Ông Lê Viết Hải: Xác định đúng nguyên nhân để có thái độ ứng xử phù hợp với doanh nghiệp BĐS và xây dựng

Chia sẻ Facebook
28/04/2023 16:24:44

Tại hội thảo Vực dậy bất động sản thúc đẩy phục hồi kinh tế ngày 27/04, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) - ông Lê Viết Hải đã có một số chia sẻ về nguyên nhân khó khăn của ngành xây dựng, đồng thời bày tỏ quan điểm để đưa ngành xây dựng Việt Nam vươn tầm thế giới.

Ông Lê Viết Hải: Xác định đúng nguyên nhân để có thái độ ứng xử phù hợp với doanh nghiệp BĐS và xây dựng

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Hai nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của ngành BĐS

Ông Hải cho rằng, cần phải xác định nguyên nhân gốc dẫn đến khó khăn của ngành bất động sản (BĐS), du lịch và cùng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường hiện nay.


Theo người đứng đầu HBC , hai nguyên nhân gốc là do đại dịch COVID-19, sau đó là chiến tranh Nga – Ukraine dẫn đến sự đổ vỡ của thị trường BĐS, kéo theo các ngành trong hệ sinh thái của BĐS gồm xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh địa ốc, môi giới, các công ty quản lý dự án, tư vấn thiết kế và sau đó không thể thiếu ngân hàng, các tổ chức tín dụng.

Trước đó, Bộ chính trị đã ra Nghị quyết 08 của Trung ương ngày 16/01/2017 xác định ngành du lịch sẽ phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Từ đó, rất nhiều doanh nghiệp BĐS đã đầu tư vào BĐS du lịch để có sản phẩm đưa ra thị trường, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì công ăn việc làm cho nguồn nhân lực. Do BĐS đô thị không thuận lợi cho việc xin cấp phép đầu tư.

“Đây cũng là một việc làm hưởng ứng lời kêu gọi của Nhà nước trong việc phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, ông Hải nhận định. Tuy nhiên, du lịch đã không gặp may khi năm 2020 – 2022 ngành tăng trưởng âm, trong khi trước đó tăng trưởng với tốc độ cao khoảng 15%/năm. Cụ thể, năm 2020 ngành du lịch tăng trưởng âm 79%, năm 2021 âm đến 99% và năm 2022 là âm 80%.

Ba năm sau khi có chính sách phát triển ngành du lịch, các doanh nghiệp đầu tư vào BĐS du lịch đã bỏ nguồn vốn rất lớn thì gặp khó khăn mà các doanh nghiệp không thể lường trước được. Do đó, các họ phải huy động trái phiếu để trả nợ cho việc đầu tư trước đó, và họ cũng đã có một số cái sai, nhưng cái sai đó bắt nguồn từ việc kêu gọi khuyến khích trong việc đầu tư BĐS du lịch, ông Hải nêu quản điểm.

Khó khăn tiếp nối khó khăn

Ông Hải cho hay, trước những cái sai của doanh nghiệp BĐS, Nhà nước đã có quyết định phải trả nợ trước hạn, tình trạng khó khăn trở nên khó khăn hơn, các doanh nghiệp rất khó có thể cân đối được giữa vay nợ và nguồn thu để trả nợ được.

Do vậy, các doanh nghiệp BĐS du lịch đã phải bán tài sản, sản phẩm của họ với giá không thể cân đối được để trả nợ. Mặc dù đã giảm giá rất sâu nhưng vẫn không thể nào tiêu thụ được sản phẩm của mình.

“Đây là nguyên nhân gần nhất khiến cho toàn ngành BĐS đổ vỡ”, ông Hải chia sẻ.

Xác định đúng nguyên nhân để có thái độ ứng xử phù hợp

Theo đánh giá của chuyên gia, ngành BĐS có năng suất lao động cao gấp 10 lần so với năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế. BĐS đã có những thành tựu và đóng góp quan trọng trong sự phát triển của kinh tế Việt Nam từ những năm 2019 trở về trước. Từ năm 2020 - 2022 mới gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

“Nếu nghĩ đây là lỗi của các nhà đầu tư BĐS và họ phải giải quyết thì đó là suy nghĩ không phù hợp”, ông Hải nhận định.

Không thể nào ngành BĐS đầu tư và du lịch mà có thể cân đối được dòng tiền trong ba năm liên tiếp khi nguồn thu về du lịch bị giảm đi trên 80%. Những nước đã có ngành du lịch phát triển lâu năm thì tác động sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với Việt Nam. Việt Nam mới đẩy mạnh đầu tư BĐS du lịch trong một giai đoạn ngắn và sau khi đầu tư thì những năm đầu tiên là năm thu hồi vốn hết sức quan trọng, song lại gặp đại dịch và sau đó là chiến tranh.

Do vậy, cần phải xác định đúng nguyên nhân để có thái độ ứng xử cho phù hợp, theo ông Hải.

Từ khó khăn của BĐS dẫn đến hệ lụy cho các ngành liên quan đến BĐS như: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh địa ốc, môi giới, các công ty quản lý dự án, tư vấn thiết kế và sau đó là ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Ông Hải cho biết, những khách hàng của Hòa Bình hầu hết đều bị tình trạng chung như vậy, như Sungroup, Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh… cũng bị vướng vào các dự án BĐS liên quan đến du lịch.

