Phải làm 'sống lại' nhà ở hợp túi tiền - Kỳ 3: Cả triệu căn hộ chờ 'bùng nổ'
Cú hích từ gói vay ưu đãi 15.000 tỉ đồng và gói hỗ trợ 2% lãi vay thương mại trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022 - 2023 có thể hút vốn tư nhân vào xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở công nhân.
Chúng tôi có làm xong dự án cũng không được bán hoặc cho công nhân thuê, trong khi theo dự kiến khoảng 2 năm nếu cơ chế thuận lợi thì chúng tôi sẽ giải quyết nhu cầu ở cho 50.000 - 100.000 công nhân. Họ có thể đón người thân đến sống cùng.
Ông LÊ VĂN NGHĨA
Tuy nhiên, những vướng mắc cũ cần sớm được tháo gỡ.
Vừa dư vừa thiếu
Trao đổi với Tuổi Trẻ , bà Đặng Thị Kim Oanh - chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Kim Oanh Group - cho hay đã có kế hoạch xây dựng 15.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2022 - 2023 với 2 phân khúc cao tầng và thấp tầng. Trước mắt đã xây xong 700 căn và chuyển danh sách qua cơ quan chức năng để duyệt.
Tuy nhiên, khó khăn của doanh nghiệp về vật tư, vật liệu, giá đất, nhân công… chỉ là một phần, theo bà Oanh, làm xong rồi bán mới khó nhất. Bởi lựa chọn đối tượng chưa có nhà thì đối với Bình Dương, Đồng Nai rất nhiều, nhưng khi đưa ra xét duyệt hầu như 10 người chỉ duyệt được 1.
Vì quy định là chỉ xét duyệt nhà ở xã hội cho cá nhân có thu nhập từ 11 triệu đồng trở xuống, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Bà Oanh cho rằng cần nới lỏng hơn vì hiện nay người lao động thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng/tháng thì sau khi trừ các khoản chi tiêu cho gia đình cũng… hầu như không còn gì.
"Hiện doanh nghiệp có sẵn quỹ đất 20% từ các dự án để làm nhà ở xã hội, chỉ mong còn 10% lợi nhuận, nhưng cuối cùng do không bán được nhà, không vay được vốn xây dựng thì rất khó cho doanh nghiệp" - bà Kim Oanh nói và kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ khoản vay mua nhà ở xã hội cho người lao động.
Doanh nghiệp cũng cần Nhà nước hỗ trợ gói vay để xây nhà ở xã hội. Các dự án doanh nghiệp mua đất từ 4, 5 năm trước, khi tính giá thành căn nhà để nghiệm thu, Nhà nước nên tính cả phần lãi suất ngân hàng cho khoản đầu tư đất kèm với chi phí xây dựng, chi phí bán hàng…
Sẽ có thêm cả triệu căn nhà ở xã hội?
Hàng loạt doanh nghiệp tư nhân đã đề xuất với Chính phủ về việc đầu tư dự án nhà ở xã hội quy mô lớn.
Ông Nguyễn Hữu Đường, chủ tịch Hòa Bình Group, cho biết doanh nghiệp này đang đề xuất với TP Hà Nội cho triển khai xây dựng 2.000 căn nhà ở xã hội tại 393 Lĩnh Nam và đang lên kế hoạch đầu tư dự án nhà ở xã hội quy mô lớn tại huyện Đông Anh. Nếu các vướng mắc được tháo gỡ kịp thời, dự kiến trong năm 2022, Hòa Bình Group sẽ xây dựng khoảng 10.000 căn nhà ở xã hội ở nhiều địa phương trong cả nước.
Tại đại hội cổ đông thường niên Vingroup vừa diễn ra, ông Phạm Thiếu Hoa, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Vinhomes (công ty con của Vingroup), cũng cho hay trong 5 năm tới công ty phấn đấu hoàn thành 500.000 căn nhà ở xã hội mang thương hiệu Happy Home trên cả nước, mang lại cơ hội sở hữu nhà cho hàng chục vạn đến hàng triệu người lao động. Mức giá bán các căn hộ nhà ở xã hội dự kiến chỉ từ 300 - 950 triệu đồng/căn.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ , trong các tháng đầu năm nay, hàng loạt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được các doanh nghiệp tư nhân khởi công hoặc lên kế hoạch xây dựng trên cả nước. Đây là hiệu ứng tích cực từ các gói hỗ trợ, ưu đãi vốn vay cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ được Chính phủ "tung ra" trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023.
