Ông Lý Hiển Long: Chiến sự Ukraine làm châu Á bất an, ảnh hưởng quan hệ Mỹ - Trung
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định chiến sự ở Ukraine có nhiều tác động lên khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khiến các nước cảm thấy bất an và làm thay đổi xu hướng hợp tác 'đôi bên cùng có lợi' trên toàn cầu.
Phát biểu tại cuộc đối thoại của tổ chức phân tích Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) ở Mỹ ngày 30-3, ông Lý nhận định cuộc khủng hoảng Ukraine đã tổn hại đến các khuôn khổ hòa bình và trật tự, làm suy yếu hệ thống đa phương toàn cầu, khiến các nước nhỏ lo ngại.
Nhà lãnh đạo Singapore cho rằng xu hướng hợp tác "đôi bên cùng có lợi" đã thay đổi.
"Bây giờ là thắng và thua, nếu muốn hạ một ai đó thì chỉnh đốn anh ta, làm kinh tế của anh ta sụp đổ. Vậy thì làm sao để hầu hết các quốc gia gắn bó với nhau, hợp tác cùng nhau và không rơi vào tình trạng hỗn loạn hay tự cung tự cấp?", Đài Channel News Asia dẫn lời ông Lý nói.
Thủ tướng Lý cho rằng xu hướng này rất đáng lo ngại với các nước nhỏ phụ thuộc vào sự toàn cầu hóa như Singapore.
Đối với quan hệ giữa các nước đã phát triển và Nga, tình hình cũng khiến các nước khó hợp tác trong các vấn đề từ thương mại đến không phổ biến vũ khí hạt nhân, theo thủ tướng Singapore.
Quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng bị tác động, ông Lý nói. "Những gì xảy ra ở Ukraine chắc chắn sẽ có tác động lớn đến quan hệ Mỹ - Trung... Nếu quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi, sẽ có một hệ lụy lớn đối với toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương và thế giới", ông cho biết.
Đáng lo ngại hơn, nhà lãnh đạo Singapore cảnh báo xung đột Ukraine có thể tạo ra những xu hướng nguy hiểm khi các nước tự rút ra bài học về quốc phòng.
Ông lấy ví dụ việc cựu thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo mới đây đề xuất nước này tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ, hay các cuộc thăm dò gần đây ở Hàn Quốc cho thấy nhiều người muốn phát triển năng lực hạt nhân.
"Suy nghĩ đó đã cắm rễ và nó sẽ không biến mất vì tình hình Ukriane gợi ý rằng khả năng răn đe hạt nhân là một thứ có thể rất đáng giá", ông Lý nói.
Thủ tướng Singapore cũng kêu gọi Mỹ có mặt và tham gia sâu hơn vào kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, theo nhà lãnh đạo Singapore, cần có những tổ chức tại khu vực để tránh xung đột.
Theo ông Lý, những tổ chức này giúp điều chỉnh "làm thế nào để thích ứng với một Trung Quốc đang trở nên phát triển hơn, lớn mạnh hơn... nhưng không trở nên hống hách với phần còn lại của thế giới và được Mỹ, nước hiện đang thống trị về sức mạnh quân sự trên toàn thế giới, chấp nhận".
Ngày 28-3, Điện Kremlin 'nói thẳng' với phương Tây 'không trả tiền thì không có khí đốt' sau khi nhóm G7 bác yêu cầu của Nga phải thanh toán bằng đồng rúp. Sự bất đồng này có nguy cơ gây gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu.