công tấm Huy chương vàng từng giành được ở kỳ đại hội tại Philippines vào 3 năm trước.
VĐV cử tạ Phạm Thị Hồng Thanh (SN: 1999, quê ở Hải Dương), sinh ra trong một gia đình có 2 chị em. Sau Thanh còn một người em gái không được khỏe mạnh, thông minh.
Cơ duyên Thanh đến với môn cử tạ từ hè năm lớp 8. Ngày ấy, cô theo một người chú họ vốn đang công tác tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Nghệ An học bơi. Vào tới nơi, các thầy ở đây đã phát hiện ra tố chất thiên bẩm của Thanh, đặc biệt là các khối cơ rất phù hợp với môn cử tạ nên thuyết phục cô theo tập. Cũng từ đó, cô quyết định xa gia đình vào Nghệ An để gắn bó với môn cử tạ.
Tập được 3 năm, mẹ của Thanh thời điểm ấy đang lao động ở Hàn Quốc muốn đưa con sang du học. Cô có phần lưỡng lự nhưng rồi vẫn quyết định gác lại việc học để dồn tâm trí cho cử tạ. Thanh cho biết, đến bây giờ cô chưa bao giờ hối hận với lựa chọn của mình.
Nhiều năm gắn bó với cử tạ, trải qua nhiều khó khăn trong học tập và rèn luyện rồi đến thành công, đáng nhớ nhất theo cô là những ngày đầu làm quen với gánh tạ.
"Khi mới tập, tôi bị ngợp, mọi thứ quá sức tưởng tượng. Cũng không ít lần đuối sức, tôi lại mở ti vi ra xem những VĐV của nước bạn, họ làm rất tốt. Tôi tự nhủ họ làm được thì tại sao tôi không thể. Và đó cũng là động lực để tôi cố gắng đến ngày hôm nay.
Điều tôi hạnh phúc nhất là có thể thi đấu thành công, mang lại vinh quang cho thể thao Việt Nam trong kỳ đại hội được tổ chức trên sân nhà, không phụ lòng sự kỳ vọng của người hâm mộ và ban huấn luyện",
Theo Hoa Thạch