Ông Phạm Nhật Vượng nói thế giới ‘đang rất thiếu chứ không thừa xe điện, nếu có xe có thể bán rất nhanh’ - thực tế ra sao?
Thế giới đang rất "khát" xe điện. Nhiều hãng xe công bố đã bán hết toàn bộ lượng xe của năm 2022, khách mua phải chờ đến 2023 để nhận xe. Vì sao chuyện này xảy ra?
"Đúng là bây giờ cái gì cũng thiếu, thậm chí như xe VF e34 của chúng tôi bây giờ chỉ có thiếu 1 con tem thôi vì nhà cung cấp không cấp được, thì cũng không xuất xưởng được.
Chúng tôi cũng đang mời gọi những nhà sản xuất chip trên các nước về mở nhà máy ở Việt Nam, Vingroup thậm chí có những ưu đãi rất lớn cho họ, miễn tiền thuê đất, thuê nhà xưởng trong vòng 10-15 năm.Khi đảm bảo nguồn cung thì sẽ phát triển được rất nhanh vì trên thế giới bây giờ chỉ thiếu xe chứ không phải thừa xe. Nếu có xe thì chúng ta có thể bán được rất nhanh ở rất nhiều thị trường" – ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên 2022 vào ngày 11/5.
Câu hỏi đặt ra là tại sao một dự án được xem là trọng điểm trong xu hướng chuyển đổi sang năng lượng sạch toàn cầu, "next big thing" tiếp theo với định giá thị trường hàng nghìn tỷ USD lại để xảy ra tình trạng thiếu xe khi nhu cầu vừa mới bùng nổ. Đáng lẽ ra, vấn đề các hãng xe cần quan tâm nhất phải là làm sao để thuyết phục người dùng chuyển đổi. Thị trường đang bị "tắc" ở đâu?
Thế giới đang 'khát' xe điện
Đầu tiên cần khẳng định, doanh số xe điện toàn cầu đang bùng nổ. Trong quý đầu tiên của năm 2022, hầu hết nhà sản xuất đều ghi nhận doanh số tăng trưởng mạnh, chẳng hạn Ford đạt tỷ lệ tăng trưởng 139%, Volkswagen là 65% còn Tesla là 81%.
Nguyên nhân của việc doanh số xe điện bùng nổ khá dễ lý giải, do lo ngại của người dùng vì giá nhiên liệu truyền thống tăng cao trong khi nhiều quốc gia đang đưa ra hàng loạt chính sách khuyến khích người dùng mua xe điện, trong đó có cả hỗ trợ tiền mặt.
Tuy nhiên, hết nhà sản xuất đều đang đối mặt với tình trạng thiếu xe để bàn giao cho khách. Tại Trung Quốc, người mua Tesla Model 3 hay Model Y đang phải đợi vài tháng để có thể nhận xe.
Theo SCMP, với tình trạng thiếu hụt hiện tại, các nhà sản xuất chỉ có thể tung ra khoảng 4 triệu xe sử dụng năng lượng mới (NEV) trong năm nay, thiếu hụt khoảng 1 triệu xe so với nhu cầu thị trường. NEV được tính bao gồm cả xe điện chạy pin và xe hybrid.
Tại Mỹ, Tesla cũng thông báo về việc khách hàng đặt xe ở thời điểm này sẽ phải đợi đến đầu năm 2023 mới có thể nhận xe, thậm chí có một số model thời gian này kéo dài đến quý II/2023.
Với Ford, hãng thậm chí còn ngừng nhận đặt hàng mẫu bán tải chạy điện F-150 Lightning từ tháng 4 vì số lượng xe bản 2022 đã hết. Ford nhận hơn 200.000 đơn đặt trước cho mẫu xe này, nhiều hơn cả số lượng xe hãng dự định sản xuất trong 3 năm.
Tương tự là Volkswagen khi CEO của công ty này là Herbert Diess tuyên bố VW cơ bản đã bán hết xe điện ở châu Âu và Mỹ. Những người tìm kiếm một chiếc EV từ các thương hiệu con của VW sẽ phải đợi đến ít nhất là năm 2023 để có thể mua xe.
Tại Việt Nam, VinFast cũng đang bàn giao mẫu VF e34 với số lượng khá "nhỏ giọt" – khoảng 400 xe/tháng trong khi lượng đặt trước trong năm 2021 lên đến hơn 30.000 xe. Mặc dù tương lai trông cực kỳ tươi sáng với xe điện, tình trạng thiếu linh kiện đang giới hạn năng lực của các nhà sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Thách thức lớn nhất là gì?
Sự thiếu hụt trên diện rộng này do hàng loạt nguyên nhân kết hợp thành, bao gồm thiếu kim loại từ Nga, phong toả tại Trung Quốc, gián đoạn tại các nguồn khai khoáng, thiếu chip bán dẫn và thiếu lithium - nguyên liệu chính để tạo nên pin xe điện.
Trong số các nguyên nhân này, tình trạng thiếu hụt kim loại từ Nga, phong toả từ Trung Quốc có thể xem là hiện tượng nhất thời, chỉ là chuỗi cung ứng chưa kịp thích nghi.
