Ông Tập Cận Bình ‘phát tín hiệu’ gì trong chuyến thăm Diên An ngay sau Đại hội 20?

Chia sẻ Facebook
01/11/2022 06:44:20

Sau Đại hội 20 ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình đã dẫn ban bệ thường vụ Bộ Chính trị khóa mới đi viếng “thánh địa” Diên An

Sau khi bế mạc Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Tập Cận Bình đã dẫn ban bệ thường vụ Bộ Chính trị khóa mới đi viếng “thánh địa” Diên An, kể lại “phong trào chỉnh đốn tác phong” của thời cố lãnh đạo Mao Trạch Đông. Động thái này của ông Tập cho thấy gì về đường hướng của Trung Quốc?

Ông Tập Cận Bình tại Đại hội 20 của ĐCSTQ (Ảnh: Cắt từ video trực tiếp của CCTV)

Thăm ‘thánh địa’ Diên An nhắc lại “phong trào chỉnh đốn tác phong”


Theo Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ, từ ngày 26 – 28/10 ông Tập Cận Bình đã dẫn đoàn thường vụ Bộ Chính trị khóa mới lần lượt đến thăm những nơi như Diên An ở Thiểm Tây, An Dương ở Hà Nam… Hành trình bao gồm thăm nơi ở cũ của cố lãnh tụ ĐCSTQ Mao Trạch Đông. Tại trạm dừng đầu tiên ở Diên An, ông Tập đã nhắc lại chuyện Mao Trạch Đông thành biểu tượng Trung Quốc thông qua “Phong trào chỉnh đốn Diên An”. Ông Tập nói rằng hồi đó, ĐCSTQ đã đạt được đoàn kết thông qua Phong trào chỉnh đốn Diên An và từ đây ‘Tư tưởng Mao Trạch Đông’ đã được ghi vào Điều lệ Đảng; tinh thần tự lực và đấu tranh kiên cường đó cần được gìn giữ…


Sáng ngày 28/10, ông Tập Cận Bình đã thị sát Đài tưởng niệm kênh đào Hồng Kỳ ở thành phố Lâm Châu thuộc An Dương tỉnh Hà Nam. Kênh đào này là một dự án bảo tồn nguồn nước địa phương được xây dựng vào những năm 1960, cũng là cái gọi là “cơ sở giáo dục đỏ” của ĐCSTQ. Ông Tập nói rằng kênh đào Hồng Kỳ là biểu tượng và tinh thần của nó để nhắc nhở nhân dân, đặc biệt là giới trẻ rằng “Chủ nghĩa xã hội có được phải trả bằng máu, không chỉ trước đây đã vậy mà ngày nay cũng vậy”.


Chuyến đi của Tập Cận Bình đến Diên An khiến nhiều nhà quan sát liên tưởng về thời kỳ đấu đá quyền lực nội bộ trước đây của ĐCSTQ. “Phong trào chỉnh đốn Diên An” là một phong trào chính trị vào năm 1942 do Mao Trạch Đông thúc đẩy, mục đích nhằm thanh trừng thế lực chính trị cấp cao khi đó với đại diện là Vương Minh (Wang Ming) và Bác Cổ (Bo Gu). Chiến dịch kéo dài 3 năm này đã bức hại chết hơn 10.000 người, từ đây xác lập vai trò lãnh đạo vững chắc của Mao.


Theo Đài RFI (Pháp), năm 2016 ông Lý Nhuệ (từng là thư ký của Mao Trạch Đông) đã nói về kênh đào Hồng Kỳ rằng kênh đào không có kế hoạch tổng thể, xây dựng tùy tiện, không khảo sát cân bằng nước của toàn bộ dòng sông ở thượng lưu và hạ lưu, do đó hiệu quả chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.


Sau Đại hội 20 của ĐCSTQ, tại sao ông Tập Cận Bình lại lãnh đạo ban thường vụ khóa mới đi thăm viếng những địa điểm này? Có phân tích cho rằng thời đại Tập Cận Bình hiện nay sẽ không còn lấy vấn đề kinh tế làm trọng tâm, cái gọi là ‘thời đại mới’ ngày nay có cảm giác như hướng về ‘thời kỳ cũ Mao Trạch Đông’.

Từ con đường Đặng Tiểu Bình quay về con đường Mao Trạch Đông?


