Ông trùm niken và cú đặt cược làm chao đảo ngành công nghiệp kim loại
Có lúc tưởng đã mất 10 tỷ USD vì đặt cược vào niken, ông trùm này đã hồi sinh không ngờ.
Khoảng 2h08 chiều ngày 8/3 (giờ Thượng Hải), rõ ràng thương vụ cá cược khổng lồ của Xiang Guangda vào việc giá niken sẽ giảm đã hoàn toàn đổ bể.
Hợp đồng tương lai niken tăng lên trên 100.000/ tấn và thương vụ của Xiang đang bị lỗ tới 10 tỉ USD. Hiện thực này không chỉ gây ra mối đe dọa rằng công ty của Xiang có thể phá sản mà còn gây ra một cú sốc giống như vụ Lehman Brothers với toàn bộ ngành công nghiệp kim loại. Thậm chí, có thể quật ngã chính Sàn giao dịch kim loại London (LME).
Nhưng Xiang vẫn rất bình tĩnh. Trong vòng vài giờ, hơn 50 nhân viên ngân hàng đã đến văn phòng của ông để nghe ông nói về kế hoạch ứng phó với cuộc khủng hoảng này như thế nào. Ông ấy chỉ đơn giản trả lời họ: "Tôi tự tin rằng mình sẽ vượt qua được điều này".
Và quả nhiên Xiang đã làm được.
Bốn tháng sau, giá niken giảm, đúng như Xiang đã dự đoán. Nhóm các ngân hàng do JPMorgan Chase & Co. đứng đầu đã được trả lại tiền. Ông đã đóng gần như tất cả các vị thế bán khống của mình với niken, bị lỗ khoảng 1 tỷ USD - một khoản tiền không quá lớn và đế chế kinh doanh khổng lồ của ông hoàn toàn có thể nhanh chóng bù đắp được.
Có một điều quan trọng hơn đó là: Người đàn ông có biệt danh ‘Big Shot’ trong giới hàng hóa Trung Quốc - người tưởng đã phải chịu thất bại cay đắng với công ty khai thác và luyện thép trị giá hàng tỷ USD của mình là Tsingshan Holding Group Co hiện vẫn còn nguyên vẹn và thậm chí đang mở rộng.
Nhưng trong khi Xiang tiếp tục tiến về phía trước, những người khác phải đối mặt với sự tàn phá khủng khiếp do khủng hoảng gây ra. Sự thoát chết kỳ diệu của Xiang một phần không nhỏ nhờ vào các hành động của LME - cơ quan vốn đã gây tranh cãi khi can thiệp để ngăn giqư niken tăng và sau đó tạm ngừng giao dịch cho đến khi Xiang đạt được thỏa thuận với các ngân hàng của ông.
Những người còn lại, bị mất hàng tỷ USD đã rất tức giận. Nhiều tháng sau, LME đang đối phó với một loạt các cuộc điều tra và vụ kiện, và thị trường niken vẫn đang quay cuồng.
"Rất vui khi thấy @jpmorgan và The Big Shot đã thoát ra khỏi toàn bộ điều này mà chỉ có vài vết xước", Cliff Asness, người sáng lập của AQR Capital Management cho biết vào tuần trước trong một dòng tweet đầy mỉa mai.
Tờ Bloomberg đã nỗ lực liên hệ với nhiều bên khác nhau, tất cả đều được yêu cầu giấu tên để tìm hiểu về cách Xiang vươn mình ra khỏi đợt siết chặt ngắn hạn làm rung chuyển thị trường kim loại toàn cầu. Dưới đây là những câu chuyện thu thập được.
Xiang đã xây dựng vị thế bán khổng lồ của mình vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 một phần như một hàng rào bảo vệ, một phần là đặt cược rằng một bước nhảy vọt trong kế hoạch sản xuất của Tsingshan trong năm nay sẽ kéo giá xuống. Nhưng khi xung đột Nga - Ukraine làm chao đảo các thị trường toàn cầu, giá niken bắt đầu leo thang - từ từ lúc đầu rồi nhảy vọt tăng tới 250% trong một đợt siết chặt kinh hoàng.
Vào tối ngày 8/3, các nhân viên ngân hàng cấp cao đã tập trung vào một căn phòng tại trụ sở chính của Tsingshan để yêu cầu câu trả lời. Những người khác gọi điện video từ London hoặc Singapore. Nguồn tin cho biết, trong số những người có mặt trực tiếp ở trụ sở Tsingshan, một số đã không rời đi cho đến sáng sớm hôm sau.
Đám đông đêm đó rất đông vì vị thế bán của Xiang liên đới với khoảng 10 ngân hàng và nhà môi giới - ông ấy từng là khách hàng tốt của nhiều người trong số họ, bao gồm cả JPMorgan suốt nhiều năm. Nhưng sau khi niken bắt đầu tăng đột biến vào ngày 7/3, Tsingshan đã phải vật lộn để đáp ứng các lệnh margin call. Khi ấy ông ấy nợ mỗi người hàng trăm triệu USD.
LME cuối cùng đã can thiệp để tạm dừng giao dịch vài giờ sau khi niken đạt 100.000 USD. Sàn này cũng đã hủy các giao dịch hàng tỷ USD, đưa giá trở lại mức 48.078 USD - tức mức giá đóng cửa vào ngày hôm trước. Hành động này chính là phao cứu nguy ngoạn mục cho Xiang và Tsingshan.
Để mở cửa trở lại thị trường, LME đã đề xuất một giải pháp: Xiang nên đạt được một thỏa thuận với những người nắm giữ vị thế mua để đóng giao dịch của mình. Nhưng mức giá khoảng 50.000 USD sẽ cao hơn gấp đôi mức mà ông ấy đã vào vị thế bán và đồng nghĩa với việc chấp nhận thua lỗ hàng tỷ USD.
Xiang, ngoài 60 tuổi vẫn đứng vững. Ngay từ thuở ban đầu khởi nghiệp làm khung cho cửa ra vào và cửa sổ ô tô ở Ôn Châu, miền đông Trung Quốc, ông đã xây dựng Tsingshan trở thành nhà sản xuất niken và thép không gỉ lớn nhất thế giới, với một đế chế trải dài từ các mỏ ở các hòn đảo xa xôi ở Indonesia đến các nhà máy thép trên bờ biển. Đồng thời, ông ấy cũng nổi tiếng về tư duy nhìn xa trông rộng và sở thích đặt cược lớn.
Trước đó, ông đã thu hút sự chú ý của LME, khi vào năm 2019, Tsingshan rút một lượng lớn niken tồn kho từ các kho trao đổi và khiến giá tăng vọt.
Lần này, cách tiếp cận tích cực của ông đối với giao dịch đã có hiệu ứng gợn sóng rộng hơn nhiều.
Giá tăng vọt và tình trạng đóng băng giao dịch đã gây ra sự tàn phá đối với các công ty sử dụng niken, như nhà máy thép không gỉ và nhà sản xuất pin cho xe điện. Một số đơn giản phải ngừng nhận đơn đặt hàng mới. Trên LME, các đại lý đã điên cuồng cố gắng thu hồi các lệnh margin call từ những khách hàng không thể thanh toán và ít nhất một người phải tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ công ty mẹ.
Tuy nhiên, với sự hỗn loạn chưa từng có đang diễn ra trong ngành, Xiang - vẫn đối mặt với các nhân viên ngân hàng vào đầu giờ ngày 9/3 với một lợi thế không ngờ: Phía ngân hàng kinh hãi hơn cả ông.
Nếu Xiang từ chối trả tiền, họ sẽ phải đưa ông ra tòa án ở Indonesia và Trung Quốc. Hơn nữa, ông đã thực hiện giao dịch mua bán niken của mình thông qua nhiều tổ chức doanh nghiệp khác nhau - chẳng hạn như chi nhánh Hồng Kông của đơn vị pin Ruipu Energy Co. - và không rõ các ngân hàng thậm chí có quyền thu giữ tài sản có giá trị nhất của Tsingshan hay không.