Trong khi đó, tình trạng thiếu chip bán dẫn đã kéo dài từ năm 2021 sang đến 2022 và nan giải hơn. Mặc dù vậy, khó có chuyện tình trạng này sẽ kéo dài 3-5 năm bởi ngay thời điểm hiện tại, hàng loạt biện pháp đã được đưa ra. Cũng cần nhớ rằng, nhu cầu bùng nổ của thị trường với hàng loạt các loại chip sau giai đoạn giãn cách khiến cho các đơn hàng phần nào bị "xô lệch". Mọi thứ, mặc dù không sớm, sẽ trở lại quỹ đạo của nó.
Trong khi đó, việc thiếu lithium để sản xuất pin xe điện lại thực sự nhức nhối mà theo như CEO của Rivian RJ Scaringe cảnh báo "nếu so với tình trạng thiếu pin trên thị trường, việc thiếu chip chỉ giống như "một bữa tráng miệng nhỏ" trong 2 thập kỷ tới.
Sự mất cân bằng đang ngày càng lớn hơn trên thị trường pin, khi nhu cầu xe điện tăng nhanh hơn bất kỳ ai trong ngành công nghiệp này có thể nhìn trước. "Hầu hết các quốc gia trên thế giới sẽ ngừng bán ô tô chạy bằng động cơ xăng. Khó có thể đánh giá đầy đủ quy mô của sự thay đổi", ông này nói.
"Nói một cách ngắn gọn, tất cả số lượng pin thế giới đang sản xuất ra chỉ chiếm dưới 10% những gì chúng ta cần trong 10 năm tới. Điều đó có nghĩa là 90-95% chuỗi cung ứng đang không tồn tại".
Giá của cell pin xe điện đã tăng từ 105 USD/kWh của năm ngoái lên 160 USD trong năm nay. Nếu vấn đề nguồn cung không được giải quyết, giá bán sẽ tiếp tục tăng.
Lithium – chìa khoá để thị trường xe điện ‘cất cánh’
Những cảnh báo về việc thế giới cần nhiều pin lithium hơn không mới. Elon Musk từng đưa ra cảnh báo vào tháng 11/2021. Tháng 4 vừa qua, ông thậm chí còn úp mở trên Twitter về việc Tesla sẽ tham gia vào ngành công nghiệp khai thác lithium.
"Ai đó làm ơn tham gia vào lĩnh vực kinh doanh lithium được không? Các bạn có thích tiền không? Công việc kinh doanh lithium là dành cho bạn", ông nói trong buổi công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I của Tesla.
Hiện tại, Trung Quốc gần như kiểm soát thị trường pin lithium khi quốc gia này tinh chế 80% lượng nguyên liệu thô của thế giới, 77% dung lượng pin bán ra toàn thị trường và sản xuất 60% linh kiện pin toàn cầu.
Sự phụ thuộc này khiến mỗi khi hoạt động sản xuất tại Trung Quốc gặp rào cản, cả thế giới sẽ chịu ảnh hưởng chung, chẳng hạn khi quốc gia này phong toả nhiều địa phương vì Covid-19 mới đây.
Thực tế, nhiều công ty lớn đã tăng cường đầu tư vào xe điện cũng nhận thức điều này và chắc chắn muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tesla mới đây đã mua một khu vực với diện tích 10.000 ha ở Nevada để khai thác Lithium. SK, công ty của Hàn Quốc cũng mở nhà máy pin khổng lồ ở Georgia, Mỹ để sản xuất pin cho Volkswagen và Ford.
Hầu hết các công ty kinh doanh xe điện, trong đó có VinFast đều đầu tư vào các nhà máy pin, song song với kế hoạch mở rộng dải sản phẩm xe điện. Chẳng hạn, Vingroup – công ty mẹ của VinFast đầu tư 4.000 tỷ đồng để mở nhà máy pin tại Vũng Áng, Hà Tĩnh. Volkswagen công bố muốn có tổng cộng 6 nhà máy sản xuất pin xe điện ở châu Âu vào năm 2030, tổng giá trị năng lượng 240 gigawatt giờ mỗi năm.
Các chính phủ cũng đang nỗ lực thúc đẩy việc khai thác lithium, sản xuất pin để đảm bảo vấn đề tự chủ nguồn cung. Chẳng hạn, Nhà Trắng mới đây công bố chi hơn 7 tỷ USD để tăng cường chuỗi cung ứng pin của Mỹ. Ông Biden tuyên bố 3,1 tỷ USD trong số đó dành cho các công ty sản xuất và tái chế pin lithium. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những nỗ lực đó là chưa đủ. Trung Quốc hiện tỏ ra vượt trội hoàn toàn so với Mỹ về số lượng nhà máy sản xuất pin cỡ lớn (93 so với 4).
Indonesia cũng không ngừng kêu gọi các doanh nghiệp mở nhà máy sản xuất pin tại nước này nhờ nguồn nickel phong phú.
Mặc dù hàng loạt biện pháp được đưa ra, giới phân tích vẫn cho rằng thế giới đang "chạy" khá chậm so với sự phát triển của thị trường xe điện. Carlos Tavares - sếp của Stellantis (tập đoàn sở hữu 14 thương hiệu gồm Ram, Jeep, Dodge, Chrysler, Fiat, Alfa Romeo, Maserati, Abarth, Peugeot, Citroen, Opel, Vauxhall và DS) cho rằng tình trạng thiếu pin - thậm chí không có pin cho xe điện chưa thể được giải quyết, ít nhất cho đến năm 2025-2026.
Theo Đức Nam
Nhịp Sống Kinh tế