Ông Nguyễn Duy Hưng: "18-20 năm nay tôi không kinh doanh kiếm lợi từ cổ phiếu của chính mình"
"Đây là điều đau nhất và khó khăn nhất với tôi, mọi người có thể thấy tôi và gia đình tôi không bao giờ mua bất kỳ cổ phiếu SSI nào mà không công bố. Tôi không tham gia bất kể một group nào đánh lên hay đánh xuống cổ phiếu mà tôi làm Chủ tịch. Tôi nói công khai thế này, nếu tôi có thì người ta sẽ dò hết ra. Tôi chỉ làm sao công ty phát triển tốt nhất, bảo vệ lợi ích cổ đông. Tôi thích cổ phiếu lên lắm, lên thì tài sản nhiều nhưng giá cổ phiếu do thị trường định đoạt".
Đó là thông tin được ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán SSI (mã chứng khoán: SSI) chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của doanh nghiệp diễn ra chiều 7/5.
Đau xót khi cổ phiếu giảm dù kết quả kinh doanh vẫn tốt
Cổ phiếu SSI chốt phiên giao dịch ngày 6/5 có giá 28.800 đồng/cổ phiếu - giảm một nửa so với đỉnh. Vốn hoá SSI sụt giảm về mức 31.768 tỷ đồng. Do đó, tại đại hội cổ đông rất nhiều câu hỏi liên quan đến cổ phiếu của công ty giảm sâu và những biến động thị trường chứng khoán gần đây.
Giá cổ phiếu SSI trong 6 tháng qua
Ông Hưng nhấn mạnh, cổ phiếu SSI không phải giảm riêng mà giảm chung trong xu thế của thị trường. Hiện trên nhà đầu tư có nhiều quan điểm cho rằng thị trường từ thanh khoản 30.000-40.000 tỷ xuống còn 14.000-17.000 tỷ đồng thì công ty chứng khoán hết cơ hội. Song kế hoạch của công ty có thể đạt được. Hội đồng quản trị SSI trình kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2022 với doanh thu 10.330 tỷ đồng, tăng 31% và lợi nhuận trước thuế 4.370 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021.
Trước câu hỏi của nhà đầu tư về việc bị thua lỗ khi cầm cổ phiếu, SSI có cách nào "cứu" cổ đông không, Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng cho hay: "SSI chỉ có cách làm mọi thứ minh bạch, an toàn, tận dụng cơ hội thị trường để công ty phát triển tốt, SSI không thể tham gia trực tiếp vào mua hay bán cổ phiếu".
Về bản thân ông Hưng khi được cổ đông chất vấn về việc cổ phiếu giảm sâu có kế hoạch mua vào cổ phiếu không thì ông thẳng thắn nói: "18-20 năm, tôi không kinh doanh mua bán kiếm lợi cổ phiếu của chính mình, cổ phiếu mà tôi có hiện nay là tôi đã từ những ngày đầu thành lập đến giờ".
Khi tiền không còn rẻ, chứng khoán năm 2022 vẫn có cơ hội cho dòng tiền không vay mượn
Tại đại hội cổ đông trước câu hỏi dòng tiền có rút bớt năm 2022, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng thị trường chứng khoán có hai chức năng một là nơi huy động vốn và tổ chức giao dịch thứ cấp tạo thanh khoản cho thị trường để nhà đầu tư kiểm soát tài sản của mình. Bản thân thị trường chứng khoán không sinh ra tiền nên có các chu kỳ. Khi tiền rẻ được bơm vào thì ai chấp nhận rủi ro, đầu cơ tài sản sẽ thu lời rất nhiều, khi tiền không còn rẻ thì tài sản có khả năng sinh lời mới có thể thu lời trong thị trường tài chính.
"Tôi thì nghĩ rằng khi vốn đắt thì có cơ hội cho dòng tiền ngoại tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam. Đối với nhà đầu tư trong nước nếu mua rẻ thì có người bán rẻ, mua đắt là do có người bán đắt… do khả năng quản trị rủi ro và nhận định tương lai thị trường chứng khoán của từng nhà đầu tư khác nhau nên sẽ có các giao dịch khác nhau.
Chính vì nhận định khác nhau nên mới có người mua người bán, chứ nếu nhận định giống nhau thì không có ai mua ai bán", ông Hưng nói.
Vị Chủ tịch SSI cho rằng cơ hội 2022 của những người có dòng tiền không vay mượn, sinh lời trong một khoảng thời gian, đầu tư như vậy an toàn hơn nhiều so với "đu đỉnh" tức là mua xong chờ giá lên nhưng không hề biết vì sao giá lên, giá xuống.
