OPEC+ tăng sản lượng dầu: Tín hiệu chính trị hơn thực chất
Ngày 2-6, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu thô cao hơn dự kiến, nhằm xoa dịu phần nào nền kinh tế toàn cầu đang phải chịu đựng giá năng lượng tăng cao.
OPEC+ sẽ tăng sản lượng lên 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8, cao hơn so với mức tăng hằng tháng trước đó là 432.000 thùng/ngày, trong bối cảnh giá "vàng đen" tăng và Liên minh châu Âu (EU) nhất trí cấm vận một phần dầu Nga.
Áp lực từ Mỹ
Giá dầu đã tăng vọt kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào ngày 24-2. Giá dầu thô của Mỹ hiện đã tăng 54% kể từ đầu năm và giá dầu thô quốc tế đã tăng gần 40% trong cùng thời gian.
Giá xăng cũng tăng và đạt mức cao nhất mọi thời đại tại Mỹ vào ngày 2-6 là 4,76 USD/gallon (3,785 lít) xăng. Hãng tin AP đánh giá đây sẽ là rủi ro tiềm ẩn đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào mùa thu này.
Saudi Arabia, quốc gia đứng đầu OPEC, đã chống lại áp lực tăng nguồn cung dầu trong suốt nhiều tháng. Lập trường của Riyadh cùng với thỏa thuận ngưng nhập khẩu dầu từ Nga của EU đã đẩy giá năng lượng tăng cao.
Mới tuần trước, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud nói nước này không thể làm gì hơn để kiểm soát thị trường dầu mỏ và thậm chí còn khẳng định không có tình trạng thiếu hụt dầu thô.
Theo Hãng tin Bloomberg, sự thay đổi ngày 2-6 cho thấy áp lực chính trị từ Nhà Trắng đang có kết quả. Dự kiến Tổng thống Biden tới Trung Đông để gặp Thái tử Mohammed bin Salman vào cuối tháng này.
Tin tức về chuyến đi cho thấy tổng thống Mỹ đang tìm cách hợp tác với Saudi Arabia trên một số phương diện, bao gồm cả việc kiềm chế giá nhiên liệu tăng cao khi lạm phát đang trở thành vấn đề lớn với chính quyền Mỹ hiện tại.
"Băng giá giữa quan hệ ngoại giao Mỹ - Saudi Arabia đang tan nhưng sẽ cần nhiều tiến bộ hơn trước khi bình thường hóa hoàn toàn", Bill Farren-Price, giám đốc nghiên cứu Tập đoàn tư vấn năng lượng Enverus, nhận định.
Nhưng không rõ là Saudi Arabia sẵn sàng đi đến đâu để giúp ông Biden về giá dầu. Lượng dầu bổ sung mà OPEC+ cam kết ngày 2-6 khó có thể khiến giá nhiên liệu giảm.
Mức tăng khiêm tốn
Trước khi OPEC+ quyết định tăng sản lượng dầu trong tháng 7 và tháng 8, Mỹ và các thành viên Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đả phải "xả" hàng triệu thùng dầu thô từ các kho dự trữ khẩn cấp để ổn định thị trường.
Mức tăng sản lượng 648.000 thùng/ngày của OPEC+ được đánh giá là còn khiêm tốn, chỉ chiếm 0,4% nhu cầu toàn cầu trong tháng 7 và tháng 8. Các nhà phân tích cho rằng nguồn cung bổ sung chỉ tăng nhẹ có thể không đủ để xoa dịu thị trường dầu, vốn đã tăng lên mức cao nhất trong một thập niên kể từ khi Nga tấn công Ukraine, gây ra áp lực lạm phát trên toàn cầu.
Mức tăng sản lượng của OPEC+ sẽ được phân bổ theo tỉ lệ giữa các thành viên. Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên của khối này không có khả năng tăng sản lượng gồm Angola, Nigeria và gần đây nhất là Nga. Điều này có nghĩa là trên thực tế số thùng dầu bơm ra thị trường có thể nhỏ hơn số lượng cam kết.
Giovanni Staunovo, chiến lược gia tại Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ), ước tính rằng mức tăng sản lượng thực chất có thể chỉ bằng một nửa mục tiêu.
Chỉ có Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) có đủ năng lực dự phòng để bù đắp một phần đáng kể thiếu hụt nguồn cung do các lệnh trừng phạt đối với Nga. Phần lớn trong số đó sẽ vẫn chưa được khai thác ngay cả sau khi sản lượng tăng trong tháng 7 và tháng 8.
Chịu ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, sản lượng của Nga đã giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày kể từ 24-2 và có thể giảm thêm nếu EU tăng cường trừng phạt.
"Cần coi diễn biến này là tín hiệu chính trị hơn là số thùng dầu bổ sung. Saudi Arabia có lẽ đã sẵn sàng bơm thêm nhiều dầu hơn ra thị trường", báo New York Times dẫn lời Bill Farren-Price, giám đốc nghiên cứu Tập đoàn tư vấn năng lượng Enverus.
Thực tế giá dầu đã tăng sau khi quyết định của OPEC+ được công bố. Giá dầu thô của Mỹ, đã giảm tới 3 USD/thùng vào đầu ngày 2-6, sau đó lại đảo chiều và tăng gần 2%, đạt mức 117,15 USD. Giá dầu Brent tăng 0,7%, lên 117,02 USD.
"Mặc dù OPEC+ tăng sản lượng dầu nhiều hơn một chút so với dự kiến của thị trường nhưng trên thực tế, họ không thể tăng nguồn cung do sản lượng hiện tại đang thấp hơn 2 triệu thùng/ngày so với mục tiêu", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Andrew Lipow, chủ tịch Hiệp hội Dầu Lipow ở Houston (bang Texas, Mỹ), cho biết.
"Chúng tôi cho rằng một gánh nặng quá lớn đang được đặt lên OPEC để bù đắp thiệt hại kinh tế do chiến tranh gây ra", Helima Croft, một nhà phân tích tại RBC Capital Markets, nói.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin thân Nga từ OPEC+ cho biết Matxcơva có thể đồng ý để các nhà sản xuất khác tăng sản lượng để bù đắp phần "đóng góp" của Nga, nhưng không nhất thiết bù đắp tất cả.
Theo Hãng thông tấn Interfax, sản lượng dầu thô của Nga đã giảm xuống 10,05 triệu thùng/ngày trong tháng 4, giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng trong vài ngày đầu tháng 5, con số này đã tăng 2% so với tháng 4, lên mức trung bình 10,28 triệu thùng/ngày.
Dù vậy, mức tăng này vẫn còn thấp so với hạn ngạch của OPEC+ đề ra cho Nga là 10,54 triệu thùng/ngày.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, việc các nước EU cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga chỉ khiến thị trường thêm bất ổn, giá cả mọi thứ tăng cao và cuối cùng chỉ có người dân các nước này là chịu thiệt nhất.