Ông trùm bị dẫn độ qua Mỹ, băng đảng Colombia phong tỏa cả một vùng

Chia sẻ Facebook
09/05/2022 11:57:03

Băng đảng ma túy lớn nhất ở Colombia chặn đường, cấm người dân ra khỏi nhà ở nhiều làng, thành phố để trả đũa việc thủ lĩnh của băng này bị dẫn độ sang Mỹ.

Binh lính Colombia canh gác trên một đoạn đường sau khi băng Gulf Clan đốt phá nhiều xe cộ ở khu vực Yarumal ngày 6-5 - Ảnh: AFP

Các tay súng bán quân sự của băng Gulf Clan tuyên bố "tấn công vũ trang" và lập rào chắn trên đường, chặn mọi hoạt động đi lại, đốt xe cộ, buộc các doanh nghiệp đóng cửa... Người dân bị cấm ra khỏi nhà, kể cả đi mua thức ăn.


"Chẳng có ai quanh đây vì chúng đốt mọi xe cộ mà chúng thấy trên đường. Thật kinh hoàng", một nhà hoạt động xã hội tại địa phương nói với báo Guardian ngày 8-5.

Từ giữa tuần trước, băng đảng Gulf Clan đã đóng cửa nhiều thành phố, làng mạc khắp miền bắc Colombia để trả thù việc dẫn độ sang Mỹ cựu thủ lĩnh của băng này, trùm Dairo Antonio Usuga, còn có biệt danh là Otoniel.

Trùm Otoniel bị buộc hàng loạt tội danh buôn ma túy ở Mỹ và hơn 120 tội danh ở Colombia, từ giết người, bắt cóc tống tiền, lạm dụng tình dục trẻ em cho đến khủng bố, buôn bán ma túy.

"Chính quyền không có chút kiểm soát nào ở đây, các băng đảng có thể làm loạn và gây bất ổn khắp khu vực bất cứ lúc nào. Các cộng đồng bị đóng cửa, xe buýt bị đốt và không ai được ra khỏi nhà", một lãnh đạo cộng đồng ở tỉnh Cordoba nói.

"Chúng tôi mới là tù nhân chứ không phải Otoniel", một người dân than vãn.

Trùm Dairo Antonio Usuga, còn có biệt danh là Otoniel, bị dẫn độ sang Mỹ ngày 4-5 - Ảnh: AFP

Băng Gulf Clan dọa rằng cuộc "tấn công vũ trang" sẽ kéo dài nhiều ngày và chúng không chịu trách nhiệm bất cứ hậu quả nào. Băng đảng với khoảng 2.000 thành viên này chuyên kiếm sống bằng buôn ma túy, bắt cóc, buôn người, cưỡng ép lao động trẻ em... Chúng là băng lớn nhất ở Colombia, vận chuyển đến 60% cocaine của quốc gia sản xuất ma túy lớn nhất thế giới này.

Phản ứng lại, chính quyền Colombia triển khai chiến dịch "chống khủng bố", nhưng thực tế chủ yếu là đi gỡ các rào chắn trên đường.

Các nhà phân tích cho biết cuộc nổi loạn của băng tội phạm này cho thấy vấn đề tồn tại trong chiến lược chống ma túy của Colombia: chỉ tập trung bắt các tay trùm mà bỏ qua mạng lưới những tên tội phạm sống trong cộng đồng.

"Việc 'chặt đầu' chúng với các vụ bắt giữ cấp cao và quy mô như bắt trùm Otoniel không ảnh hưởng gì đến tổ chức của chúng. Thực tế là chúng tiếp tục kiểm soát xã hội ở mức độ cao, tống tiền, ức hiếp ở những khu vực chúng nắm hoặc tranh chấp", nhà phân tích Elizabeth Dickinson của tổ chức International Crisis Group nói. Đối với băng Gulf Clan, sau khi Otoniel bị bắt, hai phó tướng của hắn đã cùng lên nắm quyền băng đảng này.

Tổng thống Colombia Ivan Duque cho biết Dairo Antonio Usuga - một trong những trùm ma túy khét tiếng nhất nước này - đã bị dẫn độ sang Mỹ trong ngày 4-5 để xét xử về tội danh buôn bán ma túy.

Chia sẻ Facebook