"Ông trùm" đứng sau tập đoàn muốn đầu tư gần 6 tỷ USD cho "siêu cảng" quốc tế Cần Giờ - Cái Mép giàu đến mức nào?

Chia sẻ Facebook
19/04/2022 15:57:49

Theo dữ liệu của Forbes, tính đến ngày 18/4, tổng tài sản của vị Chủ tịch MSC ước tính khoảng 17,3 tỷ USD, là người giàu thứ 102 trên thế giới. Đáng chú ý, chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, tài sản của vị tỷ phú này đã tăng mạnh gần gấp 3 lần từ mức 6,5 tỷ USD vào năm 2020.

Mới đây, tại Hội thảo "Tạo đà phục hồi của thị trường bất động sản phía Nam", do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) Lã Hồng Hạnh tiết lộ, Tập đoàn vận tải biển MSC (tập đoàn lớn nhất thế giới về vận tải biển) đang đề xuất liên danh Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP đầu tư Khu cảng tại cù lao Phú Lợi, huyện Cần Giờ, khu vực sông Cái Mép để trở thành cảng trung chuyển quốc tế.

Theo đó, tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án này là khoảng 135.355 tỷ đồng (tương đương khoảng 5,9 tỷ USD). Năm 2025, dự kiến sẽ hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 660 triệu USD.

Dự án có quy mô gồm 13 bến chính tiếp nhận tàu mẹ với trọng tải lên tới 250.000 DWT (tương đương 24.000 TEUs) và tàu gom hàng (feeder) trọng tải 10.000 – 65.000 DWT, chiều dài khoảng 6,8 km. Công suất thiết kế khoảng 15 triệu TEU (trong đó khoảng 80% là hàng trung chuyển quốc tế; khoảng 20% là hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam).

Đại diện Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) đánh giá đây là cơ hội rất lớn đối với TP.HCM khi lượng hàng trước đây trung chuyển tại Singapore sẽ chuyển sang trung chuyển tại Việt Nam.

Công ty Vận chuyển Địa Trung Hải MSC là một doanh nghiệp toàn cầu tham gia vào lĩnh vực vận chuyển và hậu cần. MSC là một hãng tàu quốc tế được thành lập bởi Gianluigi Aponte tại Ý vào năm 1970, có trụ sở chính tại Thụy Sĩ từ năm 1978. Hiện, MSC vẫn thuộc sở hữu của gia đình Aponte.

Được biết, Gianluigi Aponte từng là một thuyền trưởng. Ông gia nhập ngành vận tải biển vào năm 1970 cùng với vợ là Rafaela. Năm 2014, Gianluigi rời vị trí CEO của MSC để trở thành Chủ tịch công ty. Con trai của ông, Diego, tiếp quản vị trí này cho đến khi Maersk Soren Toft được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành vào tháng 11/2019.

Theo số liệu thống kê của công ty phân tích vận tải biển Alphaliner ngày 5/1, MSC đã sở hữu hoặc thuê lượng tàu có thể chuyên chở được 4,284,728 container, vượt qua tổng khả năng chuyên chở 4,282,840 container của Maersk. Như vậy, MSC đã vượt qua Maersk để trở thành hãng vận tải đường biển chở hàng container lớn nhất thế giới sau 25 năm Maersk nắm giữ vị trí này.

MSC cũng hoạt động trong các lĩnh vực du lịch trên biển (MSC Cruises), hậu cần nội địa (Medlog) và khai thác cảng (Terminal Investment Limited).

Là công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận chuyển container, MSC đã phát triển từ hoạt động kinh doanh một tàu thành một doanh nghiệp với 600 đội tàu và hơn 100.000 nhân viên, có mặt tại 155 quốc gia.

MSC theo đuổi chiến lược xây dựng đội tàu chở hàng cỡ lớn để vận chuyển hàng hóa với chi phí thấp. Chiến lược của MSC là mua tàu chở hàng cỡ lớn bởi loại tàu này có khả năng vận hành hiệu quả hơn tàu nhỏ. Dù tàu cỡ lớn có chi phí vận hành cao hơn, nhưng có khả năng chở nhiều container hơn nên nếu được chất đầy hàng, mỗi chuyến vận tải sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với tàu cỡ nhỏ.

Hiện, MSC cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho cộng đồng địa phương, khách hàng và các đối tác kinh doanh quốc tế. MSC ghé thăm 500 cảng trên hơn 230 tuyến thương mại, chở khoảng 23 triệu TEU hàng năm bằng đội tàu hiện đại, được trang bị các công nghệ xanh tân tiến nhất.

Tập đoàn MSC xác nhận rằng họ đã ký kết thỏa thuận mua cổ phần với Bolloré SE liên quan đến việc mua lại 100% cổ phần của Bolloré Africa Logistics (bao gồm tất cả các hoạt động vận chuyển, hậu cần và thiết bị đầu cuối của Tập đoàn Bolloré tại Châu Phi, như hoạt động đầu cuối của nó ở Ấn Độ, Haiti và ở Timor-Leste) với giá mua dựa trên giá trị doanh nghiệp, ròng của lợi ích thiểu số, là 5,7 tỷ euro.

Việc ký kết thỏa thuận này được thực hiện theo một quy trình tham vấn kỹ lưỡng và tích cực với sự tham gia của đại diện các nhân viên của Bolloré Group.

Việc hoàn thành vẫn tùy thuộc vào việc nhận được phê duyệt, bao gồm cả từ các cơ quan cạnh tranh có liên quan.

Việc mua lại Bolloré Africa Logistics tái khẳng định cam kết lâu dài của Tập đoàn MSC trong việc đầu tư vào châu Phi và tăng cường chuỗi cung ứng trên khắp châu lục, cũng như kết nối nó với phần còn lại của thế giới.

Bên cạnh đề xuất đầu tư vào cảng quốc tế Cần Giờ - Cái Mép ở Việt Nam, vào cuối tháng 3/2022, Tập đoàn MSC xác nhận rằng họ đã ký kết thỏa thuận mua cổ phần với Bolloré SE, liên quan đến việc mua lại 100% cổ phần của Bolloré Africa Logistics với giá mua dựa trên giá trị doanh nghiệp khoảng 5,7 tỷ euro (6,3 tỷ USD) nhằm mở rộng quy mô hoạt động của hãng ở châu Phi.


Theo Giang Anh

Trí Thức Trẻ

Chia sẻ Facebook