Đầu tháng 2, Tổng công ty Viglacera đã khởi công dự án 2.000 căn hộ chung cư, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 10.000 công nhân và chuyên gia tại Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Tại Bình Dương, giữa tháng 3-2022, Tổng công ty Becamex IDC đã khởi động xây dựng hàng loạt dự án nhà ở xã hội tại những khu vực đông công nhân lao động như thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, huyện Bàu Bàng.
Dự kiến trong giai đoạn từ nay đến 2023, Becamex IDC sẽ đầu tư khoảng 9.500 tỉ đồng để xây dựng khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội. Giá bán mỗi căn hộ giai đoạn này dao động 120 - 280 triệu đồng/căn, loại cao cấp hơn 200 - 500 triệu đồng/căn. Người lao động có thể thuê với giá 750.000 đồng/căn/tháng.
Theo một số chuyên gia, như vậy cả triệu căn hộ với giá phải chăng có thể ra hàng nếu chính sách thúc đẩy chúng "bùng nổ".
Cần tiếp tục gỡ cơ chế
Ông Lê Văn Nghĩa - quyền trưởng Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - nhấn mạnh "thấy rất xót xa khi chứng kiến anh chị em công nhân phải sống trong những phòng trọ tạm bợ" và cho rằng chính sách phát triển nhà ở công nhân còn nhiều tồn tại.
Cụ thể, ngay tổng liên đoàn, được chính Thủ tướng giao làm thiết chế nhà công đoàn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; tuy nhiên, khi làm thí điểm được 5 block, khi quyết toán để vận hành lại vướng Luật đất đai 2013 vì Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nên không được giao đất làm nhà ở.
Ông Nghĩa cho hay dù rất muốn triển khai nhưng tổng liên đoàn phải dừng lại, tạm giao cho Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn quản lý, vận hành.
Ông Nghĩa chỉ ra còn hàng loạt khó khăn: nhiều UBND tỉnh thành yêu cầu phải làm theo Luật đầu tư, đó là tỉnh đứng ra kêu gọi chủ trương đầu tư. Các chủ đầu tư phải đề xuất chủ trương đầu tư, sau đó mới thông báo trình tự đầu tư, thời gian mất khoảng một năm rưỡi. Rồi chi phí đền bù, san lấp giải phóng mặt bằng do nhà đầu tư hay địa phương chịu?
Luật nhà ở quy định khi xây dựng nhà ở xã hội thì tùy theo từng địa phương sẽ hỗ trợ một phần hoặc hỗ trợ hoàn toàn khâu giải phóng mặt bằng, nhưng hiện nay vẫn chưa đồng bộ.
"Chúng tôi đã đề xuất Chính phủ sửa một số luật như: đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư công, đầu tư…" - ông Nghĩa nói.
Tọa đàm "Nhà ở cho người thu nhập thấp: Bao giờ?"
Một buổi tọa đàm đặc biệt để đi tìm lời giải cho vấn đề bức bách với chủ đề "Nhà ở cho người thu nhập thấp: Bao giờ?" sẽ diễn ra ngay tại khu nhà trọ công nhân tại quận 12 (TP.HCM) vào sáng 13-7.
Buổi tọa đàm do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự tham gia của các khách mời gồm: ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM; ông Phạm Chí Tâm, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM; ông Mai Thanh Tùng, phó phòng phát triển nhà Sở Xây dựng TP.HCM; ông Phạm Hữu Vĩnh, trưởng phòng thẩm định Quỹ phát triển nhà TP.HCM; ông Trần Nhật Quang - giám đốc khối đầu tư Kim Oanh Group. Đặc biệt, tọa đàm còn có sự tham gia của các công nhân đại diện cho hàng vạn người lao động thu nhập thấp đang đau đáu giấc mơ có một mái nhà ở TP.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các chuyên gia và đại diện các ban ngành sẽ cùng thảo luận, phân tích những vướng mắc, đề xuất các biện pháp tháo gỡ và đưa ra những kiến nghị về chính sách giúp người lao động chạm tay đến giấc mơ nhà ở, khép lại tuyến bài "Phải làm "sống lại" nhà ở hợp túi tiền" mà báo Tuổi Trẻ đã dày công thực hiện và đã đăng tải liên tiếp trên các số báo qua.
Giấc mơ sở hữu nhà của người lao động càng trở nên xa vời hơn khi nhà giá rẻ biến mất khỏi thị trường, còn nhà ở xã hội khó triển khai vì còn trùng điệp vướng mắc.