Ông Putin lần đầu tiết lộ dự thảo hiệp ước Ukraine trung lập
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17/6 lần đầu hé lộ dự thảo hiệp ước Ukraine trung lập trong cuộc đàm phán thất bại giữa Moscow và Kiev hồi năm ngoái.
Ông Putin cầm trên tay dự thảo hiệp ước Ukraine trung lập khi gặp các nhà lãnh đạo châu Phi. Ảnh: Sputnik.
Tháng 3/2022, Nga và Ukraine đạt thỏa thuận sơ bộ về việc Ukraine trung lập để đổi lấy sự đảm bảo an ninh . Nhưng đàm phán sau đó thất bại dù Kiev đã ký vào dự thảo hiệp ước, ông Putin cho biết ngày 17/6, trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo châu Phi ở thành phố St. Petersburg. Đây cũng là lần đầu tiên Ông Putin hé lộ về dự thảo hiệp ước nói trên, theo RT.
Theo ông Putin, tài liệu có tên Hiệp ước về trung lập vĩnh viễn và đảm bảo an ninh cho Ukraine có chữ ký của đại diện phái đoàn đàm phán đến từ Kiev.
Phát biểu ngày 17/6, ông Putin nói Ukraine là bên đã hủy bỏ đàm phán. “Chúng tôi rút quân khỏi Kiev như đã hứa nhưng Ukraine lại vứt dự thảo hiệp ước vào thùng rác của lịch sử. Họ đã từ bỏ tất cả”, ông Putin nói, theo RT.
“Liệu có gì đảm bảo rằng Ukraine sẽ không tiếp tục từ bỏ thỏa thuận trong tương lai? Tuy vậy, ngay cả trong tình cảnh đó, chúng tôi chưa bao giờ từ chối đàm phán”, ông Putin nói với các nhà lãnh đạo châu Phi.
Dự thảo quy định rằng Ukraine phải tôn trọng “sự trung lập vĩnh viễn” theo Hiến pháp. Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc và Pháp là các quốc gia tham gia bảo trợ dự thảo.
Dự thảo cũng quy định chi tiết về số lượng vũ khí và quy mô quân đội Ukraine ở thời bình. Trong dự thảo, Nga đề xuất Ukraine chỉ được giới hạn số binh sĩ chính quy ở mức 85.000 và quân số lực lượng vệ binh quốc gia là 15.000. Trong khi đó, Kiev từng nêu quan điểm cho rằng, nước này muốn duy trì 250.000 quân.
Nga cũng đề xuất Ukraine chỉ được sở hữu 342 xe tăng, 1.029 xe bọc thép, 96 hệ thống pháo phản lực, 50 máy bay chiến đấu, 52 máy bay hỗ trợ. Trong khi đó, Kiev muốn sở hữu 800 xe tăng, 2.400 xe bọc thép, 600 hệ thống pháo phản lực, 74 máy bay chiến đấu và 86 máy bay hỗ trợ.
Hai bên cũng trao đổi về giới hạn đối với súng cối, vũ khí chống tăng, tên lửa phòng không và các trang thiết bị khác của quân đội Ukraine.
Năm ngoái, đàm phán được cho là đổ vỡ khi Mỹ và Anh tác động để Ukraine tiếp tục chiến đấu. Ukraine lấy lý do Nga “phạm tội ác chiến tranh” ở vùng ngoại ô Kiev để hủy bỏ đàm phán. Nga đã bác bỏ các cáo buộc của Ukraine.
Đăng Nguyễn - RT