Phải học lái xe trên đường cao tốc: chín người mười ý

Chia sẻ Facebook
18/07/2022 00:10:45

Người ủng hộ nhưng cũng có ý kiến không đồng tình sau khi thiếu tướng Nguyễn Văn Trung - cục trưởng Cục CSGT - kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo lái xe ôtô.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương có lượng xe lưu thông rất cao - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhiều người cho rằng cần thiết đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo, tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ đề xuất này để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và điều kiện học viên cũng như các trung tâm đào tạo.


Rất cần với tài xế

Anh Nguyễn Gia Thắng - một tài xế thường xuyên đi trên đường cao tốc - cho biết với kinh nghiệm hơn chục năm làm tài xế, anh nhận thấy giao thông trên cao tốc mang tính đặc thù và có phần nguy hiểm. Những người chưa có kinh nghiệm chạy vào đường cao tốc rất dễ gây tai nạn giao thông.

"Đặc biệt, với những tay lái trẻ và phụ nữ mới biết lái chắc chắn gặp không ít bỡ ngỡ khi chạy trên cao tốc như nhập làn ra sao, trong trường hợp nào được vượt lên, xử lý các tình huống với tốc độ cao… Tôi đã gặp những trường hợp va chạm xe liên hoàn chỉ vì tránh tông phải những chiếc xe phanh gấp hoặc chạy tốc độ chậm như trên đường làng", anh Thắng chia sẻ.

Trong khi đó, theo một CSGT, có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cao tốc mà nguyên nhân là người lái mới nên chưa nắm rõ quy định khi đi trên cao tốc.

Khi vào cao tốc, họ chỉ dám chạy tốc độ 60km/h nên gây ùn tắc, va chạm. Do đó, việc đưa nội dung đào tạo lái xe trên đường cao tốc là rất cần thiết.

Hiện các tuyến cao tốc đã dần hình thành ở khắp cả nước giúp người dân đi lại nhanh chóng hơn. Thế nhưng, không phải ai cũng làm chủ được tay lái khi chuyển làn vào cao tốc.

"Đứng ở góc độ đào tạo, trung tâm sẵn sàng ủng hộ điều này. Ngoài việc học các tình huống ở điều kiện, địa hình giao thông thông thường thì học viên có thể tiếp cận và tìm hiểu kỹ hơn việc lái xe trên cao tốc, giúp nâng cao chất lượng đào tạo", vị này nhấn mạnh.


Thực hành ở đâu?

Đại diện một trung tâm đào tạo lái xe khác trên địa bàn TP.HCM cho rằng đào tạo chạy xe trên cao tốc là cần thiết nhưng các cơ quan chức năng cần tính toán kỹ, bởi khi áp dụng vào thực tế sẽ phát sinh những khó khăn nhất định.

Có hai vấn đề lớn được đặt ra: trước hết, hiện chương trình đào tạo hạng B2 đã lên đến 83 giờ (cao hơn các nước như Singapore, Thái Lan), nếu thêm phần đào tạo về lái xe trên cao tốc nữa thì số giờ học đội lên, học phí cũng theo đó tăng khiến học viên bị áp lực.

Theo vị này, khi bổ sung giờ học về lái xe trên cao tốc thì giảm bớt một số giờ học khác để cân bằng cho học viên, trung tâm đào tạo cũng dễ dàng bố trí và hướng dẫn học viên của mình.

Vấn đề thứ hai là học viên sẽ tập lái và thực hành ở đâu? Các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe không thể bỏ kinh phí đầu tư đường dài 3-5km theo tiêu chuẩn cao tốc vì rất tốn kém.

Pháp luật hiện hành cũng không cho học viên học lái xe trực tiếp trên đường cao tốc chạy tốc độ 60 - 100km/h vì dễ gây tai nạn. Lúc này, cả giáo viên và học viên đều không thể xử lý kịp trong trường hợp khẩn cấp xảy ra.


Học lái trên đường cao tốc là cần thiết

Ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - cho biết ông đồng ý với kiến nghị của Cục CSGT và cho rằng việc đưa nội dung chạy trên cao tốc vào chương trình học lái xe là cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Thanh, vấn đề là chương trình đào tạo như thế nào.

"Nếu đưa nội dung này vào chương trình đào tạo thì cần phải kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam soạn ra chương trình đào tạo cụ thể để học viên nắm được việc chạy xe trên đường cao tốc ra sao", ông Thanh nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục CSGT cho biết để đưa ra kiến nghị đưa nội dung chạy trên cao tốc vào chương trình học lái xe, đơn vị căn cứ trên thực tiễn và điều luật từ đó thể chế hóa để đưa ra chương trình đào tạo lái xe cho phù hợp.

"Tuy nhiên, vấn đề này chúng tôi vẫn phải kiến nghị và chờ xem ý kiến của Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem thế nào", vị lãnh đạo này nói.