Một nhân viên ngân hàng có mặt trong đám đông hôm đó nhớ lại, ai cũng hiểu rằng nếu mọi chuyện không như ý muốn, sự nghiệp của họ cũng sẽ kết thúc.
JPMorgan là đơn vị rủi ro nhất. Ngoài ra còn có một số công ty quốc tế như Standard Chartered Bank Plc và BNP Paribas SA, nhưng nhiều ngân hàng Trung Quốc và Singapore có ít kinh nghiệm xử lý tình huống như thế này.
Bảo lãnh cá nhân
Xiang nói với các nhân viên ngân hàng tại đó rằng ông không có ý định đóng vị thế ở bất kỳ giá nào gần 50.000 USD. Vài giờ sau, ông cũng gửi thông điệp tương tự cho Matthew Chamberlain, giám đốc điều hành của LME. Ông nói, Tsingshan là một công ty mạnh và có sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc. Sẽ không có sự lùi bước.
Tiếp đó, ông viết một danh sách các tài sản mà ông sẵn sàng đem ra làm tài sản thế chấp: Một chuỗi các nhà máy ferronickel ở Indonesia. Nhưng đối với một số chủ ngân hàng, điều đó là chưa đủ. Họ sẽ không thể thực hiện bất kỳ thẩm định nào đối với các tài sản ở Indonesia trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, và ngay cả những người làm việc chặt chẽ với Tsingshan cũng không nhìn thấy các cơ sở này trong nhiều năm vì đại dịch.
Vì vậy, Xiang đã thực hiện một nhượng bộ hơn nữa vừa có giá trị, vừa khiêm tốn trong văn hóa kinh doanh của Trung Quốc: Một sự đảm bảo cá nhân. Nếu Tsingshan không trả nợ, các chủ ngân hàng có thể đuổi ông ta ra khỏi nhà. Đó là những gì ông ấy sẵn sàng cung cấp. Muốn lấy hay không là tùy phía ngân hàng.
Rõ ràng, họ không có nhiều sự lựa chọn. Vào ngày 14/3, một tuần sau khi sự hỗn loạn nhấn chìm thị trường niken, Tsingshan đã công bố một thỏa thuận với các ngân hàng của mình, theo đó họ đồng ý không truy hàng tỷ USD tiền nợ của công ty trong một khoảng thời gian. Đổi lại, Xiang đã đồng ý một loạt các mức giá mà tại đó ông ấy sẽ giảm vị thế bán niken của mình ngay khi giá giảm xuống dưới 30.000 USD.
Khi thị trường mở cửa trở lại hai ngày sau đó, giá đã giảm xuống, giảm bớt phần nào căng thẳng cho Xiang và các ngân hàng. Việc giá giảm nhẹ dưới 30.000 USD đã cho phép Tsingshan khôi phục khoảng 20% vị thế bán của mình.
Tuy nhiên, áp lực lên LME ngày càng gia tăng. Các cơ quan quản lý của sàn giao dịch này đã đưa ra các đánh giá về quản trị và giám sát của họ. Cục Dự trữ Liên bang Dallas và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã vào cuộc và nhiều quỹ đầu cơ vẫn tức giận trước quyết định hủy bỏ giao dịch của LME.
Transtrend, một quỹ thuật toán Hà Lan trị giá 6,7 tỷ USD cho biết: "Thời điểm chúng tôi nhận ra điều gì đang thực sự xảy ra, chúng tôi cảm thấy mình không thể ủy thác cho LME bằng tiền của khách hàng nữa".
Mỗi tháng, Tsingshan và các ngân hàng lại ngồi xem xét lại thỏa thuận bế tắc của họ. Sau đợt giảm giá ban đầu, niken trải qua một thời gian dài trong tình trạng lấp lửng với giá dao động khoảng 33.000 USD.
Đó là một khoảng thời gian căng thẳng. Tsingshan vẫn có một vị thế bán lớn, có nghĩa là công ty và các ngân hàng liên quan vẫn có thể chịu thiệt hại lớn nếu giá bắt đầu tăng trở lại.
