Ông Putin quyết không bán dầu cho các nước “không thân thiện”
Đây là phản ứng đã được chờ đợi từ lâu đối với mức trần 60 USD/thùng mà các nước phương Tây áp dụng đối với dầu Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 27/12 đã ký ban hành sắc lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ và các sản phẩm dầu thô Nga tới các quốc gia áp đặt giá trần.
Sắc lệnh nêu rõ mục tiêu là để đáp trả “các hành động không thân thiện và trái với luật pháp quốc tế của Mỹ và các quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế tham gia cùng họ”.
Hạn chế giá đối với dầu vận chuyển bằng đường biển từ Nga đã được Liên minh châu Âu (EU), G7 và Australia nhất trí vào đầu tháng này theo sau chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.
Biện pháp này nhằm mục đích làm giảm doanh thu của Nga và ổn định thị trường năng lượng bằng cách cho phép các nhà khai thác có trụ sở tại EU vận chuyển dầu tới các nước bên thứ ba, miễn là giá của nó thấp hơn giá trần.
Tuy nhiên, giá một thùng dầu Nga hiện dao động quanh mức 65 USD, hầu như không cao hơn mức trần bao nhiêu, cho thấy tác động ngắn hạn hạn chế của biện pháp này, theo nhiều nhà quan sát.
Ông Putin cho biết lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2023 và kéo dài trong 5 tháng (đến 1/7/2023). Sắc lệnh cũng bao gồm một điều khoản cho phép ông dỡ bỏ nó trong những trường hợp đặc biệt.
Các nước châu Âu đã phải chịu cảnh giá năng lượng tăng cao do mất nhiều khí đốt nhập khẩu từ Nga. Vẫn chưa rõ tác động của sắc lệnh mới nhất này của Nga đối với giá dầu, nhưng một số nhà phân tích cho rằng nó có thể phần lớn mang tính biểu tượng.
Nhà phân tích dầu khí Vyacheslav Mishchenko nói với Al Jazeera rằng sắc lệnh của Tổng thống Nga dường như đã có ít nhất một hiệu lực ngay lập tức.
“Giá dầu thô đã tăng trên thị trường”, ông Mishchenko nói. “Tôi nghĩ đây là tác động trực tiếp của sắc lệnh trên”.
Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Ả-rập Xê-út, và sự gián đoạn lớn trong hoạt động xuất khẩu của nước này có thể gây ra những hậu quả sâu rộng đối với nguồn cung năng lượng toàn cầu .
Minh Đức (Theo Al Jazeera, Euronews)