Ông Jonhson phải bỏ ghế Thủ tướng Anh giữa nhiệm kỳ: Nguyên nhân sâu xa từ đâu?

Chia sẻ Facebook
08/07/2022 14:32:52

Ông Johnson ngày 7/7 đã thông báo, ông chấp nhận đồng ý từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ khi đối mặt với việc hàng loạt các bộ trưởng từ chức và áp lực gia tăng từ nội bộ đảng.

The Guardian cho biết, hiện tại, ông Boris Johnson vẫn là Thủ tướng nhưng việc từ chức của ông đã kích hoạt một cuộc tranh cử để tìm ra người kế nhiệm ông thông qua đại hội đảng Bảo thủ diễn ra vào tháng 10 tới. Người chiến thắng sẽ trở thành lãnh đạo đảng và Thủ tướng mà không cần bầu cử quốc gia.


Vì sao ông Johnson phải từ chức?

Gần đây, vụ bê bối tiệc tùng của Phó Lãnh đạo văn phòng kỷ luật đảng Bảo thủ - Nghị sĩ Chris Pincher đã gây chấn động chính trường Anh, và làn sóng từ chức quy mô lớn đã nổ ra trong chính quyền Thủ tướng Johnson. Bản thân ông Johnson cũng lún sâu vào một cuộc khủng hoảng bất tín nhiệm.

Từ tối ngày 5/7 đến khoảng 10h sáng ngày 7/7 (theo giờ địa phương), 59 người trong chính phủ Anh đã từ chức, bao gồm Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Bộ Gia đình và Trẻ em... và ngay cả các quan chức mới mà ông Johnson vừa bổ nhiệm thay thế cũng nộp đơn từ chức.

Vào ngày 5/7, Thủ tướng Johnson bổ nhiệm ông Nadhim Zahawi làm Bộ trưởng Tài chính thay thế người tiền nhiệm Rishi Sunak. Tuy nhiên, theo BBC, chưa đầy 24 giờ nhậm chức, ông Zahavi đã đến số 10 phố Downing cùng một số thành viên nội các quan trọng để thuyết phục ông Johnson từ chức.

Vào sáng ngày 7/7, ông Zahavi thậm chí còn đưa ra một tuyên bố trên Twitter, công khai kêu gọi Thủ tướng Johnson từ chức. Cùng lúc đó, bà Michelle Donelan, người kế nhiệm ông Zahavi làm Bộ trưởng Giáo dục mới của Anh vào ngày 5/7, đã đệ đơn từ chức sau chưa đầy 36 giờ nhậm chức.

Đồng thời, ông Johnson tiếp tục bổ nhiệm một số quan chức nội các vào ngày 7/7.

Trả lời tờ Guancha (Trung Quốc), Phó Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Trung-Âu thuộc Đại học Phúc Đán Giản Quân Ba cho rằng, nhìn bề ngoài, bê bối tiệc tùng gần đây của cấp dưới ông Johnson chính là ngòi nổ; mặt khác, chính việc bản thân ông Johnson vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã dẫn tới làn sóng kêu gọi ông từ chức từ các đảng phái khác nhưng may mắn là ông Johnson đã "sống sót" sau một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong đảng.

Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản dẫn đến cuộc khủng hoảng trong chính quyền ông Johnson chính là ông đã không có những bước đi thực chất đối với hai vấn đề Brexit và phát triển kinh tế kể từ khi trở thành thủ tướng.

Thứ nhất, giữa Anh và EU vẫn còn nhiều khác biệt về các vấn đề như Bắc Ireland, những vấn đề này chưa được giải quyết hợp lý, đã và đang cản trở Anh thực sự đạt được Brexit. Công bằng mà nói cho đến nay, ông Johnson vẫn chưa thực sự xử lý ổn thỏa.

Thứ hai, nền kinh tế Anh "giậm chân tại chỗ", mặc dù bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên ngoài như dịch bệnh, xung đột Ukraine, khủng hoảng năng lượng, một loạt các vấn đề gây ra bởi Brexit, sự đổ vỡ của chuỗi công nghiệp và lạm phát. Trong bối cảnh đó, ông Johnson đã không xử lý đúng cách, khiến cho sự phát triển kinh tế của Vương quốc Anh hiện nay rất ì ạch.

Sự chồng chéo của hai lý do trên cuối cùng đã dẫn đến việc ông Johnson mất đi sự ủng hộ.

Boris Johnson sau khi ông tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ ở phố Downing. Ảnh: Tolga Akmen / EPA


Phản ứng của quốc tế

Việc từ chức của Johnson cũng đã thu hút sự chú ý của quốc tế.