Cuối cùng, vào tháng 5, giá đã giảm mạnh xuống dưới mức quan trọng 30.000 USD sau khi các đợt phong tỏa ở Trung Quốc làm ảnh hưởng đến tâm lý thị trường kim loại. Trong những tuần tiếp theo, Tsingshan giảm vị thế của mình - vào đầu tháng 3 là hơn 150.000 tấn - xuống chỉ còn 60.000 tấn.
Đến thời điểm này, Xiang không còn nợ các ngân hàng bất kỳ khoản tiền nào. Ông đề xuất loại bỏ bảo lãnh cá nhân khỏi thỏa thuận, coi đó là một sự nhượng bộ đối với những rắc rối tài chính trước đó của mình. Một số ngân hàng sẵn sàng làm như vậy, nhưng JPMorgan thì không: Số lượng nhà máy niken được sử dụng làm tài sản thế chấp đã giảm xuống, nhưng sự đảm bảo cá nhân sẽ vẫn còn. Một phát ngôn viên của JPMorgan từ chối bình luận về vấn đề này.
Đó không phải là dấu hiệu duy nhất cho thấy cuộc khủng hoảng đã làm suy yếu mối quan hệ của Xiang với các ngân hàng của ông ấy. Vào tháng 6, khi những lo ngại về suy thoái tràn lan trên thị trường toàn cầu, vị thế bán khống của Xiang bắt đầu giống như một giao dịch thông minh. Ông đã yêu cầu một số ngân hàng linh hoạt một chút, cho phép ông điều hành vị thế này lâu hơn so với dự kiến theo thỏa thuận của họ. Một lần nữa, JPMorgan nói không và vào cuối tháng 6, Xiang đã "chia tay" hoàn toàn với JPMorgan và một số ngân hàng khác, khiến vị thế của ông chỉ còn dưới 20.000 tấn.
Những người quen thuộc với vấn đề này ước tính thiệt hại của Tsingshan trong giao dịch vào khoảng 1 tỷ USD. Xiang không quan tâm. Khoản lỗ đã được bù đắp gần hết bằng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh niken của ông ấy trong cùng kỳ.
Giờ đây, ‘Big Shot’ đang tiếp tục cuộc sống của mình, tập trung vào các kế hoạch cho tương lai tại Tsingshan, nơi có doanh thu 56 tỷ USD vào năm ngoái. Khả năng giao dịch trên LME của ông ấy có thể bị giảm ít nhất là bây giờ, nhưng ông vẫn có thể giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải. Ông có tham vọng mở rộng, không chỉ ở châu Á, mà còn cả châu Phi. Và Tsingshan vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết trên thị trường niken: Sự gia tăng mạnh mẽ sản lượng từ các nhà máy của ông ở Indonesia là một trong những yếu tố chính khiến giá giảm, như Xiang dự đoán.
Nhưng trong khi Xiang có thể tiếp tục, LME vẫn đang đối phó với những rắc rối. Các nhà quản lý đã chỉ ra rằng sự hỗn loạn trong thị trường niken là một dấu hiệu của những rủi ro tiềm ẩn trong thị trường hàng hóa, và kêu gọi giám sát nhiều hơn đối với toàn bộ lĩnh vực này. Quỹ phòng hộ Elliot Investment Management và công ty kinh doanh Jane Street đã khởi động hành động pháp lý chống lại LME, đòi gần 500 triệu USD tiền đền bù.
Jim Lennon, một nhà theo dõi thị trường niken kỳ cựu và là giám đốc điều hành của Red Door Research Ltd., ước tính rằng chưa đến 25% sản lượng niken toàn cầu hiện đang được bán trên LME, giảm so với mức 50% trước cuộc khủng hoảng vào tháng Ba.
Ông nói: "Nhiều ngành công nghiệp hiện đã tạm thời rời khỏi LME. Thị trường vẫn hoạt động, nhưng LME thì đang gặp khó khăn".
Nguồn: Bloomberg
Vân Đàm
Theo Nhịp Sống Kinh Tế