Có phân tích chỉ ra việc ông Tập dẫn phái đoàn đi thăm Diên An ngay sau khi thành công phá bỏ thông lệ để tiếp tục quyền lực nhiệm kỳ 3 là tín hiệu chính trị quan trọng phản ánh hướng đi của Trung Quốc trong ít nhất 5 năm tới.


Diên An là nơi được xem như ‘thánh địa’ của ĐCSTQ đã đưa cố lãnh tụ ĐCSTQ Mao Trạch Đông lên tột đỉnh quyền lực và nắm quyền trọn đời.


Nhà bình luận thời sự Bill Bishop đã viết trong bản tin hàng ngày ‘Người nước ngoài quan sát Trung Quốc’ (Sinocism): “Tập Cận Bình dường như đang gửi đi tín hiệu:… Hãy chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu cho thời kỳ khó khăn phía trước”….


Giáo sư Wang Zhisheng Tổng thư ký Hiệp hội ‘Giao lưu Tinh hoa Đài Loan và Châu Á – Thái Bình Dương’ nói với Đài RFA vào ngày 29/10, rằng nhớ lại trước đây vào sau kỳ Đại hội ĐCSTQ lần thứ 18, khi đó ông Tập Cận Bình lập tức đến thăm Thâm Quyến với chủ ý nhấn mạnh con đường của ông Đặng Tiểu Bình, động thái khi đó khiến nhiều người Trung Quốc phấn chấn với ông Tập vì cho rằng tương lai Trung Quốc hứa hẹn đầy cải cách cởi mở. Nhưng lần này sau khi bế mạc Đại hội 20, ông Tập Cận Bình lựa chọn viếng thăm Diên An cho thấy trong 10 năm ông Tập cầm quyền đã đưa con đường chính trị Trung Quốc từ “cánh hữu Đặng Tiểu Bình” chuyển về “cánh tả Mao Trạch Đông” , dần từ bỏ đường lối cởi mở của Đặng để tôn vinh đường lối bế quan tỏa cảng của Mao.


Giáo sư Wang Zhisheng nói thêm: “Tập Cận Bình tuyên bố là người kế nhiệm Mao Trạch Đông và thậm chí còn trở lại đường hướng của Mao, mạch chính trị đã từ bỏ Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào. Điều đó cho thấy hướng đi tiếp theo của Trung Quốc sẽ là ‘đường lối cộng sản cánh tả Mao Trạch Đông’.”


Lấy ví dụ về vấn đề trước đây, ông Mao Trạch Đông có được quyền lực tột đỉnh theo cách tương tự [thanh trừng hết phe đối lập], giáo sư Wang Zhisheng chỉ ra rằng ‘chiến dịch chỉnh đốn’ trong ĐCSTQ chưa bao giờ có thể nới lỏng, dù hiện nay ông Tập Cận Bình đang nắm mọi uy quyền nhưng vấn đề bất bình nội bộ cũng phát triển theo, chẳng qua vì chưa làm gì được nên phe chống đối chọn cách im lặng. Ông Tập hiện đang ở tình trạng không biết khi nào có thể bị phản công, vì vậy ông bất chấp tất cả để dập tắt một lần toàn bộ thế lực đối lập.


Nhà bình luận thời sự người Mỹ gốc Hoa là ông Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) chia sẻ với NTDTV của người Hoa tại Mỹ, rằng việc ông Tập tái nhiệm tại Đại hội 20 và đưa toàn bộ thân tín lên cầm quyền dĩ nhiên khiến các phe khác trong nội bộ khó mà yên tâm. Đây là vấn đề khiến ông ấy cũng cảnh giác hơn và có thể muốn ‘thẳng tiến’ về con đường Mao Trạch Đông qua thúc đẩy chiến dịch ‘chỉnh đốn Đảng’. Nhà bình luận này nhấn mạnh: “Cái gọi là ‘chỉnh đốn Đảng’ tất nhiên là để ‘làm sạch bộ máy’, hiển nhiên đi cùng là những màn đấu đá tàn khốc, vô tình”.


Miêu Vi, Vision Times

3 mục tiêu chiến lược của ông Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ mới Đại hội 20 ĐCSTQ kết thúc với tâm điểm ông Tập Cận Bình phá thông lệ tiếp tục nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba.

Chia sẻ Facebook