Ông Trần Đình Long trở thành người "nghèo" nhất trong 7 tỷ phú USD của Việt Nam

Chia sẻ Facebook
04/11/2022 16:53:33

Ông Trần Đình Long trở thành người "nghèo" nhất trong 7 tỷ phú USD của Việt Nam

Theo số liệu thống kê tài sản theo thời gian thực của Forbes, tài sản của 7 tỷ phú Việt Nam chỉ còn 12,9 tỷ USD, giảm 8,3 tỷ USD so với tháng 4/2022 (thời điểm chốt danh sách tỷ phú hàng năm).

Đáng chú ý, thứ hạng của các tỷ phú đã có sự xáo trộn mạnh. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát từ vị trí người giàu số 2 Việt Nam hồi tháng 4 đã tụt xuống vị trí thứ 7 khi tài sản giảm từ 3,2 tỷ USD xuống chỉ còn 1,2 tỷ USD.

Tính theo tỷ lệ giảm, tài sản ông Long đã "bốc hơi" 63% giá trị trong hơn 7 tháng qua. Đối với các tỷ phú khác, mức sụt giảm khoảng 35%, còn riêng tài sản ông Trần Bá Dương chỉ giảm 13%.

Thống kê tài sản 7 tỷ phú của Việt Nam. Nguồn: Forbes


Tài sản của ông Long giảm mạnh trong năm 2022, đặc biệt kể từ sau Đại hội cổ đông thường niên của công ty. Khi đó, Chủ tịch Trần Đình Long từng dùng từ "thê thảm" để nói về hoạt động kinh doanh của Hòa Phát nói riêng và ngành thép nói chung.

Và quả thật, kết quả kinh doanh quý 3 của Hòa Phát ghi nhận lỗ sau thuế gần 1.800 tỷ đồng. Các doanh nghiệp khác trong ngành thép phần lớn cũng đều thua lỗ trong bối cảnh giá thép giảm, tiêu thụ giảm, tồn kho tăng cao. Được biết, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép đã phải dừng nhà máy, cho công nhận nghỉ việc luân phiên.

Nguyên nhân khiến ngành thép "thê thảm" xuất phát từ nhiều yếu tố.

Ở trong nước, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn khi tín dụng siết chặt còn tỷ giá và lãi suất tăng mạnh. Do đó, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước đang ở mức rất thấp.

Trên thế giới, căng thẳng giữa Nga - Ukraine, chính sách zero Covid của Trung Quốc và lạm phát tăng cao cũng khiến nhu cầu tiêu thụ giảm sâu và giá thép đi xuống. Trong khi giá thép giảm, giá các nguyên liệu để làm ra thép lại tăng cao, đặc biệt là giá than cao gấp 3 lần.

Theo dự báo của các công ty chứng khoán, triển vọng ngành thép vẫn sẽ u ám trong những tháng cuối năm, khi Trung Quốc duy trì mặt bằng thấp do nhu cầu chưa hồi phục, trong khi các doanh nghiệp sản xuất cần giải phóng lượng lớn hàng tồn kho hiện hữu. Yếu tố tích cực là giá nguyên nhiên vật liệu giảm về cuối năm sẽ hỗ trợ quá trình giảm giá bán.

Chia sẻ Facebook