Ông Macron: Pháp sẽ không trả đũa hạt nhân Nga vì vấn đề Ukraine
Đây là lần đầu tiên ông chủ Điện Élysée thảo luận chi tiết về học thuyết răn đe hạt nhân của Pháp – cường quốc hạt nhân số 4 thế giới – liên quan đến Ukraine.
Pháp là một trong những cường quốc hạt nhân trên thế giới. Lực lượng Hạt nhân Pháp, một bộ phận của quân đội Pháp, là lực lượng có vũ khí hạt nhân lớn thứ tư trên thế giới, sau bộ 3 cường quốc hạt nhân Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Tổng thống Emmanuel Macron cho biết Pháp sẽ không trả đũa bằng vũ khí hạt nhân nếu Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine.
“Học thuyết của chúng ta dựa trên lợi ích cơ bản của quốc gia. Chúng được xác định rõ ràng và sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo có khả năng hạt nhân ở Ukraine, trong khu vực”, ông Macron cho biết trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên Đài truyền hình France 2 vào cuối ngày 12/10.
Cho đến nay, bất chấp những lời đe dọa của Tổng thống Vladimir Putin, không có vẻ gì là Nga đang “động đậy” với kho vũ khí hạt nhân của mình.
Ngoài ra, liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, ông Macron cho rằng ông Putin phải “quay lại bàn đàm phán” để thảo luận về hòa bình ở Ukraine, và Kiev sẽ phải đàm phán với nhà lãnh đạo Nga vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
“Hôm nay, trước hết, ông Putin phải chấm dứt cuộc chiến này, tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và quay lại bàn đàm phán”, ông Macron nói.
Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ Ukraine tấn công để giành lại Crimea, vốn bị Nga sáp nhập vào năm 2014, hay không, ông Macron cho biết: “Tại một thời điểm nào đó khi xung đột phát triển” đến mức nào đó, Nga và Ukraine “sẽ phải quay trở lại bàn đàm phán”.
“Câu hỏi đặt ra là liệu có phải các mục tiêu của cuộc chiến chỉ đạt được bằng các phương tiện quân sự hay không”, ông nói, mặc dù “người Ukraine sẽ quyết định” những mục tiêu đó nên là gì.
Khi được nhắc nhở rằng Ukraine không còn muốn đàm phán với ông Putin, ông Macron trả lời: “Theo tôi, vào một thời điểm nào đó... điều đó sẽ là cần thiết. Đó là lý do tại sao tôi luôn từ chối các quan điểm theo chủ nghĩa tối đa”.
Ông Macron cho biết Pháp sẽ cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine sau làn sóng không kích của Nga vào thủ đô Kiev và các thành phố lớn của Ukraine trong tuần này.
Cuộc chiến đã bước vào “giai đoạn chưa từng có tiền lệ” với động thái leo thang tấn công trong những ngày qua. Ông Macron nói: “Mục đích của người Nga là phá vỡ, bẻ gãy sự phản kháng của người Ukraine”.
Ngoài ra, Pháp cũng đang đàm phán để gửi thêm 6 tổ hợp lự pháo tầm xa tự hành Caesar cho Ukraine.
Ông thừa nhận rằng Pháp “không thể cung cấp nhiều như người Ukraine yêu cầu. Tôi buộc phải giữ lại một số vũ khí để chúng ta tự vệ và bảo vệ sườn phía đông của chúng ta (thuộc NATO)”.
Các hệ thống Caesar bổ sung đã được sản xuất cho Đan Mạch, nhưng các cuộc đàm phán đang được tiến hành để chuyển hướng chúng đến Ukraine.
K ỷ nguyên phòng không mới cho Ukraine
Ukraine hôm 12/10 cho biết họ đã giành lại nhiều lãnh thổ từ Nga ở miền Nam đất nước và hoan nghênh cam kết của phương Tây về việc chuyển giao các hệ thống chống tên lửa cho Kiev “nhanh nhất có thể”.
