Ông lớn khí đốt “đứng sau” World Cup 2022
Qatar đã chi một số tiền lớn để chuẩn bị cho World Cup và phần lớn đến từ tiền bán khí đốt của Tập đoàn QatarEnergy.
FIFA World Cup 2022 đang diễn ra tại Qatar chính là kỳ World Cup với số tiền đầu tư lớn nhất trong lịch sử. Điều này sẽ khó có thể thực hiện nếu như nước chủ nhà không có được nguồn thu khổng lồ từ khí đốt với một tập đoàn năng lượng dẫn đầu thị trường.
Với khoảng 300 tỷ USD đã bỏ ra, Qatar đã xây dựng một loạt sân vận động và nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu khác phục vụ cho sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh. Không chỉ vậy, nước này kỳ vọng đây sẽ là cơ sở cho trở thành trung tâm về du lịch và tài chính tại Trung Đông trong tương lai.
Ông Nasser Al Khater - Giám đốc điều hành Ủy ban tổ chức World Cup 2022 của Qatar cho hay: "World Cup 2022 sẽ giúp thế giới nhìn thấy Qatar đang chuyển mình sang một giai đoạn mới, với nền kinh tế tri thức, hấp dẫn với du khách và các nhà đầu tư nước ngoài".
Tuy nhiên, nền móng cho sự thay đổi vẫn sẽ phải phụ thuộc vào nguồn tài nguyên dồi dào mà nước này sở hữu đó là khí đốt tự nhiên đang được khai thác bởi tập đoàn năng lượng quốc gia QatarEnergy.
Thành lập năm 1974, Qatar Energy chính là đơn vị đi tiên phong trong việc khai thác khí đốt ở Trung Đông, trong khi các nước láng giềng vẫn phụ thuộc vào dầu mỏ. Với tầm nhìn của mình, Qatar hiện là nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới. Năm ngoái, Qatar Energy lãi ròng tới hơn 25 tỷ USD từ việc bán LNG ra toàn cầu.
Tập đoàn này vẫn đang tiếp tục mở rộng các dự án khai thác khí đốt của mình, ký kết với nhiều đối tác lớn như Total và Shell và còn giành được nhiều hợp đồng mua bán kỷ lục như thỏa thuận bán khí đốt kéo dài gần 30 năm với Trung Quốc mới đây.
"Đây là hợp đồng mua bán lớn nhất trong lịch sử ngành LNG, góp phần đảm bảo sự bền vững về nguồn cung LNG trong dài hạn với các quốc gia có nhu cầu mua bán với chúng tôi", ông Saad Al-Kaabi - Bộ trưởng Năng lượng Qatar, Chủ tịch QatarEnergy cho biết.
Tầm quan trọng của QatarEnergy và nguồn tài nguyên trong tay tập đoàn này lại càng được củng cố trong năm nay, do những biến động từ xung đột tại Ukraine khiến nhiều nước chuyển hướng sang thu mua LNG. Chỉ riêng trong nửa đầu năm, Qatar đã thu về tới 32 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng - tăng 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái.