Ông Tập Cận Bình và lãnh đạo Trung Á trồng cây lựu ở Tây An
Ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực vốn có quan hệ sâu sắc với Moscow không có nghĩa là Nga kém quan trọng hơn. Đây là nơi Trung Quốc và Nga có lợi ích chung.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo của Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan hôm 19/5 đã trồng 6 cây lựu trong Thung lũng Hữu Nghị ở Tây An sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á (C+C5 Summit) tại thủ phủ tỉnh Thiểm Tây.
Cây lựu là loại cây thân gỗ lưu niên, trong Phong Thuỷ tượng trưng cho sự kiên cường và vững chãi. Khi cây lựu ra tái, những trái lựu đỏ mọng trông tựa như những chiếc lồng đèn được cho sẽ mang lại may mắn, tài lộc.
Trước đó, trong Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa Trung Quốc và 5 quốc gia Trung Á, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hứa sẽ xây dựng thêm đường sắt và các liên kết thương mại khác với Trung Á, đồng thời đề xuất cùng phát triển các nguồn dầu khí.
Tăng cường ảnh hưởng
Hội nghị kéo dài 2 ngày tại thành phố Tây An – diễn ra gần như song song với Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới ở Hiroshima, Nhật Bản – được cho là phản ánh những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm phát triển các mạng lưới thương mại và an ninh với Trung Quốc là trung tâm.
Trung Quốc đang thúc đẩy ảnh hưởng ở Trung Á, khu vực vốn có truyền thống chịu ảnh hưởng của Nga, nhưng cũng là trọng tâm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mang dấu ấn của ông Tập.
“Chúng ta cần mở rộng quan hệ kinh tế và thương mại”, ông Tập cho biết trong một bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo từ 5 quốc gia Trung Á, bao gồm Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon, Tổng thống Turkmenistan Serdar Berdimuhamedov và Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc hứa sẽ tăng cường thương mại xuyên biên giới với khu vực này bằng cách phát triển đường cao tốc và đường sắt, đồng thời khuyến khích các công ty thương mại của Trung Quốc thành lập kho hàng ở Trung Á. Ông Tập cũng hứa sẽ đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu.
Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất thành lập quan hệ đối tác Trung Quốc-Trung Á để phát triển các nguồn dầu khí. Ông cho biết, Bắc Kinh muốn đẩy nhanh việc xây dựng một đường ống bổ sung để mang thêm nhiều khí đốt Trung Á tới nền kinh tế đang đói năng lượng của Trung Quốc và thúc đẩy năng lượng hạt nhân.
Ông Tập tuyên bố sẽ giúp đỡ các chính phủ Trung Á về tăng cường an ninh, quốc phòng và chống khủng bố, và “cùng nhau thúc đẩy hòa bình” ở Afghanistan – nước không thuộc khu vực này nhưng nằm ngay sát nách Trung Á.
Bắc Kinh trước đó đã công bố kế hoạch thành lập một trung tâm chống khủng bố khu vực để huấn luyện lực lượng an ninh Trung Á.
“Chúng ta không nên khoan nhượng với 3 thế lực, bao gồm khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan”, ông Tập nói.
L ợi ích chung
Trước thềm Hội nghị C+C5, hôm 17/5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã công bố dữ liệu cho thấy khối lượng xuất nhập khẩu của Trung Quốc với các nước Trung Á lên tới 173,05 tỷ Nhân dân tệ (24,8 tỷ USD) trong 4 tháng đầu năm 2023, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, khoảng 55% hàng nhập khẩu của nước này từ Trung Á là các sản phẩm năng lượng như than đá, dầu thô và khí đốt.
Mặc dù Trung Quốc đang tăng cường quan hệ với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, một số nhà phân tích cho rằng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực không có nghĩa là Moscow kém quan trọng hơn.
Trung Quốc và Nga đã đồng ý thiết lập quan hệ đối tác “không giới hạn” hồi đầu năm ngoái, chưa đầy 3 tuần trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Gần đây hơn, hồi tháng 3, ông Tập Cận Bình đã đến Moscow, nơi ông gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và ký một thỏa thuận đưa mối quan hệ của họ vào một “kỷ nguyên mới” của sự hợp tác.
Ông Li Yongquan, giám đốc nghiên cứu Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Quốc vụ viện Trung Quốc, nói với tờ Global Times hôm 18/5: “Trong 30 năm, Trung Á đã nằm trong một bầu không khí địa chính trị phức tạp. Một trong những lý do tại sao các quốc gia trong khu vực có thể phát triển mạnh bất chấp nhiều yếu tố bất ổn là do Trung Quốc và Nga đã hợp tác để duy trì an toàn và ổn định trong khu vực. Trung Quốc và Nga có lợi ích chung về vấn đề này” .
Minh Đức (Theo AP, CGTN, Al Jazeera)