Ông Zelensky ra hạn chót yêu cầu EU chấm dứt lệnh cấm “phi châu Âu”

Chia sẻ Facebook
26/07/2023 01:15:54

Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố bất kỳ động thái nào của EU nhằm mở rộng các hạn chế đối với ngũ cốc của Ukraine là “không thể chấp nhận được” và “phi châu Âu”.


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 24/7 kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) đảm bảo rằng lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của đất nước ông vào 5 quốc gia thành viên của khối này sẽ được dỡ bỏ trước hạn chót là ngày 15/9.


Trước đó, Ba Lan, Slovakia, Hungary , Romania và Bulgaria muốn lệnh cấm của EU kéo dài ít nhất cho đến cuối năm nay.


Trong bài phát biểu video hàng đêm của mình hôm 24/7, được đưa ra sau cuộc họp với các quan chức chính phủ, ông Zelensky nói rằng không lý gì lệnh cấm “không thể chấp nhận được và rõ ràng là phi châu Âu” này sẽ được gia hạn sau khi nó hết hạn vào ngày 15/9.


“Chúng tôi tin rằng phía châu Âu sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình vào ngày này, khi các hạn chế tạm thời sẽ ngừng được áp dụng”, ông Zelensky nói.


“Bất kỳ sự gia hạn nào đối với những hạn chế này là hoàn toàn không thể chấp nhận được và rõ ràng là phi châu Âu. Châu Âu có khả năng thể chế để hành động hợp lý hơn là đóng cửa biên giới đối với một loại hàng hóa nào đó”.


Ông cho biết Ukraine đang tích cực làm việc với các bên để “tìm ra giải pháp phù hợp với tinh thần của châu Âu chúng ta”.


Tổng thống Ukraine trước đó đã viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng mọi sự gia hạn đều “không thể chấp nhận được dưới mọi hình thức”.

Các nhà kho khổng lồ chứa ngũ cốc tại cảng Odesa, Ukraine, bên Biển Đen. Ảnh: AP/Los Angeles Times


Hồi tháng 5, EU đã cho phép Bulgaria, Hu nga ry, Ba Lan, Romania và Slovakia áp lệnh cấm bán lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương của Ukraine trong nước đến tháng 9. Trong số 5 quốc gia kể trên có một số nước ủng hộ ngoại giao trung thành nhất của Kiev trong cuộc chiến chống lại Moscow.


Họ đã kêu gọi EU gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc cho đến cuối năm nay, trong bối cảnh lo ngại nông dân địa phương sẽ bị ảnh hưởng do nguồn cung của Ukraine bị chuyển hướng trong bối cảnh Nga vừa rút khỏi thỏa thuận bảo vệ các chuyến hàng xuất khẩu nông sản qua Biển Đen.


Tuần trước, Bộ trưởng Nông nghiệp của 5 nước hôm 19/7 đã ký một tuyên bố chung ủng hộ việc tiếp tục cho phép ngũ cốc của Ukraine di chuyển qua biên giới của họ bằng đường bộ, đường sắt và đường sông đến các khu vực có nhu cầu trên thế giới nhưng sẽ duy trì lệnh cấm nhập khẩu vào nước họ cho đến hết năm 2023.


“Liên minh này không chống lại bất kỳ ai, không chống lại Ukraine hay EU, mà là vì lợi ích của những người nông dân của chúng tôi”, Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus cho biết sau cuộc gặp với những người đồng cấp ở Warsaw, nơi họ quyết định thúc đẩy lệnh cấm được gia hạn sau hạn chót là ngày 15/9.


Đoạn video được đăng trên mạng xã hội ghi lại khoảnh khắc một cuộc không kích vào cảng Reni của Ukraine, cách Romania chỉ 200 m bên kia sông Danube, ngày 24/7/2023. Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã lên án vụ tấn công, gọi đây là một “sự leo thang” gây ra rủi ro đối với an ninh rộng lớn hơn ở khu vực Biển Đen và an ninh lương thực toàn cầu. Nguồn: RFE/RL


Ngoại trừ Bulgaria, tất cả các quốc gia có chung biên giới với Ukraine đã phải đối mặt với một “đòn giáng” mạnh kể từ khi Nga rút khỏi một thỏa thuận mang tính đột phá do Liên Hợp Quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.


Ukraine là nhà xuất khẩu hàng đầu về lúa mì, lúa mạch, dầu thực vật và ngô, và thỏa thuận trên cho phép thực phẩm của Ukraine được vận chuyển qua Biển Đen tới các quốc gia cần chúng. Nga để cho thỏa thuận hết hạn với lập luận rằng xuất khẩu của họ đang bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, vi phạm thỏa thuận do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.


Nhưng Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết trong suốt những tháng thỏa thuận ngũ cốc có hiệu lực, không một điều khoản nào liên quan đến Nga trong thỏa thuận “được thực hiện”, trong khi việc xuất khẩu lương thực của Ukraine vẫn được đảm bảo. Hơn nữa, ngũ cốc từ Ukraine không được xuất khẩu sang các nước nghèo nhất mà chủ yếu xuất khẩu sang phương Tây, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cho biết thêm.


Theo 5 Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, trước khi thỏa thuận trên được ký kết hồi tháng 7 năm ngoái, ngũ cốc Ukraine đã bị kẹt ở nước họ, dẫn đến tình trạng dư thừa khiến giá cả nông sản của chính họ bị giảm xuống, và họ không muốn thấy điều đó xảy ra lần nữa.


Các Bộ trưởng kêu gọi EU xây dựng các cơ chế để đưa ngũ cốc và các thực phẩm khác của Ukraine đến các điểm đến cần thiết mà không làm tổn hại đến ngành nông nghiệp ở các nước trung chuyển.


“EU nên xây dựng các công cụ cơ sở hạ tầng và luật phù hợp để điều chỉnh việc vận chuyển ngũ cốc của Ukraine trong dài hạn”, Bộ trưởng Ba Lan Telus nói. “Chúng tôi muốn giúp đỡ Ukraine trong quá trình trung chuyển” .


Minh Đức (Theo Reuters, AP)

Chia sẻ Facebook