Ông Putin muốn khẳng định vị thế ở Trung Đông

Chia sẻ Facebook
21/07/2022 01:15:59

Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Biden tới Trung Đông thăm Israel và Saudi Arabia, Tổng thống Nga Putin đã đến Iran, quốc gia đang có quan hệ căng thẳng với Mỹ và phương Tây. Quả là chưa biết ai hơn ai.

Từ trái qua: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - Ảnh: Sputnik/AFP

Ngoài cạnh tranh địa chính trị với Mỹ ở vùng Vịnh, Nga muốn chứng tỏ với phương Tây rằng họ không bị cô lập sau khi đưa quân vào Ukraine.

Bằng chuyến thăm nước ngoài đầu tiên kể từ cuối tháng 2-2022 tới một nước ngoài khối Xô viết cũ, ông Putin thể hiện Nga vẫn có thể duy trì khu vực ảnh hưởng của mình ở vùng Vịnh khi thúc đẩy mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với Iran.


Cường quốc tầm trung này đã không chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga và cũng không ủng hộ phương Tây trừng phạt Nga.


Tình thế mới - quan hệ mới

Ông Putin sẽ gặp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cũng như lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, các lãnh đạo Iran theo đường lối bảo thủ, cứng rắn với phương Tây.

Cuộc chiến tại Ukraine đã khiến Tehran trở thành nhân tố trung tâm hơn trong chính sách ngoại giao của Matxcơva khi cả hai đều là các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và cùng đang chịu các lệnh trừng phạt nghiêm khắc của phương Tây.

Cả hai đều có chung lập trường chống lại ảnh hưởng cũng như sự chi phối của Mỹ trong các mối quan hệ quốc tế.

Đối với Iran, thúc đẩy quan hệ với Nga cũng là cách để cân bằng sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ và các liên minh của nước này ở vùng Vịnh với các nước Ả Rập và Israel đối địch.

Trong chuyến thăm của ông Biden tới Israel và Saudi Arabia cuối tuần qua, các nước này đã thảo luận về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Trung Đông để chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Iran có thể xảy đến trong tương lai.

Do đó, liên minh hợp tác quân sự Nga - Iran trở nên thiết yếu để cân bằng tam giác sức mạnh Saudi Arabia - Mỹ - Israel ở Trung Đông. Đó cũng là cơ hội để Nga đặt "dấu chân" của mình sâu hơn vào khu vực.

Ngoài ra, Iran đang cần sự hỗ trợ của Nga để có thể gây áp lực buộc Mỹ phải nhượng bộ khôi phục thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) năm 2015 và dỡ bỏ cấm vận với Iran. Nguồn thu nhập chính của Iran từ dầu mỏ bị sụt giảm đáng kể, kể từ khi tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran vào năm 2018.


Thượng đỉnh 3 bên

Chuyến thăm của ông Putin tới Iran trùng thời điểm chuyến thăm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và hai ông sẽ gặp nhau tại thủ đô Tehran để thảo luận về một thỏa thuận nhằm nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine do Liên Hiệp Quốc bảo trợ thông qua biển Đen - nơi Thổ Nhĩ Kỳ án ngữ cửa ra. Họ cũng sẽ bàn về tình hình ở Syria, nơi mà Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều có sự hiện diện quân sự mạnh mẽ.

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia "khá đặc biệt" khi có thể "chơi" với cả Mỹ lẫn Nga, đi dây một cách khéo léo trong quan hệ với phương Tây và Nga. Trong khi Nga và Iran giữ quan hệ chặt chẽ trước sức ép ngày càng tăng của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng đóng vai trò hòa giải trong cuộc xung đột tại Ukraine.

Tổng thống Erdogan đã đề nghị làm trung gian về vấn đề xuất khẩu ngũ cốc và cuộc gặp giữa hai ông Putin và Erdogan sẽ tập trung vào việc nối lại việc vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine qua biển Đen.

Ngoài các cuộc gặp song phương, cuộc gặp thượng đỉnh tay ba giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng là cơ hội để Tổng thống Putin duy trì vai trò ảnh hưởng ở Syria. Dù trong những năm gần đây, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã có các cuộc đàm phán là một phần của "tiến trình hòa bình Astana" nhằm chấm dứt hơn 11 năm xung đột ở Syria nhưng chưa thành công.


Trong khi Nga và Iran ủng hộ chính trị và quân sự cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad thì Thổ Nhĩ Kỳ lại giúp đỡ các tổ chức quân đội Syria tự do và các nhóm nổi dậy khác đang chiến đấu chống lại ông al-Assad ở phía tây bắc giáp Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Putin, Raisi với ông Erdogan là một cuộc mặc cả nhằm đảm bảo chính quyền của Tổng thống al-Assad vẫn tồn tại, và Thổ Nhĩ Kỳ có thể duy trì một số ảnh hưởng nhất định tại Syria.


Iran chờ đợi điều gì?

Dù Nga và Iran có mối quan hệ chặt chẽ hơn khi đang cùng chịu sự trừng phạt kinh tế của phương Tây, nhưng họ cũng là đối thủ cạnh tranh về xuất khẩu dầu mỏ trong bối cảnh các quốc gia mua bị hạn chế bởi lệnh cấm vận. Việc Trung Quốc tăng mua dầu giá rẻ từ Nga trong những tháng qua khiến Iran bị thiệt hại. Ông Putin cần phải trấn an ông Raisi về điều này.

Ngoài ra, chính quyền Iran vẫn thể hiện các chỉ dấu mong đợi mối quan hệ với Mỹ được cải thiện và lệnh cấm vận được bãi bỏ trong thời gian tới khi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 được khôi phục. Có lẽ Iran cũng cần cứu mình. Iran cần sức mạnh kinh tế cũng như thị trường của Mỹ và phương Tây hơn là của Nga.

Nhà lãnh đạo Nga ca ngợi cuộc gặp với hai người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tại Tehran là "thực sự hữu ích, thực chất". Đây là chuyến công du thứ hai của ông Putin sau khi Nga đưa quân vào Ukraine.

Chia sẻ Facebook