Một nhóm do Mỹ dẫn đầu gồm khoảng 50 quốc gia đã tổ chức hội đàm tại trụ sở của NATO ở Brussels hôm 12/10, và tuyên bố sẽ cung cấp hệ thống phòng không mới cho Ukraine trong bối cảnh nhiều thành phố trên khắp đất nước Đông Âu đang hứng chịu các đợt không kích nặng nề của Nga mà Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết là nhằm đáp trả vụ nổ gây thiệt hại cho cầu Crimea.
Tại cuộc hội đàm, Pháp tuyên bố sẽ chuyển giao các hệ thống radar và phòng không cho Ukraine trong những tuần tới. Canada cho biết sẽ cung cấp đạn pháo cùng các thiết bị khác. Anh lần đầu tiên cam kết tặng tên lửa Amraam có khả năng bắn hạ tên lửa hành trình.
Các tên lửa Amraam sẽ được chuyển giao trong những tuần tới để sử dụng với hệ thống phòng không NASAMS mà Mỹ hứa cung cấp, Bộ Quốc phòng Anh cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết các hệ thống sẽ được cung cấp nhanh nhất có thể. Và phía Ukraine xác nhận rằng một số hệ thống phòng không mà các đồng minh phương Tây cam kết đã bắt đầu đến Ukraine trong tuần này.
“Một kỷ nguyên phòng không mới đã bắt đầu ở Ukraine”, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết trên Twitter vào cuối ngày 11/10, thông báo về sự xuất hiện của Iris-Ts của Đức và việc bàn giao NASAMS sắp tới từ Washington.
Tại New York, 3/4 trong số 193 thành viên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) - 143 quốc gia - hôm 12/10 đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án việc Điện Kremlin sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine vào Liên bang Nga, làm sâu sắc thêm sự cô lập quốc tế đối với Moscow.
Chỉ có 4 quốc gia tham gia cùng Nga bỏ phiếu phản đối nghị quyết - Syria, Nicaragua, Triều Tiên và Belarus.
Trong số 35 quốc gia bỏ phiếu trắng có đối tác chiến lược của Nga là Trung Quốc. Những quốc gia còn lại không bỏ phiếu.
Trên thực địa, các quan chức Ukraine cho biết, Nga đã nã một loạt tên lửa vào thành phố Mykolaiv ở miền Nam Ukraine vào đầu ngày 13/10.
“Một tòa nhà dân cư 5 tầng đã bị tấn công, 2 tầng trên bị phá hủy hoàn toàn, phần còn lại nằm dưới đống đổ nát. Lực lượng cứu hộ đang làm việc tại hiện trường”, Thị trưởng Mykolaiv Oleksandr Senkevych cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội , đồng thời bổ sung rằng thành phố miền Nam này đã bị pháo kích ồ ạt.
Một trung tâm đóng tàu và một cảng trên sông Southern Bug bên bờ Biển Đen thuộc Mykolaiv đã phải hứng chịu các đợt oanh tạc nặng nề suốt từ đầu cuộc chiến.
Trong ngày 12/10, các lực lượng Ukraine đã bắn hạ 4 trực thăng tấn công của Nga chỉ trong vòng 18 phút, quân đội Ukraine cho biết.
Trong số các máy bay bị các tên lửa phòng không do không quân Ukraine bắn hạ có một chiếc được cho là trực thăng tấn công mặt đất Ka-52 biệt danh “Alligator” (cá sấu) của Nga, các quan chức Ukraine cho biết trong một bài đăng trên Facebook.
Các máy bay trực thăng đã bị bắn rơi ở miền Nam Ukraine, quân đội Ukraine cho biết trong bài đăng, nhưng không cung cấp địa điểm chi tiết.
Ở Kherson, Ukraine hôm 12/10 tuyên bố đã tái chiếm thêm 5 khu định cư. “Các lực lượng vũ trang Ukraine đã giải phóng thêm 5 khu định cư ở quận Beryslav (thuộc vùng Kherson): Novovasylivka, Novogrygorivka, Nova Kamyanka, Tryfonivka, Chervone”, Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết trong một bản báo cáo hàng ngày.
