Ông Nguyễn Tri Thức: 'Tâm lý e ngại khi mua sắm dẫn đến thiếu thuốc, trang thiết bị y tế'

Chia sẻ Facebook
21/06/2022 12:55:51

Sáng 21-6, tại hội nghị tiếp xúc giữa tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 3 với cử tri quận 5,8,11 (TP.HCM) sau lần họp thứ 3 kỳ họp quốc hội khóa XV, cử tri đặt nhiều câu hỏi và đặc biệt quan tâm đến các vấn đề y tế.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: TUYẾT MAI


Tại hội nghị, nhiều vấn đề nóng được cử tri quan tâm như vấn đề bạo lực gia đình, sách giáo khoa, nhân lực y tế phường xã. Trong đó, cử tri đặc biệt quan tâm đến vụ Việt Á, sau dịch hàng loạt cán bộ y tế bị bắt, ngành y tế có biện pháp gì để phòng ngừa và tâm lý e ngại khi mua sắm trang thiết bị y tế.


Bài học Việt Á, cần xem xét thấu tình đạt lý


Trả lời thắc mắc của cử tri, bác sĩ Nguyễn Tri Thức (giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy) cho rằng vừa qua có nhiều địa phương đầu tư trang thiết bị y tế có phần chủ quan. Nếu không nghiên cứu kỹ, đầu tư máy mấy chục tỉ nhưng 1 năm chỉ sử dụng 1 đến 2 lần thì gây ra sự lãng phí rất lớn, và cũng không đem lại lợi ích lớn cho sức khỏe cộng đồng.

Ông Thức cho rằng phát triển y tế cơ sở, y tế phường xã là rất quan trọng nhưng cần phải cân đối trang bị thiết bị y tế cho phù hợp.

Về chính sách cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, ông Thức chia sẻ cá nhân ông rất úng hộ giải pháp luân chuyển bác sĩ từ tuyến huyện, tỉnh, trung ương về tuyến xã và ngược lại, để người làm ở trạm y tế xã có điều kiện nâng cao trình độ.


Về "bài học Việt Á", ông Thức cho rằng với tinh thần chống dịch như chống giặc, lãnh đạo Quốc hội, Đảng và nhà nước đã ra rất nhiều nghị quyết giúp cho ngành y tế kịp thời tháo gỡ khó khăn và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chống dịch.

"Những trường hợp lợi dụng chính sách để tư lợi cá nhân sẽ bị xử lý. Bên cạnh đó, trong lúc chống dịch có một số thủ tục do vội chống dịch nên bỏ qua, tôi đề nghị nên xem xét cho thấu tình đạt lý. Việc mua sắm chống dịch ở các địa phương cũng khác nhau, các địa phương bùng phát dịch như TP.HCM, Hải Dương, Đà Nẵng mua sắm khẩn cấp sẽ khác các địa phương khác. Tôi nghĩ phải nhìn vấn đề một cách toàn diện" - ông Thức nói.


Sẽ công khai giá thuốc, vật tư y tế

Một trong những vấn đề cử tri quan tâm là thiếu thuốc và vật tư y tế, ông Thức cho rằng hiện nay việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế là vấn đề có thật, làm cho các nhà quản lý y tế rất nóng ruột. Bác sĩ không sợ cực, mà áp lực lớn nhất là đứng trước người bệnh, biết người đó có thể cứu chữa được nhưng trong tay không có "vũ khí".

Vừa qua nhiều cán bộ ngành y bị xử lý dẫn đến có một phần tâm lý e ngại từ các nhà quản lý y tế khi mua sắm.

Tuy nhiên, ông Thức cũng băn khoăn rằng hiện nay khi đấu thầu thuốc, giá rẻ nhất sẽ trúng thầu, nhưng liệu thuốc trúng thầu có phải là thuốc tốt nhất cho người bệnh hay không?

Việc công khai giá thuốc trên mạng là tốt, nhưng việc công khai giá thuốc, giá thiết bị y tế hiện nay chưa hoàn chỉnh. Có những viên thuốc sáng nay là 500 đồng/viên nhưng khi chuẩn bị ký hợp đồng (thời gian làm hợp đồng từ 1-3 tháng) thì giá chỉ còn 200 đồng/viên, các bệnh viện phải làm hồ sơ đấu thầu lại từ đầu. Đó là lý do vì sao thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế.

Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy cũng thừa nhận trong một thời gian dài không công khai giá các thiết bị y tế đã dẫn đến kê khống giá, đội giá. Chính vì các bất cập đó, Chính phủ đã cho làm một bảng công khai, kê khai chu đáo để tránh việc thổi giá y tế.

Cố ý làm sai gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng sẽ xử lý nghiêm


Ông Lê Minh Trí, viện trưởng VKSND tối cao, cho rằng thời điểm phòng chống dịch cấp bách, chưa từng có, nhu cầu về thuốc, trang thiết bị y tế vô cùng lớn. Công lao đóng góp của cán bộ, nhân viên y tế đặc biệt lớn. Nhưng thực tế, quy định còn những lỗ hổng, có những người bỏ qua thủ tục để làm, nhưng cũng có những người lợi dụng tình hình phức tạp để làm những việc gây thất thoát cho nhà nước, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.


Ông Trí khẳng định n gười nào cố ý làm sai gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng sẽ xử lý nghiêm nhưng cũng phải tính đến việc hoàn thiện bổ sung kịp thời chính sách để giúp ngành y tế an tâm khi thực hiện nhiệm vụ, phát huy nguồn lực đang có.

Theo GS Nguyễn Anh Trí, điều cần nhất với ngành y tế là phải có người lãnh đạo 'rất mạnh tay', ra được các quyết sách dưới dạng thông tư hiện thực hóa nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để mua sắm, khám chữa bệnh, chống dịch.

Chia sẻ Facebook