Ông Putin gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có giúp giảm căng thẳng ở Biển Đen?

Chia sẻ Facebook
18/08/2023 03:09:03

Thổ Nhĩ Kỳ trong tình hình hiện tại “không nên làm xáo trộn sự cân bằng hiện có trong khu vực và tạo tiền đề cho một cuộc xung đột tiềm tàng ở khu vực Biển Đen”.


Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào ngày 31/8, hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn bài đăng hôm 16/8 của kênh Telegram Shot cho biết.


Bài đăng của Shot không cung cấp địa điểm của cuộc hội đàm, TASS cho biết. Văn phòng báo chí của Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói với TASS rằng họ không có thông tin cụ thể về cuộc gặp của hai vị Nguyên thủ Quốc gia.


Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 3/8 cho biết địa điểm và thời gian chính xác của cuộc gặp giữa hai Tổng thống sẽ được thống nhất thông qua các kênh ngoại giao. Trước đó một ngày, ông Peskov nói rằng “địa điểm của cuộc gặp sẽ được thảo luận và không nhất thiết phải là Thổ Nhĩ Kỳ”.


Cuộc gặp cực kỳ quan trọng


Chuyến thăm của ông Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rất quan trọng không chỉ đối với Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen mà còn giúp giảm căng thẳng ở Biển Đen, Chủ tịch Viện Chính sách đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ Huseyin Bagci nói với TASS hôm 16/8.


Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga, ông Bagci, một nhà phân tích hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ về an ninh châu Âu, cho biết hoạt động ngoại giao cấp cao này cực kỳ quan trọng đối với cả nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau tại Tehran, Iran, ngày 19/7/2022. Ảnh: Anadolu Agency


“Thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, trước hết, Tổng thống Nga sẽ có thể truyền đạt tới phương Tây và châu Á quan điểm của mình về các vấn đề liên quan”, ông Bagci nói. “Mặt khác, chúng ta không nên quên rằng Biển Đen đang nóng lên về mặt chính trị và quân sự trong những ngày gần đây, và nếu lệnh ngừng bắn ở Ukraine không đạt được trong tương lai gần, thì ngay cả một tia lửa nhỏ cũng có thể bị thổi bùng thành một cuộc xung đột nghiêm trọng trong khu vực này”.


Ankara trước đây đã nhiều lần tuyên bố rằng họ tuân thủ nghiêm ngặt Công ước Montreux quy định các quy tắc hàng hải tại các eo biển của Biển Đen và không cho phép bất kỳ tàu chiến nào đi vào Biển Đen kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine nhằm ngăn chặn cuộc xung đột lan ra khắp khu vực Biển Đen.


Tuy nhiên, khi nói đến việc khôi phục thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen mà Nga đã rút khỏi từ giữa tháng 7, ông Aydin Sezer, cựu nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và nhà phân tích chính sách đối ngoại có trụ sở tại Ankara, cho biết Tổng thống Erdogan nên đàm phán và thuyết phục các nước phương Tây, chứ không phải Tổng thống Putin.


Điện Kremlin đã tuyên bố sẽ quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc một khi phương Tây hoàn thành các nghĩa vụ nhằm đảm bảo việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón Nga suôn sẻ, bao gồm cả các khoản thanh toán và hậu cần.


Ông Sezer cho biết, hai yêu cầu chính của Moscow là đưa một ngân hàng Nga vào hệ thống thanh toán SWIFT toàn cầu và cho phép ngân hàng này xử lý các giao dịch nhập khẩu hàng hóa liên quan đến nông nghiệp.


Rất khó để lên tiếng


Những ngày này, tình hình trên Biển Đen hết sức căng thẳng khi cả Moscow và Kiev đều gia tăng các hoạt động tấn công vào các tàu ngoài khơi bờ biển của nhau, làm dấy lên lo ngại rằng vận chuyển thương mại có thể trở nên rủi ro hơn trên toàn bộ vùng biển nội địa giữa châu Âu và châu Á.


Nga và Ukraine tuyên bố sẽ coi các tàu hàng tiếp cận cảng của nhau là tàu quân sự. Hôm 13/8, lực lượng thủy quân lục chiến có vũ trang của Nga đã đột kích con tàu có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ bằng máy bay trực thăng, cách bờ biển phía Tây Bắc của Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 60 km – trong vùng biển quốc tế nhưng gần Istanbul.


Moscow gọi đây là một cuộc kiểm tra xem con tàu có chứa hàng hóa nào bị cấm trước khi nó lên đường đến Ukraine.


Bộ Quốc phòng Nga hôm 15/8 công bố đoạn video về quá trình nhân viên tàu tuần tra Hạm đội Biển Đen Vasily Bykov kiểm tra tàu chở hàng khô Sukra Okan treo cờ Palau đang trên đường đến cảng Izmail của Ukraine vào ngày 13/8. Video cho thấy một chiếc trực thăng Ka-29 của Nga bay trên tàu Sukra Okan. Trước đó, Nga đã bắn cảnh cáo qua mũi tàu hàng này vì không phản hồi yêu cầu tạm dừng để kiểm tra liệu có hàng hóa bị cấm trên tàu.


Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có quân đội lớn thứ hai của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), không đưa ra bình luận công khai nào về vụ việc.


Các nhà phân tích cho rằng vụ việc là phép thử cho quyết tâm của ông Erdogan trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với ông Putin, người mà ông đã mời tới Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về việc nối lại thỏa thuận do Liên Hợp Quốc (LHQ) làm trung gian.


“Sự im lặng của Ankara là kỳ lạ nhưng cho thấy họ vẫn trông đợi vào chuyến thăm của ông Putin và khả năng khôi phục thỏa thuận ngũ cốc”, ông Yoruk Isik, một nhà phân tích địa chính trị tại công ty tư vấn Bosphorus Observer có trụ sở tại Istanbul, cho biết.


Việc Nga kiểm tra về mặt kỹ thuật tàu Sukru Okan treo cờ Palau diễn ra trong vùng chiến sự, nhà phân tích Sezer cho biết. Ông nói: “Do Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi máy bay không người lái có vũ trang và các vũ khí khác tới Ukraine đồng thời tuyên bố trung lập trong cuộc chiến, rất khó để Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng trong vấn đề này”.


Một quan chức Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, yêu cầu giấu tên, cho biết Ankara đang xem xét vụ đột kích ở Biển Đen nói trên, nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Theo dữ liệu của Refinitiv Eikon, tàu Sukru Okan đã đi đến vùng biển Romania.


Thổ Nhĩ Kỳ đã định vị mình là một bên tạo điều kiện thuận lợi cho bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào giữa Ukraine và Nga. Ankara phản đối chiến dịch quân sự của Nga cũng như các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow, và tăng cường hợp tác kinh tế với Nga trong suốt cuộc xung đột .


Minh Đức (Theo TASS, Reuters)

Chia sẻ Facebook