Phạm nhân có thể được dạy nghề ở ngoài trại giam

Chia sẻ Facebook
31/03/2022 16:27:45

Thường vụ Quốc hội đồng ý đề xuất của Chính phủ thí điểm mô hình tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, trình Quốc hội xem xét.

Sáng 30/3, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 9 về dự án Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Thường vụ Quốc hội tán thành nội dung này, trong đó Bộ Công an được áp dụng thí điểm không quá một phần ba tổng số trại giam; thời gian thí điểm 5 năm và giao Chính phủ quy định chi tiết. Thường vụ Quốc hội thống nhất áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập đối với phần thu nhập của doanh nghiệp hợp tác với trại giam trong thời gian thí điểm.

Phạm nhân lao động tại trại giam Ngọc Lý (Bắc Giang). Ảnh: Phạm Dự

Bộ Công an được giao phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan liên quan nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc lựa chọn ngành nghề để lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phù hợp với thực tiễn. Quy định về trả một phần công lao động cho phạm nhân cần chỉnh sửa, bảo đảm thống nhất với Luật Thi hành án hình sự.

Các cơ quan liên quan xây dựng phương án khả thi, bảo đảm an ninh, an toàn tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam và thống nhất trong áp dụng chính sách hình sự. Người chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù được tạo điều kiện lao động, hướng nghiệp, dạy nghề.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá việc ban hành nghị quyết phù hợp với Chiến lược cải cách tư pháp, định hướng xây dựng pháp luật. Hồ sơ dự án nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022). Dù vậy, Thường vụ Quốc hội cũng giao Ủy ban Tư pháp phối hợp với Ủy ban Pháp luật giúp Đảng đoàn Quốc hội chuẩn bị nội dung, báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về dự án nghị quyết này trước khi trình Quốc hội xem xét.

Trong tờ trình, Chính phủ lý giải muốn thí điểm đưa phạm nhân đi lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam nhằm tháo gỡ khó khăn cho các trại, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù.

Trại giam có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, trực tiếp quản lý, giám sát khu lao động, hướng nghiệp ngoài trại giam, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức lao động, hướng nghiệp cho phạm nhân như tại trại giam. Doanh nghiệp đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quản lý giam giữ, bàn giao cho trại giam quản lý và phối hợp với trại giam tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.

Việc thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải bảo đảm nguyên tắc an toàn; phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tái hòa nhập cộng đồng; tạo điều kiện giúp phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù. Phạm nhân tham gia phải trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, được trả công, có quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Chính phủ nêu rõ không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam những phạm nhân phạm tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; các tội xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; có từ hai tiền án trở lên; tái phạm nguy hiểm; người tổ chức trong vụ án có đồng phạm; người nước ngoài...

Năm 2019, việc đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam đã được Bộ Công an đề xuất đưa vào luật Thi hành án hình sự sửa đổi. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến, Thường vụ Quốc hội đã lấy ý kiến đại biểu song chưa đạt được sự đồng thuận. Vì vậy, nội dung này chưa đưa vào dự thảo luật trình Quốc hội thông qua.


Hoàng Thùy

Chia sẻ Facebook