Ông Trần Hồng Hà: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp số phát triển và hình thành mô hình kinh doanh mới

Chia sẻ Facebook
24/05/2023 15:05:50

CĐS phải lấy phát triển Chính phủ số đóng vai trò dẫn dắt, kiến tạo phát triển và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất và kinh doanh

Phó Thủ tướng Phạm Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2023 (ảnh; Đăng Khoa)

Tại Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2023 (Vietnam - Asia DX Summit 2023) chính thức được khai mạc sáng 24/5 với chủ đề: “Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Trao đổi tại diễn đàn, ông Nguyễn Phú Tiến – Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Chuyển đổi số Quốc gia – Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ về quan điểm về khai thác và phát triển dữ liệu số. Trong đó, ông Tiến nhấn mạnh việc phát triển Chính phủ số với toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số.

“Dữ liệu là tài nguyên mới, có thể coi là đất đai trên không gian số. Cơ quan nhà nước (CQNN) xây dựng và mở tài nguyên này nhằm phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số” – ông Tiến nói và lưu ý, CQNN cần thiết kế mô hình tổ chức, cách thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số.

Ông Nguyễn Phú Tiến – Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Chuyển đổi số Quốc gia – Bộ Thông tin và Truyền thông (ảnh: Minh Sơn)

Nói về định hướng năm 2023, đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia nhấn mạnh lại tinh thần xuyên suốt đã được đề cập nhiều lần trước đây: Người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho CQNN khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến và doanh nghiệp được khai thác dữ liệu, dữ liệu mở do CQNN cung cấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, CQNN sử dụng dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu từ máy sinh ra theo thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định, giảm thiểu hoạt động báo cáo thủ công giữa các cấp.

Diễn đàn năm nay có sự tham dự của Phó Thủ tướng chính phủ Trần Hồng Hà. Chia sẻ tại sự kiện, Phó Thủ tướng bày tỏ cảm xúc đặc biệt khi có nhiều bạn trẻ tham gia kiến tạo quá trình chuyển đổi số và cũng là lực lượng chính và thế hệ tương lai của kinh tế Việt Nam. Phó Thủ tướng cho rằng lớp thanh niên trẻ rất quan tâm và dành tâm huyết cho lĩnh vực mới và hết sức quan trọng này.

Nhấn mạnh chuyển đổi số vốn dĩ đã mang tính toàn cầu, nên đây là thách thức đối với Việt Nam khi “đang đua với các nhà quán quân lớn trên thế giới”. Tuy nhiên, chính chuyển đổi số là quá trình có thể biến Việt Nam thành quốc gia "đi sau về trước", giúp Việt Nam có mô hình quản lý hiện đại, ngang bằng với thế giới, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại sự kiện (ảnh: Minh Sơn)


Người phụ trách mảng Văn hóa, Xã hội, Y tế, Giáo dục và Khoa học của chính phủ cũng cho rằng, chuyển đổi số quốc gia phải lấy phát triển Chính phủ số đóng vai trò dẫn dắt, kiến tạo phát triển, giải quyết các vấn đề lớn về phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quản trị quốc gia; quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, Chuyển đổi số quốc gia cũng cần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất và kinh doanh.

“Đây là xu hướng tất yếu, khách quan đối với mọi quốc gia trên thế giới và Việt Nam” – Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.

Vì vậy, theo Phó Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp số phát triển và hình thành các mô hình kinh doanh mới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao đổi với các doanh nghiệp bên lề Diễn đàn (ảnh: Đăng Khoa)

Phó Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành, địa phương cần đồng hành cùng doanh nghiệp số, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cắt giảm chi phí tuân thủ; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển doanh nghiệp số để tiếp cận được vốn, chuyển giao công nghệ, đào tạo, thu hút nhân lực cho phát triển.

Cùng với đó là việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng số; đảm bảo an toàn thông tin mạng; xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp trong lĩnh vực công nghệ số cung cấp và tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, nhất là hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA, để thúc đẩy tiến trình khai thác và chia sẻ dữ liệu, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia. Chiến lược là phương pháp luận và kế hoạch tạo, kết nối và dùng dữ liệu để đạt mục tiêu thúc đẩy kinh tế xã hội với những sự chuẩn bị nhân lực, kiến trúc dữ liệu và mô hình quản trị dữ liệu. Đây sẽ là kim chỉ nam cho tạo lập và khai thác dữ liệu số mang lại những giá trị lớn cho kinh tế, tại Việt Nam.

Chủ tịch VINASA cũng khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có đủ nguồn lực, năng lực công nghệ, kinh nghiệm giải quyết các bài toán của quốc tế.

Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa  đề nghị xây dựng mô hình và hợp tác khai thác dữ liệu nhằm tạo ra những dịch vụ mới phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo ra những giá trị mới cho nền kinh tế - xã hội (ảnh: Minh Sơn)

Đề xuất về “Mô hình hợp tác công tư trong Xây dựng và Khai thác dữ liệu số”, ông Nguyễn Hoàng Minh - Tổng Giám đốc FPT Information System - thành viên Tập đoàn FPT đã đề xuất cách thức phối hợp nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ số hỗ trợ đắc lực hơn cho khối nhà nước, lẫn tư nhân trong tiến trình hoàn thiện cơ sở dữ liệu.

Theo ông Minh, việc đầu tiên cần triển khai là xây dựng kiến trúc dịch vụ công trong đó phân tách được các dịch vụ do chính phủ và doanh nghiệp cung cấp.

Thứ hai, cần sớm thành lập Cơ quan chuyên trách Quốc gia về Hợp tác Công tư cho ngành CNTT.

Thứ ba, chuyên gia FPT đề xuất thí điểm cơ chế cho phép doanh nghiệp được cung cấp một số dịch vụ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyên gia FPT cho biết thêm, để xây dựng cơ sở dữ liệu hiệu quả, cần thực hiện kết hợp giữa ba yếu tố công nghệ, con người, hành lang pháp lý.

Cụ thể, ở góc độ công nghệ, cần công nghệ xử lý phân tích dữ liệu lớn, AI để làm việc thu thập, làm sạch, lưu trữ, phân tích, khai thác đáp ứng các nhu cầu trong quản lý nhà nước, điều hành chỉ đạo và kiến tạo các giá trị mới, dịch vụ mới dựa trên dữ liệu.

Ở góc độ con người, cần nguồn nhân lực số cho xã hội, hiểu biết sâu sắc về dữ liệu số - sử dụng, khai thác dữ liệu một cách hiệu quả. Và cuối cùng, ở góc độ pháp lý, quản trị dữ liệu quốc gia - data governance là vấn đề phức tạp nhằm khai thác dữ liệu đúng mục đích, đảm bảo tính riêng tư, bảo mật của dữ liệu./.

Chia sẻ Facebook