Ông Lê Quốc Bình: Với thị trường hiện nay thì mua bao nhiêu cũng không cứu được cổ phiếu CII

Chia sẻ Facebook
26/04/2023 11:00:08

Sáng ngày 26/04, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII) đã bất thành ở lần tổ chức đầu tiên khi tỷ lệ cổ đông tham dự chỉ đạt 45.76% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trong khi quy định để đại hội tổ chức thành công là trên 50%.

Ông Lê Quốc Bình: Với thị trường hiện nay thì mua bao nhiêu cũng không cứu được cổ phiếu CII

Sáng ngày 26/04, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII) đã bất thành ở lần tổ chức đầu tiên khi tỷ lệ cổ đông tham dự chỉ đạt 45.76% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trong khi quy định để đại hội tổ chức thành công là trên 50%.

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CII sáng 26/04. Ảnh: Thượng Ngọc

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CII sáng nay có tỷ lệ cổ đông tham dự đại hội chỉ đạt 45.65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Giải thích với cổ đông về tỷ lệ tham dự đạt chưa được 50%, Chủ tịch HĐQT Lê Vũ Hoàng cho biết: "Nhóm cổ đông nước ngoài sở hữu 16 triệu cp CII, cùng các quỹ ETF hầu hết không tham dự đại hội. Và đúng là sáng nay nhóm này không tham dự".

Tính tới ngày 03/04, cổ đông nước ngoài nắm gần 25.9 triệu cp CII, chiếm 10.26% tổ số cổ phần đang lưu hành.

Nguồn: CII

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CII sáng 26/04. Ảnh: Thượng Ngọc

Được biết, trước đó CII đã có thông báo về việc "phần quà tri ân" nếu nhà đầu tư tham gia đại hội, tùy thuộc vào số lượng cổ phần sở hữu, cổ đông sẽ nhận quà bằng tiền. Đây là động thái nỗ lực của lãnh đạo Công ty nhằm đảm bảo ĐHĐCĐ thường niên 2023 sẽ tổ chức thành công ngay trong lần đầu sau khi trong năm 2022, Công ty đã phải hai lần tổ chức mới có thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022 thành công.

Mặc dù đại hội bất thành nhưng Ban lãnh đạo CII vẫn tiếp nhận và giải đáp một số câu hỏi của cổ đông có mặt tại đại hội.


THẢO LUẬN

Khi nào dòng tiền dương?


Thành viên HĐQT kiêm TGĐ Lê Quốc Bình : Dòng tiền Công ty đã dương từ năm 2022 do Công ty đã kết thúc đầu tư. Phòng Đầu tư đang đi học, nghiên cứu công nghệ mới trong xây dựng cơ bản.

Tổng tài sản và nợ của Công ty hiện tại?

Ông Lê Quốc Bình: Tính luôn dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, tổng tài sản của CII là 40 ngàn tỷ đồng, dự nợ là 26 ngàn tỷ đồng.

Vì sao công ty không mua cổ phiếu quỹ để đẩy giá cổ phiếu?

Ông Lê Quốc Bình: Về giá cổ phiếu, có hai khái niệm đầu tư và đầu cơ. Khi đầu tư, chúng tôi sẽ nghiên cứu doanh nghiệp rất kỹ. Về phía CII, không thể nào chạy theo giá cổ phiếu được. Nếu đứng ra tạo ảnh hưởng thì sẽ làm mất yếu tố thị trường của cổ phiếu. Khi thị trường đánh giá quá thấp tiềm năng CII thì Công ty mới mua cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, với thị trường hiện nay thì mua bao nhiêu cũng không cứu được.

“Nếu không phát hành thành công thì bao nhiêu tiền ngân hàng nuốt hết”

Nếu không phát hành được lô trái phếu chuyển đổi thì sao?

Ông Lê Quốc Bình: Nếu không phát hành thành công thì bao nhiêu tiền ngân hàng nuốt hết, có tiền nhưng không thể nhận, phải đợi trả nợ ngân hàng xong mới có thể trả cổ tức.

