Ông Kim Jong-un bị liệt vào danh sách kẻ thù của Ukraine trên Mirotvorets
Mirotvorets, một trang web khét tiếng có liên hệ với chính phủ Ukraine, đã bổ sung nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào danh sách được cho là kẻ thù của nước này.
Cơ sở dữ liệu ‘Mirotvorets’ đã tuyên bố ông Kim là “kẻ đồng lõa với những tội phạm chiến tranh người Nga” , đồng thời khẳng định “các quốc gia văn minh” đã áp đặt biện pháp trừng phạt đối với ông Kim vì tội “vi phạm nhân quyền” và “đe dọa hạt nhân để tống tiền”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã được thêm vào trang web Mirotvorets hồi đầu tháng này với tên “Kim CHen Yn”. Nguồn duy nhất được Mirotvorets (“người tạo lập hòa bình”) trích dẫn là một báo cáo của CNN từ tháng 11/2022, trong đó đưa ra tuyên bố của Nhà Trắng rằng Triều Tiên đang bí mật cung cấp đạn pháo cho Nga. Phía Bình Nhưỡng và Moscow đều phủ nhận cáo buộc này.
Ông Kim đã đến Nga trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước vào tuần này và đã ghé qua một số địa điểm thuộc vùng Viễn Đông của Nga. Lịch trình của ông Kim bao gồm các cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Lãnh đạo Triều Tiên đã nhắc lại cam kết hỗ trợ Moscow trong cuộc chiến chống lại “chủ nghĩa đế quốc”.
Ông Putin và ông Kim Jong-un gọi nhau là “đồng chí”
Về trang web Mirotvorets
Trang chủ của Mirotvorets tuyên bố rằng tổ chức này đại diện cho “ Trung tâm Nghiên cứu các Dấu hiệu Tội phạm chống lại An ninh Quốc gia của Ukraine, Hòa bình, Nhân loại và Luật pháp Quốc tế” . Trang web tự giới thiệu được tạo ra bởi một nhóm các học giả, nhà báo và các chuyên gia khác mặc dù không ai biết tên của họ và bản thân tổ chức này thậm chí chưa bao giờ được đăng ký chính thức ở Ukraine.
Tuy nhiên, Mirotvorets đã hoạt động được 9 năm, kể từ tháng 8/2014. Dù trang web tự gọi mình là “cơ quan truyền thông độc lập, phi nhà nước” nhưng có thông tin rằng các quan chức chính phủ vẫn nhúng tay vào việc thành lập tổ chức này. Trên thực tế, trang web Mirotvorets được cho là xuất hiện theo sáng kiến của ông Anton Gerashchenko, cựu cố vấn của Bộ trưởng nội vụ Ukraine.
Trong 9 năm qua, một nhóm các nhà hoạt động vô danh ở Ukraine đã tổng hợp và công bố thông tin cá nhân của những người mà các quản trị viên trang web coi là “kẻ thù của nhân dân”, dẫn đến việc hàng trăm ngàn người đã bị gắn mác là tội phạm mà không cần xét xử.
Trong số đó không chỉ có công dân Nga, mà còn có các blogger và nhân vật đối lập người Ukraine, các chính trị gia châu Âu và các công dân Mỹ. Việc một người bị thêm vào danh sách này ít nhất là một sự kỳ thị khiến cuộc sống của họ ở Ukraine trở nên khó khăn. Trong một số trường hợp, danh sách còn được dùng làm lý do cho việc họ bị bỏ tù hoặc thậm chí là bị giết. Một ví dụ là nhà báo người Nga Darya Dugina, con gái của triết gia nổi tiếng thế giới Aleksandr Dugin, người có tên trong danh sách và đã bị giết hại dã man vào tháng 8/2022 trong chính chiếc ô tô của mình.
Trang này ăn mừng cái chết của bất kỳ ai trong danh sách bằng cách viết chữ “đã loại bỏ” màu đỏ trên ảnh của họ. Nhà văn và nhà sử học người Ukraine Oles Buzina và chính trị gia Oleg Kalashnikov cũng đều bị sát hại sau khi Mirotvorets tuyên bố họ là kẻ thù.
