OPEC+ giảm sản lượng dầu, châu Á rộng cửa đón nhà sản xuất toàn cầu
Năm 2022, 70% lượng dầu của OPEC được chuyển đến các nước châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ, tăng từ 61% vào năm 2017.
Giá dầu đã tăng 5 USD/thùng lên hơn 85 USD/thùng hôm 3/4, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh, bao gồm Nga (OPEC+) bất ngờ tuyên bố cắt giảm sản lượng khoảng 1,16 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 5 cho đến hết năm.
Các thành viên Opec + sẽ thực hiện cắt giảm “tự nguyện”. Cụ thể, Ả Rập Xê-út sẽ cắt giảm 500.000 thùng/ngày, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) 144.000 thùng/ngày, Iraq 211.000 thùng/ngày, Kuwait 128.000 thùng/ngày và Oman 40.000 thùng/ngày. Nga cũng cắt giảm 500.000 thùng/ngày nhưng bắt đầu từ tháng 6.
Tổng khối lượng cắt giảm của OPEC+ kể từ tháng 11 sẽ lên đến 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu toàn cầu. Mức giảm trên thực tế có thể thấp hơn, vì một số thành viên vẫn chưa đạt được mục tiêu sản lượng đặt ra, ví dụ như 300.000 thùng/ngày đối với Nga và 700.000 thùng/ngày đối với các thành viên còn lại trong nhóm.
Lo ngại suy thoái?
OPEC+ từng dự kiến sẽ giữ sản lượng ổn định cho đến cuối năm nay, sau khi đã cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày vào tháng 11 năm ngoái, do đó, tuyên bố cắt giảm mới đây khiến cả thị trường khá bất ngờ. Động thái mới đây của tổ chức này có thể lý giải bằng 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, OPEC+ kỳ vọng việc cắt giảm sản lượng được thực hiện như một biện pháp phòng ngừa nhằm ổn định thị trường, theo Ả Rập Xê-út.
Những lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngân hàng mới trong tháng qua đã khiến các nhà đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro, khiến giá dầu giảm xuống còn gần 70 USD/thùng từ mức cao nhất mọi thời đại 139 USD/thùng vào tháng 3/2022.
Theo nghiên cứu của Redburn, quy mô của đợt cắt giảm mới nhất có lẽ đã quá mức, trừ khi OPEC lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu. Khi các nền kinh tế suy yếu, nhu cầu và giá nhiên liệu sẽ giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu giảm xuống. Do đó, việc cắt giảm nguồn cung sẽ đẩy giá dầu thô tăng lên.
Thứ hai, OPEC+ muốn nhắm vào những kẻ đầu cơ và những người bán khống dầu (đặt cược vào việc giá dầu giảm để ăn chênh lệch).
Năm 2020, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, đã cảnh báo các nhà giao dịch không nên đặt cược quá nhiều vào thị trường dầu mỏ. Ông nói rằng ông sẽ cố gắng làm cho thị trường tăng vọt và khiến những người đánh cược vào giá dầu sẽ “đau đầu”.
Lần cắt giảm mới nhất sẽ gây tổn hại nặng nề cho những người đặt cược vào dầu mỏ, Reuters cho biết.
Thứ ba, OPEC+ muốn tìm kiếm một mức giá cao hơn. Mặc dù dầu thô Brent đã tăng lên 85 USD/thùng khi mở cửa giao dịch vào ngày 3/4, nhưng đây vẫn chưa phải là mức cao so với thười kỳ đỉnh điểm.
Theo nhiều nhà phân tích, OPEC+ rất muốn đặt giá sàn ở mức 80 USD/thùng khi UBS và Rystad dự đoán giá dầu sẽ tăng lên 100 USD/thùng.
Không thể bỏ lỡ
Sau hàng loạt vụ sụp đổ ngân hàng ở Mỹ, sự phục hồi của giá dầu sau đó được vực dậy nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu khí lớn nhất thế giới.
Trung Quốc, đã trở thành một yếu tố chính trong dự báo giá dầu khí của các nhà phân tích. Đây là thị trường mà các nhà giao dịch dầu mỏ xem xét trước khi đưa ra quyết định, cũng là nơi các nhà sản xuất “nhòm ngó” khi lập kế hoạch cho tương lai.
Năm nay, Trung Quốc được cho là chiếm khoảng 50% nhu cầu dầu mỏ toàn cầu với mức cao kỷ lục gần 102 triệu thùng mỗi ngày, theo báo cáo thị trường dầu tháng 1 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Trong 2 báo cáo tiếp theo, IEA giữ nguyên quan điểm rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau Covid sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu toàn cầu cao hơn đáng kể.
OPEC cũng dự báo tăng trưởng nhu cầu mạnh mẽ ở Trung Quốc, do đó đã điều chỉnh nhu cầu của thị trường này từ 590.000 thùng/ngày lên 700.000 thùng/ngày trong báo cáo thị trường hàng tháng mới nhất của mình.
Bên cạnh đó, OPEC cũng khá lạc quan về nhu cầu của Ấn Độ. Quốc gia Nam Á phải nhập khẩu hơn 80% dầu thô để đáp ứng nhu cầu trong nước. Với dân số và nền kinh tế ngày càng tăng trưởng, Ấn Độ đang được coi là quốc gia có thể thay thế Trung Quốc, trở thành quốc gia dẫn đầu về nhu cầu dầu mỏ trong vòng chưa đầy 20 năm tới.
Ngoài ra, châu Á không chỉ có Trung Quốc và Ấn Độ. Nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng có nhu cầu dầu khí ngày càng tăng.
Indonisa là nhà nhập khẩu xăng dầu lớn nhất ở châu Á, với nhu cầu nhập khẩu 670.000 thùng mỗi ngày vào năm 2023.
Theo Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt, nhu cầu nhiên liệu ở ASEAN dự kiến sẽ tăng hơn 2 lần lên 350 tỷ m3 vào năm 2050 so với năm 2021, để thay thế hoàn toàn cho than đá. Thái Lan, Malaysia và Indonesia sẽ là những quốc gia nhập khẩu khí đốt hàng đầu trong khu vực này.
Với tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu khí hiện tại và dự kiến, Trung Quốc, Ấn Độ và phần còn lại của châu Á là tâm điểm chú ý của cả OPEC+ cũng như các nhà sản xuất dầu mỏ khác. Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+, do đó, sẽ là cơ hội vàng để các nhà sản xuất dầu mỏ khác từ châu Mỹ, châu Phi và các nơi khác giành thị phần tại khu vực này .
Nguyễn Tuyết (Theo Reuters, Oil Price, Bloomberg)