Học thêm là "chưa thỏa đáng"

Ông Bùi Danh Liên - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - không đồng tình với kiến nghị của Cục CSGT vì cho rằng chương trình đào tạo sát hạch lái xe hiện tại đã phù hợp. Theo ông Liên, khi chạy xe trên cao tốc cần lưu ý các vấn đề như dừng đỗ, tốc độ, tránh vượt… và các vấn đề này đã được quy định rất rõ.

Vì vậy, việc đưa nội dung chạy xe trên cao tốc vào chương trình đào tạo là chưa thỏa đáng. Việc này sẽ gây mất rất nhiều thời gian, công sức đào tạo, tập huấn, gây lãng phí cho xã hội.

"Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn trên đường cao tốc không phải do bài vở, đào tạo mà phần lớn là do ý thức con người, vì vậy việc nâng cao ý thức là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục áp dụng công nghệ thông tin nhằm phát hiện, xử phạt các trường hợp vi phạm để răn đe", ông Liên nhấn mạnh.


Tổng cục Đường bộ nói gì?

Ông Lương Duyên Thống - vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết về đề xuất của Cục CSGT, các đơn vị sẽ nghiên cứu, xem xét để đưa ra những bổ sung phù hợp.

Theo ông Thống, giáo trình đào tạo lái xe hiện đã có một chương về đào tạo lái xe trên đường cao tốc, trong đó có đề cập rõ việc người lái xe vào ra phải xử lý như thế nào, chuyển làn, xử lý tình huống trên cao tốc…

Sắp tới đây, các đơn vị tiếp tục đưa vào và mở rộng đào tạo bằng cabin học lái. Các trung tâm đào tạo trang bị phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe, trong đó có khá nhiều bài học hướng dẫn học lái xe trên đường cao tốc.

Với phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe, học viên sẽ được tập luyện kỹ năng và tập phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, cung đường, thời tiết, tình trạng giao thông và các tình huống giao thông khác nhau.

"Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã có thông tư quy định các trung tâm đào tạo phải trang bị và sử dụng cabin học lái xe theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để đào tạo lái xe trước ngày 31-12-2022", ông Thống nói.

Vương quốc Anh: khuyến khích học cách ra, vào, vượt trên đường cao tốc

Từ ngày 4-6-2019, theo báo The Sun, tất cả người đang học lái ôtô ở Vương quốc Anh (gồm Anh, Xứ Wales và Scotland) đều được phép lái xe trên cao tốc với điều kiện là có một giảng viên đạt tiêu chuẩn đi kèm và phải sử dụng xe hơi có hệ thống điều khiển kép. Trước đó, chỉ những người đã có bằng lái xe mới được lái trên cao tốc.

Sự thay đổi này, theo chính phủ, sẽ giúp những người học lái xe có cơ hội tích lũy kinh nghiệm lái quan trọng và thiết thân với họ.

Vào thời điểm công bố thay đổi này, Bộ trưởng An toàn giao thông đường bộ Anh Jesse Norman lý giải: "Các tuyến đường ở Anh thuộc diện an toàn nhất thế giới, nhưng các vụ va chạm trên đường bộ vẫn là nhóm gây số ca tử vong cao thứ hai ở người trẻ".

Tuy nhiên, cho tới nay các bài học lái xe trên cao tốc vẫn đang là lựa chọn tự nguyện chứ chưa bắt buộc. Việc này tùy vào giáo viên, họ sẽ quyết định thời điểm nào học viên đủ trình độ và tự tin để bắt đầu bài học trên cao tốc.

Tại Anh cũng như nhiều nước, biển số xe có chữ "L" (viết tắt của chữ "Learner", tức "người học") sẽ phải được gắn vào phía trước hoặc sau xe để thông báo cho người đi đường biết người điều khiển xe đang trong giai đoạn tập lái.

Việc cho phép những người học có thể lái trên đường cao tốc được cho là sẽ giúp họ có thêm kinh nghiệm cầm lái trước khi tham gia kỳ thi lấy bằng.

Thường thì giáo viên sẽ chỉ cách đi vào cũng như ra khỏi cao tốc, cách vượt và đi vào đúng làn đường như thế nào. Người học cũng có cơ hội thực hành kỹ năng lái ở tốc độ cao hơn và áp dụng các lý thuyết đã học vào thực tế.

Dù vậy, tới nay Vương quốc Anh vẫn chưa có quy định bắt buộc đưa nội dung lái xe trên cao tốc vào nội dung thi cấp bằng lái, do đó mọi người vẫn có thể lấy bằng mà không nhất thiết phải đã từng lái xe trên cao tốc.


Tuy nhiên, theo một khảo sát năm 2018 do hai tổ chức Citroën UK và IAM RoadSmart thực hiện, 61% người Anh tin rằng lái xe trên đường cao tốc nên trở thành một phần bắt buộc của việc thi cấp bằng lái ôtô. ( ĐỖ DƯƠNG)

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, cục trưởng Cục CSGT - Bộ Công an, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo lực lượng chức năng nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo.

Chia sẻ Facebook