Panama phát triển nhà máy lọc sinh học lớn nhất sản xuất nhiên liệu hàng không carbon thấp
Chính phủ Panama và một số công ty năng lượng lớn có kế hoạch phát triển một nhà máy lọc sinh học tiên tiến để tăng nguồn cung nhiên liệu hàng không carbon thấp hơn.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh ngành hàng không đang tìm cách đạt được mục tiêu không phát thải carbon ròng vào năm 2050 và các chính phủ trên toàn thế giới đang yêu cầu mạnh mẽ các công ty tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch.
Nhà máy lọc sinh học ở Panama sẽ sản xuất 180.000 thùng nhiên liệu sinh học mỗi ngày (tương đương 2,6 tỷ gallon/năm), bao gồm nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) và dầu diesel sinh học , sau khi nhà máy này được hoàn thành vào cuối năm 2026. Dự án kết hợp với một loạt công ty đã cam kết sản xuất SAF trong những năm gần đây, bao gồm SGP BioEnergy.
Ngành hàng không được coi là khó khử carbon hơn so với các loại hình vận tải khác, do đó cần gia tăng mạnh mẽ sản lượng SAF để ngành hàng không đạt tới mức phát thải ròng bằng 0.
Theo một phân tích từ Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, sản lượng SAF sẽ phải tăng từ ước tính 8 tỷ lít (211 triệu gallon Mỹ) trong năm 2025 lên gần 450 tỷ lít (119 tỷ gallon Mỹ) vào năm 2050.
SAF tạo ra lượng khí thải thấp hơn so với nhiên liệu phản lực dựa trên dầu mỏ truyền thống bằng cách tận dụng các nguyên liệu thô bao gồm dầu đậu nành, dầu ăn đã qua sử dụng và mỡ động vật, nhưng chi phí sản xuất lại cao hơn.
Randy Letang, Giám đốc điều hành của SGP BioEnergy cho biết, nhà máy lọc sinh học mới sẽ tái sử dụng các hầm chứa dầu nhiên liệu hiện có trên cả hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của Panama ở Colon và Balboa.
Dự án sẽ hướng tới mục đích sử dụng cơ sở hạ tầng xuất khẩu hiện có của Panama để cung cấp SAF và dầu diesel sinh học trên phạm vi toàn cầu. Khoảng một nửa công suất của nhà máy lọc sinh học sẽ được sử dụng để sản xuất SAF.
Panama không phải là quốc gia sản xuất dầu thô hoặc khí đốt tự nhiên, nhưng đóng vai trò là điểm trung chuyển năng lượng qua cả kênh đào Panama và đường ống xuyên Panama.