Luật PPP mới có hai nội dung quan trọng. Tất cả dự án PPP đều chốt thời gian khai thác, Nhà nước không còn đứng ra bảo hộ cho nhà đầu tư, nhà đầu tư lời ăn lỗ chịu. Thứ hai là PPP sắp tới chỉ làm các dự án mới, không làm trên đường cũ hay cầu cũ khiến lượng người qua dự án mới là ẩn số, ngân hàng sẽ không cho vay quá 50% và có thể hạ xuống 30%.

Chiến lược dài hạn của Công ty là gì?

Ông Lê Quốc Bình: 20 năm nay, CII luôn theo đuổi chiến lược “Đầu tư cơ sở hạ tầng có nguồn thu tốt”, chứ không phải chỉ dự án BOT. Trong đó, chủ yếu là đường và nước. Công ty đang nghiên cứu nhưng chưa đầu tư các dự án xử lý nước thải. Chừng nào có luật cấm xả rác và xử phạt rác theo ký thì mới có thể đầu tư.

Trong quá trình làm đường, CII có thể sẽ làm thêm các dự án bất động sản chứ không chủ trương đầu tư bất động sản ngay từ đầu.

“Hai năm nữa sẽ thấy hậu quả của xu hướng đầu tư công đang nổi hiện nay”

Công ty có tham gia các dự án đầu tư công BT không?

Ông Lê Quốc Bình: CII không bao giờ tham gia các hợp đồng BT. Hai năm nữa sẽ thấy hậu quả của xu hướng đầu tư công đang nổi hiện nay. CII chỉ làm các công trình do CII đầu tư, không làm các dự án BT do đơn vị khác nắm vốn.

Tại sao Công ty không phát hành trái phiếu cho cổ đông với lãi suất 15 - 18%/năm?

Ông Lê Quốc Bình: Nếu doanh nghiệp phát hành lãi suất 14 - 15%/năm thì trước sau gì cũng có chuyện. Cơ quan quản lý cũng sẽ đặc biệt chú ý khi có đơn vị phát hành lãi suất quá cao trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Tại sao không phát hành cổ phiếu mà phát hành trái phiếu?

Ông Lê Quốc Bình: Hai cái là như nhau. Khác nhau là phát hành trái phiếu chuyển đổi thỏa mãn được hai nhóm người là trái chủ muốn nhận tiền mặt và người muốn mua cổ phiếu, còn cổ phiếu chỉ thỏa mãn người muốn đầu tư cổ phiếu. Riêng nhóm cổ đông lớn thì thích nhận tiền mặt hơn.

Đặt mục tiêu lãi 469 tỷ đồng

Năm 2023, CII đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 5,155 tỷ đồng và lãi ròng 469 tỷ đồng, lần lượt giảm 30% và 50% so với kết quả của năm 2022.

Nguồn: VietstockFinance

Được biết, kết quả năm 2022 của Công ty tăng đột biến là nhờ việc thương vụ thoái vốn CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (HOSE: NBB). Theo BCTC, CII đã lãi hơn 810 tỷ đồng từ các thương vụ thoái vốn công ty con và chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính.

Trở lại với 2023, CII dự báo sẽ là năm nhiều thử thách của nề kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, CII sẽ tập trung vào một số công tác như:

Gia tăng dòng thu từ các dự án BOT cầu đường: CII dự kiến sẽ bắt đầu hợp nhất dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (dự án có doanh thu lớn nhất trong danh mục hiện tại) từ Q3/2023. Đồng thời, CII sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc tăng giá về tại một số dự án BOT theo lộ trình đã quy định trong hợp đồng.

Hoàn thành việc bản giao phần căn hộ còn lại tại các dự án bất động sản hiện hữu như D'Verano, The River và căn hộ 152 Điện Biên Phủ.

Phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đẩy nhanh công tác hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý bao gồm thủ tục thanh toàn các hợp đồng BT để phát triển quỹ đất, xin chấp thuận đầu tư cho các dự án mới, tính tiền và nộp tiền sử dụng đất cho các dự án hiện hữu.

Triển khai các phương án thu hồi vốn và lợi nhuận đầu tư theo nghị quyết của HĐQT và ĐHĐCĐ, qua đó gia tăng nguồn vốn chủ sở hữu, nâng cao sức khỏe tài chính doanh nghiệp và đảm bảo nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông.

Kế hoạch phát hành 4,500 tỷ trái phiếu chuyển đổi

Tâm điểm của ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CII là kế hoạch phát hành hai gói trái phiếu chuyển đổi ra công chúng với tổng giá trị gần 4,500 tỷ đồng.

* CII lên kế hoạch phát hành 4,500 tỷ trái phiếu chuyển đổi

Đối với gói trái phiếu chuyển đổi thứ nhất (gói 1), CII dự kiến phát hành hơn 25.2 triệu trái phiếu với thời hạn 10 năm, tương đương tổng giá trị hơn 2,522 tỷ đồng. Nếu được ĐHĐCĐ thông qua, Công ty sẽ triển khai phát hành trong năm 2023, ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Đối tượng phát hành sẽ là các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10:1 (cổ đông với mỗi cổ phần nắm giữ tại ngày chốt danh sách sẽ có 1 quyền mua, cổ đông có 10 quyền mua sẽ được mua 1 trái phiếu, quyền mua sẽ được chuyển nhượng 1 lần).

Với số tiền huy động được từ gói 1, CII dự kiến sẽ dùng để góp vốn hoặc mua trái phiếu phát hành từ hai công ty dự án là CTCP Đầu tư và Xây dựng Xa Lộ Hà Nội (Công ty Xa Lộ Hà Nội) và Công ty TNHH MTV BOT Tỉnh Ninh Thuận (Công ty Ninh Thuận). Trong đó, hạn mức đầu tư tối đa cho Công ty Xa Lộ Hà Nội là 2,400 tỷ đồng, còn Công ty Ninh Thuận là 1,200 tỷ đồng.

Đối với phương án trả lãi, lãi của đợt lô trái phiếu sẽ được trả mỗi 3 tháng/lần với lãi suất năm đầu tiên cố định ở 10%/năm, các kỳ tính lãi tiếp theo sẽ được tính bằng bình quân lãi suất tiết kiệm cá nhân 12 tháng của Vietcombank và VietinBank + 2.5%/năm.

Liên quan đến việc chuyển đổi trở lại cổ phần, tương ứng với thời hạn 10 năm của trái phiếu, CII sẽ tổ chức 10 đợt chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần cho trái chủ (mỗi năm 1 đợt) vào ngày tròn năm kể từ ngày phát hành. Giá chuyển đổi sẽ là 10,000 đồng/cp.

Song song với các lần chuyển đổi trái phiếu, CII sẽ thực hiện phát hành cổ phần phổ thông để phục vụ cho việc chuyển đổi.

Đối với đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi thứ hai (gói 2), thời hạn, lãi suất, đối tượng và phương án trả lãi sẽ tương tự gói 1. Mặt khác, gói 2 sẽ có tổng giá trị phát hành là 1,978 tỷ đồng, tương đương gần 19.8 triệu trái phiếu. Trong lần này, tỷ lệ để cổ đông hiện hữu mua trái phiếu là 20:1 (cổ đông sở hữu 20 quyền mua mới được mua 1 trái phiếu). Đợt phát hành sẽ diễn ra trong vòng hai năm kể từ ngày được ĐHĐCĐ phê duyệt.

Với số tiền huy động được từ gói 2, CII sẽ dùng 1,090 tỷ đồng để thanh toán hai lô trái phiếu CIIB2024009 và CIIB2124001, phần còn lại sẽ dùng để góp vốn hoặc mua trái phiếu phát hành từ Công ty Ninh Thuận.

Bài cập nhật

Chia sẻ Facebook