Trong khi đó, quân đội Nga cho biết họ đã chống lại các cuộc tấn công của Ukraine ở các khu vực thuộc miền Đông và Đông Bắc gồm Donetsk, Lugansk và Kharkiv.
Quan chức khu vực do Ukraine bổ nhiệm cũng cáo buộc cuộc tấn công của Nga trúng vào một khu chợ ở thị trấn tiền tuyến Avdiivka (Donetsk) đã khiến ít nhất 8 người thiệt mạng.
Binh sĩ thuộc Trung đoàn bộ binh xung kích số 5 của Ukraine bắn súng phóng lựu tự động MK-19 do Mỹ sản xuất về phía các vị trí của Nga cách chưa đầy 1km tại chiến tuyến gần Toretsk, vùng Donetsk, ngày 12/10/2022. Ảnh: Malay Mail
Một người đàn ông lái xe tay ga giữa các rào chắn chống tăng ở Bakhmut, thành phố do Ukraine kiểm soát ở Donetsk, ngày 12/10/2022. Ảnh: Getty Images
Nga quy trách nhiệm vụ Crimea cho tình báo Ukraine
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) hôm 12/10 cho rằng quân đội Ukraine phải chịu trách nhiệm về vụ nổ gần đây trên Cầu Crimea.
“Những kẻ tổ chức vụ tấn công khủng bố trên Cầu Crimea thuộc Cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine, bao gồm Cục trưởng Kyrylo Budanov, các nhân viên và đặc vụ”, FSB cho biết trong một tuyên bố về kết quả điều tra vụ việc.
Theo tuyên bố của FSB, một thiết bị nổ ngụy trang được giấu trong một lô vật liệu xây dựng, được vận chuyển từ cảng biển Odessa của Ukraine đến thành phố Ruse của Bulgaria vào đầu tháng 8.
Lô hàng được chuyển tới Gruzia (Georgia) và sau đó là Armenia trước khi đến kho bán buôn ở vùng Krasnodar, miền Nam nước Nga vào ngày 6/10.
Một ngày sau (ngày 7/10), với sự hỗ trợ của 2 công dân Ukraine và 5 công dân Nga, các giấy tờ về người gửi và người nhận hàng hóa đã được thay đổi, và hàng hóa đã được chất vào xe tải của một công dân Nga.
Chiếc xe tải phát nổ vào rạng sáng ngày 8/10 khi đang lưu thông trên cầu Crimea, khiến 7 thùng nhiên liệu của một đoàn tàu chạy đến bán đảo Crimea bốc cháy. Ba người đã thiệt mạng trong vụ nổ, cũng là nguyên nhân dẫn đến 2 nhịp của cầu đường bộ bị sập.
Lực lượng an ninh Nga (FSB) công bố những gì họ tuyên bố là hình ảnh X-quang của lô hàng hóa gây ra vụ nổ trên cầu Crimea vào ngày 8/10/2022. Ảnh FSB cung cấp, đăng trên The Guardian
FSB cho biết một nhân viên của Cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine, người tự giới thiệu là “Ivan Ivanovich”, đã kiểm soát sự di chuyển của hàng hóa dọc theo toàn bộ tuyến đường và liên lạc với những kẻ tham gia hành động bằng một số điện thoại nặc danh ảo được mua trên Internet và một số điện thoại được đăng ký dưới tên của một công dân Ukraine.
Cho đến nay, 5 công dân Nga và 3 công dân Ukraine và Armenia, những người tham gia vào quá trình chuẩn bị cho tội ác, đã bị giam giữ, FSB thông báo, cho biết thêm rằng cuộc điều tra vẫn tiếp tục và tất cả những ai có trách nhiệm sẽ phải chịu trách nhiệm .
Minh Đức (Theo The National News, Reuters, Xinhua, Malay Mail)