Ông Zelensky cáo buộc Nga cho nổ tung đập thủy điện, phỏng đoán lý do
Nga thì cho rằng Ukraine phá hủy con đập để tước đoạt nguồn cấp nước ngọt cho Crimea và đánh lạc hướng khỏi những thất bại gần đây trong nỗ lực phản công mới của họ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gọi sự cố vỡ đập Kakhovka ở khu vực Kherson đầu ngày 6/6 là hành động “hủy hoại môi trường hàng loạt”, đồng thời tuyên bố vụ việc sẽ không làm thay đổi kế hoạch của Ukraine nhằm tái chiếm lãnh thổ từ tay các lực lượng Nga .
Con đập cao 30 m và dài 3,2 km (2 dặm), được xây dựng vào năm 1956 trên sông Dnipro như một phần của nhà máy thủy điện Kakhovka và bao gồm một hồ chứa có thể tích 18 km khối – là nguồn cung cấp nước ngọt cho bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014, và cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia gần đó.
Giả định về Crimea
Mô tả vụ nổ phá hủy con đập là một hành động hỗn loạn và có chủ ý của Nga, ông Zelensky hôm 6/6 cho rằng hành động này nhằm “sử dụng lũ lụt làm vũ khí” để cản trở các lực lượng Ukraine.
Trong bài phát biểu video hàng đêm trước toàn quốc hôm 6/6, Tổng thống Ukraine cũng cho rằng vì Moscow cam chịu mất quyền kiểm soát Crimea nên đã phá hủy nguồn cung cấp nước cho khu vực này.
“Việc Nga cố tình phá hủy hồ chứa Kakhovka, vốn cực kỳ quan trọng, đặc biệt là cung cấp nước cho Crimea, cho thấy các lực lượng Nga đã nhận ra rằng họ cũng sẽ phải rời khỏi Crimea”, nhà lãnh đạo Ukraine nói.
“Ukraine sẽ lấy lại mọi thứ thuộc về mình, và sẽ khiến Nga phải trả giá cho những gì họ đã làm”, ông nói tiếp.
Tổng thống Zelensky cũng dự đoán rằng các lực lượng Ukraine sẽ “khôi phục cuộc sống bình thường” ở Crimea sau khi đánh bật quân Nga và giành lại quyền kiểm soát bán đảo.
“Chúng ta cũng sẽ giải phóng toàn bộ đất đai của mình”, ông Zelensky nói, đồng thời cho biết thêm rằng vụ nổ con đập khổng lồ này sẽ không ngăn chặn được thất bại của Nga mà sẽ làm tăng thêm chi phí bồi thường sau cuộc chiến mà Moscow sẽ phải trả cho Kiev một ngày nào đó.
Một số chuyên gia cho rằng nếu đúng Nga phá hủy con đập, thì đây là một động thái chiến lược nhằm làm chậm cuộc phản công của Ukraine, đồng thời bày tỏ sự hoài nghi về ý kiến cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ sẵn lòng từ bỏ quyền kiểm soát Crimea.
“Không có chuyện điều này báo hiệu rằng ông Putin đang từ bỏ cái gì đó. Crimea là một phần thưởng lớn và Nga sẽ giữ lấy nó bằng mọi giá”, Đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu Mark Cancian nói với Newsweek hôm 6/6.
“Giả định của tôi là, người Nga đã cho nổ con đập để mở rộng rào cản bằng nước nhằm đối phó với cuộc tấn công của Ukraine qua sông Dnipro”, ông Cancian nói. “Đây sẽ là một động thái phòng thủ cổ điển mà các quốc gia thường làm trong quá khứ”.
T hảm họa nhân đạo mới
Về phía Nga, hãng thông tấn nhà nước TASS hôm 7/6 dẫn nguồn cơ quan dịch vụ khẩn cấp của nước này cho biết, các nhà chức trách đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Vùng Kherson do sự cố vỡ đập của nhà máy thủy điện Kakhovka. Trước đó, tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại thành phố Nova Kakhovka.
TASS mô tả vụ việc như sau: Vào rạng sáng ngày 6/6, quân đội Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công vào nhà máy thủy điện Kakhovka, có lẽ là từ một hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) Olkha. Vụ pháo kích đã phá hủy các van thủy lực ở đập, gây ra tình trạng xả nước không kiểm soát được. Ở Nova Kakhovka, mực nước có thời điểm vượt quá 12 m. Hiện có 15 khu dân cư trong khu vực bị ngập lụt. Cư dân của các khu gần đó đang được sơ tán, mặc dù các nhà chức trách cho biết không cần sơ tán quy mô lớn. Sự cố vỡ đập của nhà máy thủy điện đã gây ra thiệt hại môi trường nghiêm trọng. Đất canh tác dọc theo sông Dnipro đã bị cuốn trôi và có nguy cơ Kênh đào Bắc Crimea sẽ cạn kiệt.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mô tả cuộc tấn công vào nhà máy thủy điện Kakhovka hôm 6/6 là một hành động phá hoại có chủ ý của Ukraine, đồng thời nói thêm rằng chính quyền Kiev phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hậu quả.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, các lực lượng của ông đã ngăn chặn cuộc phản công đầu tiên của Ukraine trong 3 ngày đầu tiên trong các trận chiến khiến hàng nghìn binh sĩ Ukraine thiệt mạng hoặc bị thương. Quyết định phá hủy con đập là để làm chậm các cuộc tấn công của các lực lượng Nga, ông Shoigu nói.
Cả Moscow và Kiev đều không cung cấp bằng chứng cho những tuyên bố của họ liên quan đến việc con đập bị vỡ.
Sự cố vỡ đập gây ra một thảm họa nhân đạo mới ở trung tâm vùng chiến sự và khi Ukraine chuẩn bị cho cuộc phản công đã được chờ đợi từ lâu.
Giới chức Ukraine cho biết, 17.000 người đã được sơ tán khỏi lãnh thổ do Ukraine kiểm soát và tổng cộng 24 ngôi làng đã bị ngập lụt.
“Hơn 40.000 người có nguy cơ bị ngập lụt”, Tổng công tố Ukraine Andriy Kostin thông tin, đồng thời cho biết thêm rằng 25.000 người nữa nên được sơ tán khỏi những khu vực có nguy cơ bị ngập lụt ở bờ bên kia của sông Dnipro do Nga kiểm soát.
Ông Vladimir Leontyev, Thị trưởng thành phố Nova Kakhovka do Nga bổ nhiệm, cho biết thành phố đã chìm dưới nước và hàng trăm người đã được sơ tán. Ít nhất 7 người mất tích sau khi nước từ đập Kakhovka tràn vào các khu vực lân cận, ông cho biết hôm 7/6.
Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết, ít nhất 16.000 người đã mất nhà cửa và những nỗ lực đang được tiến hành để cung cấp nước sạch, tiền mặt cũng như hỗ trợ về mặt pháp lý và tinh thần cho những người bị ảnh hưởng. Người dân ở bờ bên sông Dnipro do Ukraine kiểm soát đã được sơ tán bằng phà đến các thành phố bao gồm Mykolaiv và Odessa ở phía Tây.
Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths phát biểu trước Hội đồng Bảo an (UNSC) hôm 6/6 rằng toàn bộ “mức độ nghiêm trọng của thảm họa” sẽ chỉ được thể hiện đầy đủ trong những ngày tới .
Minh Đức (Theo Al Jazeera, Newsweek, TASS)