Ông Putin nói về sai lầm trong nhận định của phương Tây

Chia sẻ Facebook
07/06/2024 04:14:00

Thứ Tư, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định phương Tây hoàn toàn sai lầm khi cho rằng Moscow sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Ảnh: Sputnik/Valentina Pevtsova/REUTERS sưu tầm.


Chiến dịch đặc biệt của Nga tại Ukraine trong năm 2022 đã dẫn tới sự đổ vỡ quan hệ ngoại giao tồi tệ nhất giữa Nga và phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào năm 1962 – và điện Kremlin đã liên tục cảnh báo rủi ro chiến tranh toàn cầu đang ngày càng tăng cao.

Khi gặp mặt trực tiếp với một số biên tập viên cấp cao của một số cơ quan truyền thông quốc tế lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, ông Putin đã nhận định khẳng định của phương Tây về việc Nga có thể tấn công NATO là một khẳng định “ngớ ngẩn”, với dẫn chứng về sức mạnh quân sự của liên minh này.

Nhưng khi được hỏi về rủi ro chiến tranh hạt nhân, lãnh đạo điện Kremlin 71 tuổi này đã cho biết học thuyết hạt nhân của Nga cho phép sử dụng loại vũ khí này nếu như tính toàn vẹn lãnh thổ hoặc chủ quyền của quốc gia bị đe dọa.

“Vì lí do nào đó, phương Tây tin rằng Nga sẽ không bao giờ sử dụng chúng”.

“Chúng tôi có một học thuyết về hạt nhân, hay đọc về chúng xem. Nếu ai đó đe dọa chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi, chúng tôi sẽ coi việc sử dụng mọi biện pháp có thể là hoàn toàn khả thi. Quyết định này không nên được coi nhẹ”.

Học thuyết về hạt nhân mà Nga công bố trong năm 2020 đề ra những điều kiện mà tổng thống Nga có thể cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân: chủ yếu là dưới hình thức đáp trả một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoặc việc sử dụng vũ khí truyền thống nhằm vào Nga “trong khi sự tồn vong của quốc gia bị đặt lên bàn cân”.

Ông Putin đã bác bỏ khẳng định của các nước phương Tây cho rằng Nga đang khoa trương hạt nhân, và chỉ ra rằng Mỹ là quốc gia duy nhất đã từng dùng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh – nhằm vào thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào năm 1945.


Tên lửa

Ông Putin đã cảnh báo quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí ngày càng mạnh mẽ của phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga là một bước leo thang nghiêm trọng, và khẳng định những vũ khí này chắc chắn đã được điều khiển bởi hệ thống và quân nhân từ các nước phương Tây.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Kyiv sử dụng vũ khí do Mỹ viện trợ nhằm vào các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga, nhưng Washington vẫn cấm Kyiv tấn công Nga bằng ATACMS, một loại vũ khí có tầm tấn công tới 300km, và các vũ khí tầm xa khác do Mỹ viện trợ.

Khi được hỏi về các quyết định của phương Tây, ông Putin đã phân biệt riêng giữa các loại vũ khí khác nhau và cho biết việc sử dụng ATACMS của Mỹ hay Storm Shadow của Anh nhằm vào Nga có thể dẫn tới những phản hồi mạnh tay hơn từ Moscow.

“Chúng tôi sẽ cải thiện hệ thống phòng không và phá hủy chúng”.

“Thứ hai, chúng tôi cho rằng nếu một ai đó nghĩ có thể sử dụng vũ khí chiến tranh để tấn công lãnh thổ của chúng tôi và gây ra rắc rối cho chúng tôi, thì tại sao chúng tôi không có quyền sử dụng vũ khí ở cấp độ tương đương nhằm vào những khu vực mà chúng tôi có thể tấn công các cơ sở trọng yếu của những quốc gia dám làm như vậy với Nga. Nói tóm lại, phản hồi có thể không đối xứng”.

“Nếu chúng tôi nhận thấy những quốc gia này đang bị kéo vào chiến tranh với Liên bang Nga, chúng tôi có quyền hành động theo hướng tương tự. Nhìn chung, đây là một con đường dẫn tới những vấn đề vô cùng nghiêm trọng”.

Ông Putin đã nhận định cuộc chiến tại Ukraine là một cuộc chiến mang tính sống còn với một phương Tây suy thoái, những nước mà ông cho rằng đã làm xấu mặt Nga sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989 khi những quốc gia này xâm lấn vào những khu vực mà Moscow coi là phạm vi quyền lực của Moscow, bao gồm Ukraine.

Ông Putin khẳng định, phương Tây đã từ chối thảo luận về nguyên nhân dẫn tới chiến tranh – mà theo ông là một cuộc chiến đã bắn đầu từ năm 2014 sau khi một tổng thống thân Nga bị lật đổ trong cuộc Cách mạng Maidan tại Ukraine. Ông Putin nhận định đây là một vụ đảo chính do Mỹ hậu thuẫn.

Phương Tây bác bỏ phân tích này của ông Putin về cuộc xung đột.

Ukraine đã tuyên bố sẽ không ngừng chiến đấu cho tới khi lực lượng Nga bị đẩy lùi khỏi lãnh thổ của Ukraine mà Nga đang kiểm soát – những khu vực mà Nga coi là đã trở thành lãnh thổ của Nga.

Lãnh đạo nước Nga đang ngày càng đề cập nhiều hơn về rủi ro chiến tranh toàn cầu trong khi phương Tây vẫn không rõ cần phải đối phó như thế nào về những thắng lợi của quân đội Nga tại Ukraine.

Các lãnh đạo phương Tây và Ukraine đã coi nhẹ cảnh báo của Nga về chiến tranh diện rộng liên quan tới Nga, cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, nhưng cũng đã liên tục cảnh báo ông Putin có thể tấn công một thành viên NATO, liên minh quân sự lớn nhất thế giới do Mỹ dẫn đầu.

Ông Putin và ông Biden đều đã khẳng định một cuộc xung đột trực diện giữa Nga và NATO sẽ là một bước tiến tới Thế Chiến III.

Ông Putin cho biết: “Họ không nên biến Nga thành kẻ thù. Họ sẽ chỉ làm hại bản thân với quyết định đó thôi”.

“Họ cho rằng Nga muốn tấn công NATO... Đó là một quan điểm không có một chút suy nghĩ nào. Ai đã đi tới cái kết luận đó? Chúng hoàn toàn ngớ ngẩn, ông thấy không? Hoàn toàn bậy bạ”.


Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)

Chia sẻ Facebook