Thanh khoản 14.000-17.000 tỷ/phiên vẫn lý tưởng, thị trường chưa quá bi đát
Về thanh khoản giảm chỉ còn 14.000 - 17.000 tỷ đồng, ông Hưng cho biết, những phiên giao dịch cuối năm 2021 là những phiên giao dịch trong mơ của những người làm chứng khoán. Con số 14.000-17.000 tỷ đồng tuy giảm đi so với trước nhưng vẫn là con số lý tưởng dù rằng nhiều người so với cuối năm 2021 thấy có gì đó rất khủng khiếp.
Ông Hưng đánh giá, thanh khoản giảm như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến các công ty chứng khoán, nhưng không thể lấy các điều kiện trong mơ như trên để áp vào đời thực mãi được. Con số 14.000-17.000 tỷ đồng/phiên vẫn là con số trong mơ. Tuy vậy, SSI chưa điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022. Năm 2021, công ty đạt kết quả kinh doanh đỉnh cao nhất trong 21 năm hoạt động. Nếu có thay đổi lớn thì công ty sẽ trình đại hội cổ đông ngay.
"Nhiều biến động xảy ra như dịch bệnh, chiến tranh Ukraine-Nga trong quý 1 nhưng kết quả kinh doanh của công ty vẫn tốt. Đặt kế hoạch tham vọng, nếu chúng tôi hạ kế hoạch liền thì rất có lỗi với cổ đông vì không làm được, với cương vị là Chủ tịch và cổ đông lớn nhất tôi cũng không đồng ý. Kế hoạch đặt ra là để thực hiện. Chúng tôi chưa thấy cần phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Chúng tôi nhìn thấy thị trường chưa quá xấu, ý chí của Chính phủ, quan tâm của nhà đầu tư, dòng tiền nước ngoài không bi đát như chúng ta nhìn nhận", ông Hưng nói.
"Nếu dựa vào yếu tố ngắn hạn để mua bán nhà đầu tư có thể mất tiền"
Vị Chủ tịch SSI nhấn mạnh: "Trong kinh doanh chứng khoán mà dự báo ngắn hạn thì người làm vĩ mô như tôi không có năng khiếu. Tôi quan tâm triển vọng trong dài hạn của một nền kinh tế".
Hiện thị trường có nhiều yếu tố bất biến bên ngoài không kiểm soát được. Chiến tranh có thể chấm dứt toàn cầu hóa, cắt đứt chuỗi cung ứng, tăng giá vận chuyển… Tuy nhiên trong rủi ro là cơ hội, chẳng hạn chúng ta có thể bán lương thực sang Ả Rập khi các nguồn cung khác bị cắt. Quý 1 ngành nông sản Việt Nam phát triển rất tốt. Nếu dựa vào những biến đổi ngắn hạn có thể làm nhiều nhà đầu tư mất tiền.
"Nhà đầu tư quyết định mua bán dựa trên những biến động ngắn hạn thường sẽ thua thiệt. Tuy nhiên, nếu như chúng ta dựa trên những phân tích vĩ mô dài hạn sẽ tốt hơn. Hiện nay, SSI vay tiền nước ngoài rất là dễ. Trong nước, các ngân hàng trong nước tăng vốn huy động, nhưng hiện huy động vốn nước ngoài rất dễ. Đó cũng là một nguồn tín dụng bổ sung vào thị trường", ông Hưng nói.
Việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh tài chính. Hiện nay SSI có lợi thế vốn tốt, với chủ sở hữu vốn lớn, vốn vay nước ngoài 4,5%. Chi phí vốn bình quân chưa bị ảnh hưởng nên Công ty vẫn đang duy trì chính sách lãi suất margin hiện tại. Tất nhiên là công ty có chính sách quản trị rủi ro rất cao nên không phải cấp margin cho toàn bộ cổ phiếu. Công ty vẫn đang có khả năng mở rộng dư nợ trong khi vẫn duy trì lãi suất cho vay hiện tại.
Mới đây, công ty công bố đã ký thành công và hoàn tất giải ngân hợp đồng vay vốn tín dụng từ nhóm các định chế tài chính nước ngoài trị giá 148 triệu USD. Đây là hợp đồng tín chấp nước ngoài lớn nhất mà một công ty chứng khoán Việt Nam tiếp cận được tính hiện tại.
Năm trước, SSI cũng đã tiếp cận được nguồn vốn tín chấp nước ngoài lớn nhất trong ngành chứng khoán 267,5 triệu USD, trong đó có khoản vay hợp vốn 118 triệu USD từ Fubon và UBOT - được kết nối thành công bởi Khối IB SSI.
Anh Minh
Nhịp sống kinh tế