Ngoài ra, thời gian vừa qua do khó khăn của các doanh nghiệp BĐS mà doanh nghiệp xây dựng, Sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng bị tác động rất xấu và gặp rất nhiều khó khăn.

Để giải quyết, cần tháo gỡ phải hỗ trợ giúp đỡ cho các Doanh nghiệp BĐS Du lịch và BĐS nói chung.

Hầu hết doanh nghiệp BĐS đã có một hệ thống quản lý về phát triển BĐS rất tốt, để triển khai xây dựng phát triển một ngôi nhà đã phải rất vất vả nhưng các doanh nghiệp đã xây dựng ra hàng ngàn căn, hàng chục ngàn căn. “Đó là các cỗ máy làm ra sản phẩm rất có giá trị cho nền kinh tế”, ông Hải đánh giá.


“Nếu không biết trân trọng và giữ gìn thì đó là một sự đáng tiếc. Không phủ nhận rằng các doanh nghiệp BĐS không có lỗi nhưng nguyên nhân gốc không phải do lỗi của họ”, Chủ tịch HBC nêu quan điểm.

Ông cho rằng, chiến lược phát triển du lịch thành một nền kinh tế mũi nhọn của quốc gia và khuyến khích doanh nghiệp BĐS tham gia vào chiến lược này là nguyên nhân cần xác định rõ.

Vì sao các BĐS đô thị bán ra với giá rất cao, ông Hải phân tích, trước tiên chi phí đầu vào cao, đầu tư đất đai, các chi phí tài chính kéo dài nhiều năm để làm các thủ tục. Do đó, cần phải xử lý nhanh chóng các thủ tục trong đầu tư BĐS. Nếu làm chậm các thủ tục sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển chung của cả nền kinh tế.

Bằng mọi cách phải tháo gỡ các vấn đề về pháp lý để các dự án BĐS được khơi thông, được triển khai, đưa sản phẩm vào phục vụ cho xã hội. Điều này đem đến lợi ích kinh tế rất lớn,.


Nghị quyết 02 của Ngân hàng nhà nước đưa ra chỉ thị tháo gỡ khó khăn nhất thời về dòng tiền bằng cách giãn nợ cho các khoản vay tới hạn, nhưng chưa đủ. Theo đó, đại diện HBC đề xuất giãn thời gian để sắp xếp cơ cấu lại nợ từ 12 tháng lên 24 tháng.

Bên cạnh đó, nếu chỉ áp dụng cho các khoản nợ tới hạn trong tương lai, như vậy các doanh nghiệp xây dựng sẽ không hưởng được các chính sách hỗ trợ này. Vì hầu hết doanh nghiệp xây dựng chỉ vay ngắn hạn và nợ đã tới hạn rồi chứ không phải trong tương lai mới tới hạn.

Ngành xây dựng nắm bắt cơ hội vươn ra tầm thế giới

Theo đánh giá của ông Hải, các doanh nghiệp xây dựng có năng lực cạnh tranh quốc tế cao, trong thời gian ngắn họ đã thay thế các nhà thầu nước ngoài đối với các công trình quy mô lớn yêu cầu kỹ thuật cao ở Đông Nam Á.

Khi làm chủ công nghệ trong xây dựng, nền kinh tế trở nên cạnh tranh hơn. Và có thể giúp cho xuất khẩu xây dựng Việt Nam qua nước ngoài. Nếu không nỗ lực bảo vệ cho các doanh nghiệp xây dựng có năng lực thì sẽ không còn cơ hội để các doanh nghiệp xây dựng đóng góp hiệu quả hơn cho sự phát triển kinh tế quốc gia, ông Hải nêu quan điểm.

Cơ hội lớn nhất, theo ông Hải nhìn nhận là ở Mỹ hiện nay, các nhà thầu Trung Quốc làm ăn rất tốt, nhưng giờ không thể trụ vững ở thị trường Mỹ nữa và đặc biệt các nhà đầu tư của Mỹ đang rất cần các nhà xây dựng như Việt Nam.

Ông Hải lý giải, các công ty xây dựng Trung Quốc hiện nay muốn đưa người qua phải mất 4 năm mới cấp được visa lao động. Thứ hai, nguyên liệu vật tư của Trung Quốc nhập vào Mỹ sẽ bị đánh thuế cao 25% thuế nhập khẩu, không cần biết thuộc ngành nghề nào.

Với chính sách thù địch đó, Trung Quốc không thể tiếp tục làm xây dựng ở Mỹ. Trong khi đó, nhu cầu về xây dựng của Mỹ đang rất cao. Ông Hải chia sẻ thêm, đã có rất nhiều cuộc gặp gỡ nhà đầu tư của Mỹ mong muốn Việt Nam bước chân vào thị trường Mỹ thay thế các nhà thầu Trung Quốc.

“Đó là một thị trường tiềm năng rất lớn. Nếu không giữ được năng lực của các công ty Xây dựng ở Việt Nam thì sẽ không thể phát triển ra nước ngoài”, ông Hải nhấn mạnh.

Thành Nguyễn

Chia sẻ Facebook