Ông Putin đáp trả nhận xét của ông Johnson về “sự nam tính độc hại”
Hôm thứ Năm (30/6), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phản bác lại tuyên bố của Thủ tướng Anh Boris Johnson rằng “sự nam tính độc hại” của ông Putin là nguyên nhân gây ra cuộc chiến Nga-Ukraine.
Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận
Embed from Getty Images
Tổng thống Putin (bên trái) và Thủ tướng Anh Johnson (bên phải) tham dự cuộc họp chính của hội nghị thượng đỉnh quốc tế về bảo đảm hòa bình ở Libya ngày 19/1/2020 tại Berlin, Đức. (Ảnh: Sean Gallup-Pool / Getty Images)
“Cần nhiều phụ nữ hơn ở các vị trí quyền lực”, ông Johnson nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền thông ZDF của Đức hôm thứ Tư (29/6) về bình đẳng giới và giáo dục.
Thủ tướng Johnson tiếp tục đề cập đến Tổng thống Putin. “Nếu ông Vladimir Putin là một phụ nữ, và rõ ràng không phải như vậy, nhưng nếu là như vậy, tôi không cho rằng ông ấy sẽ phát động cuộc chiến xâm lược và bạo lực điên cuồng,” ông Johnson nhận định.
Ông Johnson nói thêm: “Nếu bạn muốn một ví dụ hoàn hảo về sự nam tính độc hại, thì đó là những gì ông Putin đã làm ở Ukraine.”
Bình luận của ông Johnson được đưa ra trước cuộc họp của NATO, nơi các đồng minh sẽ thảo luận về cách ứng phó với những mối đe dọa trong tương lai.
Ngay khi đang thăm nước Turkmenistan, ông Putin đã phản bác lại Thủ tướng Johnson trong một cuộc họp báo vào sáng thứ Năm (30/6), rằng Anh đã quyết định gửi quân đội khi nước này và Argentina có tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Falkland (còn được gọi là “Malvinas” ở Argentina). Vào thời điểm đó, bà Margaret Thatcher đang là Thủ tướng Anh.
Ông Putin nói với giới truyền thông rằng: “Tôi chỉ muốn nhớ lại những sự kiện lịch sử gần đây, bà Thatcher đã quyết định phát động một chiến dịch quân sự chống lại Argentina ở quần đảo Falkland. Vì vậy, một phụ nữ đã đưa ra quyết định phát động một chiến dịch quân sự.”
“Do đó, việc Thủ tướng Anh đề cập đến những gì đang xảy ra ngày hôm nay là không hoàn toàn chính xác”, ông Putin nói thêm.
Ông Putin tiếp tục chỉ trích hành động quân sự của Anh cách đây 40 năm chống lại nỗ lực của Argentina nhằm chiếm quần đảo Falkland dân cư thưa thớt ở Nam Đại Tây Dương.
“Quần đảo Falkland ở đâu? Vương quốc Anh ở đâu?” “Điều chi phối hành động của bà Thatcher không phải thứ gì khác, mà chính là tham vọng đế quốc và ham muốn khẳng định vị thế của Đế quốc Anh,” ông Putin nói.
Reuters đưa tin, Moscow thường lên án các nước phương Tây can thiệp quân sự vào nước khác, như Nam Tư cũ, Afghanistan, Iraq, v.v.
Chiến tranh Quần đảo Falkland, còn được gọi là Chiến tranh Falklands, diễn ra từ tháng 4 – 6/1982. Hòn đảo này cách Vương quốc Anh khoảng 13.000 km, có thể nói là khá xa xôi, nhưng chỉ cách Argentina 500 km.
Tháng 3/1982, chính quyền quân sự Argentina đưa quân đánh chiếm quần đảo Falkland, thuộc quyền quản lý của Anh, và bị Anh phản công. Cuối cùng, người Anh đã giành lại quyền kiểm soát quần đảo Falklands và chiến tranh kết thúc.
Ông Putin luôn rất tự hào về thể chất của mình, và thường đăng tải một số hình ảnh và video về việc ông đấu vật, để trần phần trên cơ thể, cưỡi ngựa, lái máy bay, v.v. với thế giới bên ngoài, nhằm tạo dựng hình ảnh một vị tổng thống “nam tính cứng rắn”.
Nhưng ông Johnson đã gạt bỏ hình ảnh “kẻ cứng rắn” của Tổng thống Putin. Các nhà lãnh đạo của 7 nước công nghiệp đã cùng nhau chế nhạo hình ảnh “kẻ cứng rắn” này trong hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức tại bang Bavaria, Đức.
Tại lễ khai mạc, Thủ tướng Johnson đã đề nghị các nhà lãnh đạo có mặt cởi áo khoác. Ông nói: “Chúng ta phải cứng rắn hơn ông Putin.”
Khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng nhắc đến hình ảnh cởi trần cưỡi ngựa của ông Putin. Ông Johnson lại nói: “Chúng ta phải cho họ thấy cơ ngực của mình”.
Trong cuộc phỏng vấn, Thủ tướng Johnson cho biết, phương Tây phải ủng hộ chiến lược quân sự của Ukraine và trao cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky những điều kiện đàm phán tốt nhất có thể khi nước này đàm phán với Nga.
Theo VOA
Ảnh mừng sinh nhật ông Putin làm dấy lên thảo luận sôi nổi Nhân kỷ niệm sinh nhật của Tổng thống Putin, Twitter chính thức của Chính phủ Nga đã phát hành một bức ảnh bất thường.