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, phóng viên của NBC News Keir Simmons và diễn viên phim người lớn Eva Elfie nằm trong số những nhân vật công chúng bị trang này đưa vào danh sách đen vì được cho là có hành vi chống lại Ukraine.
Chủ sở hữu trang web kêu gọi các cơ quan thực thi pháp luật của Ukraine lưu ý đến dữ liệu cá nhân và hoạt động của những người mà trang này liệt kê. Tuy nhiên, danh sách của Mirotvorets đôi khi cũng thu hút những đối tượng bạo lực đường phố khác.
Mirotvorets thu thập danh sách “kẻ thù” bằng cách nào?
Theo các quản trị viên của trang web, “ nguồn thông tin được Trung tâm Mirotvorets sử dụng cho các nghiên cứu học thuật hiện tại là các tài liệu có sẵn công khai được in và đăng trên mạng xã hội, ấn phẩm web, trang web riêng tư, các diễn đàn và blog chuyên ngành cũng như đài phát thanh và các chương trình truyền hình.”
Tuy nhiên theo ban biên tập của trung tâm, vào năm 2017, trang này đã ra mắt hệ thống nhận dạng khuôn mặt IDentigraF, được cấp vốn bởi các nhà tài trợ từ 40 quốc gia. Cơ sở dữ liệu này chứa hơn 2 triệu hình ảnh về “ những người đã phạm tội chống lại Ukraine và công dân của nước này.” Ngoài ra, cho đến năm 2016, Bộ Nội vụ Ukraine, Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) và các cơ quan thực thi pháp luật khác đều là đối tác của Mirotvorets.
Đến năm 2019, khi báo cáo mới nhất của Mirotvorets được công bố, trang này chứa dữ liệu về “hơn 30.000 tội phạm chiến tranh người Nga” , “hơn 70.000 kẻ khủng bố, binh sĩ, lính đánh thuê, thành viên của các đội vũ trang bất hợp pháp và quân đội tư nhân do kẻ xâm lược Nga kiểm soát” , “khoảng 40.000 kẻ vi phạm trắng trợn biên giới quốc gia Ukraine” , “hơn 44.000 kẻ phản bội Tổ quốc” , “hơn 6.000 kẻ tuyên truyền chống Ukraine” , v.v.
Trang web này đã nhiều lần bị yêu cầu đóng cửa. Năm 2018, Đức đã cùng các nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền phản đối việc đưa cựu Thủ tướng Gerhard Schroeder vào cơ sở dữ liệu. Theo Nội các Bộ trưởng Đức, “Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức dứt khoác lên án Mirotvorets và yêu cầu chính phủ và chính quyền Ukraina hỗ trợ trong việc loại bỏ nó.”
Vào tháng 2/2021, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết nêu rõ: “EP (Nghị viện Châu Âu) lấy làm tiếc rằng bầu không khí chính trị trong nước (Ukraine) đã xấu đi khi sự đe dọa, phát ngôn căm thù và áp lực chính trị được sử dụng rộng rãi cho các mục đích chính trị; kêu gọi các nhà chức trách lên án mạnh mẽ và cấm các hoạt động của những tổ chức và trang web cực đoan, thù hận, như Mirotvorets, vốn gây căng thẳng trong xã hội và lạm dụng dữ liệu cá nhân của hàng trăm người, bao gồm các nhà báo, chính trị gia và thành viên của các nhóm thiểu số.”
Tuy nhiên trên thực tế, cho đến nay, những lời kêu gọi đóng cửa Mirotvorets chỉ giới hạn ở một nhóm các nhà báo, nhà bảo vệ nhân quyền và các nghị sĩ, những người không có thẩm quyền đưa ra các quyết định ràng buộc về mặt pháp lý liên quan đến Ukraine.
Vy An (t/h)
Blogger trẻ Mỹ tuyên bố bị Ukraine cho vào danh sách ám sát 'kill list'
Công dân Mỹ Jackson Hinkle vừa tuyên bố trên mạng xã hội “Tôi vừa bị cho vào danh sách bị thủ tiêu (kill list) của Chính phủ Ukraine”