Ông Medvedev đề cập vũ khí hạt nhân nếu Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO

Chia sẻ Facebook
15/04/2022 14:18:19

Ngày 14-4, một trong những người thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự NATO, Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh ở trung tâm châu Âu.

Ông Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng an ninh Nga - Ảnh: REUTERS

Phần Lan, quốc gia có 1.300km đường biên giới với Nga, và Thụy Điển đang xem xét về việc gia nhập liên minh NATO.


Ông Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng an ninh Nga, cho rằng nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO thì Nga sẽ phải tăng cường các lực lượng trên bộ, hải quân và không quân ở biển Baltic.

Ông Medvedev cũng nêu rõ sự đe dọa hạt nhân.

Ông Medvedev, người giữ vai trò tổng thống Nga từ năm 2008 - 2012, nói: "Sẽ không có thảo luận gì nữa về bất kỳ trạng thái phi hạt nhân nào với Baltic".

Ông Medvedev hy vọng Phần Lan và Thụy Điển sẽ thấy đâu là điều hợp lý. Nếu không, họ sẽ phải sống chung với vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh ngay gần nhà.


"Không một người bình thường nào muốn giá cao hơn, thuế cao hơn hay căng thẳng gia tăng dọc đường biên giới. Tên lửa Iskanders, thiết bị siêu thanh và tàu có vũ khí hạt nhân chỉ cách nhà họ (Phần Lan và Thụy Điển) gần một cánh tay. Hãy hy vọng rằng các nước láng giềng phía bắc của chúng ta tư duy hợp lý", ông Medvedev nói.

Theo Reuters, những bình luận của ông Medvedev phản ánh suy nghĩ của Điện Kremlin và ông là thành viên cấp cao của Hội đồng an ninh - một trong những cơ quan chính của Tổng thống Nga Putin trong việc ra quyết định về các vấn đề chiến lược.

Sở hữu kho vũ khí mang đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới, cùng với Trung Quốc và Mỹ, Nga là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ tên lửa siêu thanh.

Lithuania cho rằng những lời đe dọa của Nga không có gì mới. Trên thực tế, Nga đã triển khai vũ khí hạt nhân tới Kaliningrad từ rất lâu trước khi chiến sự ở Ukraine nổ ra.

Cụ thể, năm 2018, Nga cho biết họ đã triển khai tên lửa Iskander tới Kaliningrad, nơi Hồng quân chiếm được vào tháng 4-1945 và nhượng lại cho Liên Xô tại hội nghị Potsdam.

NATO đã không phản hồi ngay lập tức cảnh báo của Nga.

Reuters cho rằng việc Phần Lan và Thụy Điển có thể gia nhập NATO sẽ là một trong những hậu quả chiến lược lớn nhất của cuộc chiến ở Ukraine.

Kaliningrad, trước đây là cảng Koenigsberg, nằm cách London và Paris chưa đầy 1.400km và cách Berlin 500km.

Nếu thông qua quy chế trung lập tương tự Thụy Điển hoặc Áo, điều đó đồng nghĩa Ukraine có thể trở thành thành viên của Liên minh châu Âu nhưng không gia nhập liên minh quân sự NATO.

Chia sẻ Facebook