'Ông trùm' buôn lậu xăng dầu vắng mặt đầu phiên tòa xét xử 2 cựu thiếu tướng cảnh sát biển
Theo thông báo của thư ký phiên tòa, "ông trùm" buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ đã vắng mặt trong buổi đầu xét xử sơ thẩm hai cựu thiếu tướng cảnh sát biển nhận hối lộ cùng các đồng phạm, vì "kẹt xe".
Sáng 12-7, tại Tòa án quân sự thủ đô Hà Nội, Tòa án quân sự Quân khu 7 mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử hai cựu tư lệnh vùng cảnh sát biển là Lê Văn Minh (cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4) và Lê Xuân Thanh (cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3) cùng đồng phạm trong vụ án buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và không tố giác tội phạm.
Hội đồng xét xử gồm 5 người trong đó có 2 thẩm phán, 3 hội thẩm quân nhân do thẩm phán - thượng tá Nguyễn Hồng Phong làm chủ tọa phiên tòa.
Có 16 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 3 ngày từ 12 đến 14-7.
Đúng 8h sáng 12-7, phiên tòa được tiến hành. Theo báo cáo của thư ký phiên tòa, có 4/16 luật sư và 6/8 người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa.
Trong những người làm chứng vắng mặt, đáng chú ý có Phan Thanh Hữu (65 tuổi, giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) và Nguyễn Hữu Tứ (65 tuổi) được xác định là 2 "ông trùm" đứng đầu đường dây buôn lậu xăng giả. Ngoài ra, con trai của Phan Thanh Hữu là Phan Lê Hoàng Anh cũng vắng mặt.
Thư ký phiên tòa cho biết hai nhân chứng này vắng mặt do "kẹt xe" nên sẽ tới tham dự phiên tòa sau.
Hội đồng xét xử đề nghị đại diện viện kiểm sát nêu quan điểm về sự vắng mặt của các luật sư và người làm chứng. Đại diện viện kiểm sát cho rằng những người làm chứng này đều đã có lời khai nên việc vắng mặt không ảnh hưởng và đề nghị tiếp tục phiên tòa.
2 luật sư Nguyễn Danh Huế và Đặng Văn Cường - bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, cựu chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang) - cho hay, có 6 người làm chứng, 4 luật sư, 1 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có mặt tại phiên tòa.
Đặc biệt là người làm chứng "ông trùm" Phan Thanh Hữu không có mặt tại phiên tòa và đây là mắt xích không thể thiếu. Do đó, các luật sư này đề nghị có biện pháp triệu tập những người làm chứng này đến và nếu không thì hoãn phiên tòa.
Sau ý kiến của các luật sư, chủ tọa phiên tòa cho biết 2 người làm chứng là Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ đang được dẫn giải từ trại giam ở Đồng Nai ra và sẽ đảm bảo có mặt tại phiên tòa.
Với những người làm chứng khác đã có lời khai trong hồ sơ điều tra vụ án, quá trình xét xử nếu nhận thấy có lời khai nào thiếu khách quan sẽ thực hiện việc áp giải những người làm chứng này tới tòa.
Hội đồng xét xử tuyên bố không chấp nhận đề nghị của luật sư và vẫn tiếp tục tiến hành phiên tòa với phần kiểm tra căn cước các bị cáo.
Theo cáo trạng, cựu thiếu tướng Lê Văn Minh cùng Lê Xuân Thanh và 9 người khác bị truy tố về tội nhận hối lộ. Vợ ông Lê Xuân Thanh là bà Phan Thị Xuân cũng bị truy tố về tội này.
Bị cáo Phùng Danh Thoại - cựu đại tá, cựu trưởng phòng xăng dầu, Cục Hậu cần, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển - bị truy tố tội buôn lậu; bị cáo Nguyễn Thế Anh - cựu đại tá, cựu chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang - bị truy tố tội nhận hối lộ và tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. Riêng bị cáo Cao Phước Hoài bị truy tố hành vi không tố giác tội phạm.
Cáo trạng của viện kiểm sát xác định, từ tháng 12-2019 đến tháng 2-2021, cựu thiếu tướng Lê Văn Minh đã nhận hối lộ của "ông trùm buôn lậu xăng dầu" Phan Thanh Hữu tổng số tiền 6,9 tỉ đồng.
Còn từ tháng 3-2020 đến tháng 1-2021, Phan Thanh Hữu đã đưa 1,8 tỉ đồng cho Phan Lê Hoàng Anh để đưa cho bà Phan Thị Xuân là vợ cựu thiếu tướng Lê Xuân Thanh.
Cùng với chồng là cựu tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 Lê Xuân Thanh, bà Phan Thị Xuân cũng bị truy tố về tội nhận hối lộ với vai trò giúp sức cho chồng. Bà Xuân bị cáo buộc có 11 lần nhận tổng số tiền 1,8 tỉ đồng từ 'trùm buôn lậu' xăng.