Ông Michel Barnier, cựu trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, sự ra đi của ông Johnson "mở ra một chương mới trong quan hệ EU-Anh". Ông Barnier muốn trang này "mang tính xây dựng hơn và tôn trọng hơn các cam kết đã đưa ra, đặc biệt là liên quan đến Nghị định thư Bắc Ireland'".


Thủ tướng Ireland Michelle Martin cũng coi việc ông Johnson từ chức là cơ hội quan trọng để điều chỉnh lại quan hệ với Anh. Ông nói trong một tuyên bố chính thức: " Giờ đây chúng tôi có cơ hội trở lại tinh thần hợp tác thực sự và tôn trọng lẫn nhau ".

Guy Verhofstadt, cựu điều phối viên Brexit tại Nghị viện châu Âu, cho rằng "việc ông Johnson lựa chọn Anh rời EU đã gây ra tổn thất lớn trong mối quan hệ giữa EU và Anh".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảm ơn sự hỗ trợ của ông Johnson trong "những thời điểm khó khăn nhất" và gọi ông là "người bạn thực sự của Ukraine".

Trong khi đó, phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nói rằng, ông Johnson "thực sự không thích Nga và Nga cũng không thích ông ấy".

Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã lên tiếng sau khi ông Johnson từ chức.


" Anh và Mỹ là những người bạn và đồng minh thân thiết nhất, mối quan hệ đặc biệt giữa nhân dân hai nước vẫn bền chặt và lâu dài ", hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Biden.

Tôi mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính phủ Anh, cũng như các đồng minh và đối tác của chúng tôi trên toàn thế giới, trong một loạt ưu tiên quan trọng


Ai là người kế nhiệm?

Ai sẽ thay thế ông Johnson? Chuyên gia Trung Quốc Giản Quân Ba cho rằng, những tiếng nói lớn nhất hiện nay là từ một số bộ trưởng trong nội các như Bộ trưởng tư pháp của Anh và Xứ Wales Suella Braverman, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace, Ngoại trưởng Liz Truss và thậm chí là cựu Bộ trưởng Y tế Sajid Javid. Về việc ai sẽ thực sự thay thế ông Johnson, điều đó chủ yếu phụ thuộc vào cuộc bầu cử trong đảng Bảo thủ để xem ai nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ đảng này

Hiện tại, không có ai rõ ràng sẽ tranh cử vào vị trí lãnh đạo của đảng Bảo thủ, và hầu hết mọi người đều không bày tỏ ý kiến. Do đó, người chiến thắng cuối cùng vẫn phụ thuộc vào kết quả bầu cử lãnh đạo đảng.

Tuy nhiên, nhiều phương tiện truyền thông của Anh đã bắt đầu "đứng ngồi không yên", dự đoán về ứng cử viên cho vị trí thủ tướng tiếp theo. Do đảng Bảo thủ vẫn nắm quyền nên Thủ tướng tiếp theo sẽ được thay thế bởi lãnh đạo của đảng do đảng bầu ra.

Theo quy định hiện hành của đảng Bảo thủ, việc bỏ phiếu sẽ diễn ra trong hai giai đoạn: Thứ nhất, các thành viên đảng Bảo thủ sẽ ứng cử và cạnh tranh loạt phiếu bầu cho đến khi chỉ còn lại hai ứng cử viên. Các thành viên của đảng sau đó sẽ bỏ phiếu cho một trong số họ.

The Guardian dự đoán, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Penny Mordaunt có vẻ là ứng cử viên nổi bật nhất ở thời điểm hiện tại. Nhà sản cái Coral thậm chí còn nói rằng bà này là người có khả năng thay thế ông Johnson nhất. Mordaunt là nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Anh và rất nổi tiếng trong đảng Bảo thủ. Một cuộc thăm dò vào cuối tuần qua cho thấy bà là ứng cử viên nhận được sự ủng hộ lớn thứ hai, sau Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace.

Dự đoán của Sky News cho thấy, bà Mordaunt và cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, người vừa từ chức, là những người có nhiều khả năng kế nhiệm ông Johnson. Theo sau là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Wallace và Ngoại trưởng Truss, cựu Bộ trưởng Y tế Sajid Javid v.v...

Trong cuộc thăm dò mới nhất đối với các thành viên đảng Bảo thủ do công ty phân tích dữ liệu YouGov của Anh thực hiện, Bộ trưởng Quốc phòng Wallace là người nhận được sự ủng hộ nhiều nhất.


Theo An An

Chia sẻ Facebook