Ông Nguyễn Hoàng Dương: Nghị định 65 chủ yếu tăng cường các quy định về công bố thông tin

Chia sẻ Facebook
01/10/2022 08:25:30

Tại buổi đối thoại với chủ đề Bước ngoặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 65/2022/NĐ-CP sáng ngày 30/09, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính thuộc Bộ Tài chính - đã đưa ra nhận định cũng như đánh giá về Nghị định 65 vừa được Chính phủ ban hành về sửa đổi quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Hoàng Dương: Nghị định 65 chủ yếu tăng cường các quy định về công bố thông tin

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính

Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Dương đánh giá Nghị định 65 không áp đặt thêm những điều kiện mới, dù mang tính thắt chặt nhưng chủ yếu là tăng cường các quy định về công bố thông tin (CBTT) và làm cho thị trường minh bạch hơn.

Nhưng về phía doanh nghiệp, muốn đạt được các điều kiện đó thì họ cần làm thêm một số công việc khác, thêm chi phí phát hành nhưng đây là điều phải chấp nhận để có thị trường minh bạch hơn trong tương lai. Những doanh nghiệp đã công bố thông tin minh bạch và công khai thông tin ở mức độ cao rồi thì có thể tiếp tục phát hành để huy động vốn, nhất là những doanh nghiệp có dự án tốt, có tình hình sản xuất kinh doanh tốt.

Tuy nhiên, không thể xem kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ là kênh huy động vốn duy nhất. Thay vào đó, đây là lúc để doanh nghiệp phải mở rộng, tính toán các kênh huy động hiệu quả khác. Phía Bộ Tài chính đã có những chỉ đạo để có những giải pháp khác bên cạnh kênh phát hành cổ phiếu riêng lẻ.


Về phía các quỹ đầu tư, ông Dương cho rằng thay vì quy định quỹ đầu tư chỉ được đầu tư phần lớn vào chứng khoán niêm yết, chúng ta có thể căn cứ vào định hạng tín nhiệm để các quỹ đầu tư cũng như công ty bảo hiểm nhân thọ có thể đầu tư hạn mức nhất định vào các trái phiếu có định hạng AAA hoặc cao hơn. Việc này vừa tháo gỡ khó khăn của các quỹ đầu tư vừa tạo ra lực cầu mới trên thị trường.

Liên quan đến sự e ngại trách nhiệm trong việc thẩm định phát hành trái phiếu ra công chúng, đại diện Bộ Tài chính đánh giá hiện nay, sự quan ngại về trách nhiệm của cơ quan thẩm định đang rất lớn. Vì vậy, Bộ Tài chính đã chỉ đạo kiểm soát, sửa đổi Luật Chứng khoán. Theo đó, luật mới sẽ quy định rõ trách nhiệm thẩm định của cơ quan Nhà nước đến đâu, để sau này cơ quan thẩm định chỉ chịu trách nhiệm theo như luật đã ban hành, nhờ đó họ sẽ bớt quan ngại về rủi ro kiểm định.

Ông Dương cũng chỉ ra “cái khó” của cơ quan thẩm định đối với việc trái phiếu được đánh giá tín nhiệm cao lại xuất hiện tình trạng chậm trả hoặc không trả gốc, lãi khi đến hạn. Cụ thể, ông cho biết cơ quan thẩm định chỉ đánh giá dựa trên những số liệu mà doanh nghiệp cung cấp nhưng trong hoạt động kinh doanh lại muôn hình vạn trạng. Có thể hiện tại, doanh nghiệp đang hoạt động rất tốt nhưng do điều kiện thị trường, doanh nghiệp 5, 6 tháng sau lại làm ăn kém đi. Việc này thì cơ quan Nhà nước, cơ quan thẩm định không thể lường trước được. Do đó, để đảm bảo trách nhiệm của người thẩm định, phía Bộ Tài chính sẽ sửa đổi pháp luật để quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan thẩm định đến đâu.

Phó Vụ trưởng Dương cho biết sắp tới, phía cơ quan quản lý sẽ bổ sung các quy định về minh bạch hóa thông tin từ các nhà phát hành trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp, ví dụ như các thông tin về tình hình tài chính, vi phạm về thanh toán chậm trả gốc và lãi,… sẽ được phản ánh trên chuyên trang này. Nhờ đó, thị trường có thể đánh giá những vi phạm và đưa ra những quyết định đầu tư hợp lý.

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Cũng góp mặt tại buổi đối thoại, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia kỳ vọng với Nghị định 65 thì 3-5 năm sau, Việt Nam sẽ có thị trường trái phiếu thứ cấp. Ông chỉ ra hiện nay, thị trường trái phiếu Việt Nam chỉ đang bay với một cánh là thị trường sơ cấp và đang trong tình trạng quá tải. Do đó, Việt Nam cần 1 đôi cánh nữa từ thị trường thứ cấp. Ông hy vọng thị trường trái phiếu của Việt Nam sẽ là thị trường vốn trung và dài hạn triển vọng nhất trong 10 năm tới, bên cạnh kênh huy động vốn từ ngân hàng.

Chia sẻ Facebook