Ông Hồ Tích Tiến than thở vì bị phong tỏa, dịch bệnh COVID-19 bao trùm Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
23/11/2022 17:19:28

Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc đang lây lan phức tạp khắp các tỉnh thành. Ông Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập của Thời báo Hoàn Cầu của nhà nước Trung Quốc, đã tiết lộ rằng tòa nhà nơi ông sống có ca dương tính nên ông đã bị phong tỏa trong 5 ngày và không được phép ra ngoài.

Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu, Hồ Tích Tiến (Ảnh chụp màn hình video).


Ông Hồ Tích Tiến tiết lộ vào ngày 21 rằng ông ta đã bị phong tỏa tại nhà, “Bây giờ nói phong tỏa 5 ngày, tôi hy vọng sẽ không phải là 5 ngày cộng với 5 ngày” (Annice Lyn/Getty).

Hồ Tích Tiến chuyển qua than vãn vì cách ly, bị cộng đồng mạng giễu


Tình hình dịch bệnh COVID-19 lây lan khắp các tỉnh thành tại Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh là một trong những nơi dịch lây lan mạnh nhất. Ngày 21/11, ông Hồ Tích Tiến cho biết trong một bài đăng trên Weibo cá nhân, “Hồ tôi cũng bị niêm phong tại nhà, trong tòa nhà nơi tôi sống có trường hợp dương tính. Bây giờ được cho là đã niêm phong trong 5 ngày (hy vọng sẽ không phải là 5 ngày cộng với 5 ngày)”.


Ông Hồ Tích Tiến nói: “Động lực lớn nhất cho sự thay đổi này là không có đủ nguồn lực cho cách ly tập trung” . Ông Hồ ví dụ trước đây khi có 1 ca mắc mới sẽ cách ly tập trung ít nhất cả trăm người, nay có gần nghìn ca, trong đó có 266 ca là nhân viên sàng lọc COVID-19 trong cộng đồng, nghĩa là có khoảng 30.000 người bị cách ly và thậm chí nhiều hơn, qua đó ông Hồ hỏi vặn: “Bắc Kinh có bao nhiêu nguồn lực để có thể cho cách ly tập trung nhiều người như thế?”


Ông cũng chỉ ra hệ thống phòng ngừa và kiểm soát COVID-19 của Bắc Kinh khó “ngăn chặn và kiểm soát chính xác”. “Hệ thống phòng ngừa và kiểm soát của Bắc Kinh xử lý hàng chục hoặc hàng trăm trường hợp mỗi ngày. Chỉ cần phát hiện ra chuỗi lây nhiễm thì có thể ngăn chặn được lây lan. Tuy nhiên, virus biến thể mới có thời gian ủ bệnh ngắn và lây lan quá nhanh, bây giờ có hàng ngàn trường hợp mỗi ngày thì hệ thống phòng chống và kiểm soát khó mà không có sơ hở”.


Cựu quan chức tuyên truyền này nói rằng các bệnh viện được chỉ định và bệnh viện dã chiến ở Bắc Kinh sẽ sớm đạt đến giới hạn khả năng nhận người bệnh. Một số người đề xuất xây dựng thêm các điểm cách ly tập trung, nhưng điều đó sẽ không dễ dàng, vì cần một lượng lớn các nhà quản lý để phục vụ những người bị cách ly. Ông thừa nhận có thể Bắc Kinh sẽ “chào thua” trước những gì đang phải đối mặt: “Nếu số ca nhiễm tiếp tục gia tăng và virus tiếp tục lây lan trong xã hội, điều đó có nghĩa là hệ thống và nguồn lực hiện có của Bắc Kinh không thể ngăn chặn cuộc tấn công của Omicron, qua đó phải có tư duy mới để đối phó”.

Ông Hồ Tích Tiến tiết lộ vào ngày 21/11 rằng ông bị phong tỏa tại nhà. (Chụp màn hình Weibo)


Sau khi thông tin ông Hồ Tích Tiến bị phong tỏa tại nhà được chia sẻ, nhiều cư dân mạng đã thốt lên:


“Buồn cười quá, hôm qua tôi thấy có người chia sẻ tại sao chỗ ông Hồ Tích Tiến chưa bị phong, không ngờ hôm nay ứng nghiệm, thật ‘tuyệt vời!’”


“Phong tỏa ông ta 2 tháng, rồi xem ông ta nói gì.”


“Đừng quên hàn cửa nhà ông ta lại.”


“Chúng ta hãy ‘chúc phúc’ cho ông ấy!”


“Chịu phong tỏa vì Đảng là niềm vinh dự lớn lao!”….

Thêm 3 người chết vì COVID-19 ở Bắc Kinh


Sau khi số trường hợp COVID-19 được xác nhận ở Bắc Kinh vượt quá 500 vào ngày 19/11, chính quyền đã thông báo trường hợp tử vong đầu tiên tính từ tháng Năm, qua ngày 20/11 số trường hợp được xác nhận đã tăng lên 963 và thêm 2 trường hợp tử vong mới. Cơ quan chức năng nói rằng các trường hợp tử vong đều từ 87 tuổi trở lên, sống trong các cơ sở chăm sóc dài hạn và có bệnh mãn tính, do đó kêu gọi tất cả người cao tuổi hạn chế đến những nơi công cộng đông người, không thăm hỏi hay tụ tập, hạn chế đi lại, tránh xa những người bị sốt và ho.


Có tin từ cư dân mạng Weibo cho rằng bước ngoặt của dịch bệnh là cuộc thi Marathon Bắc Kinh. Sau cuộc thi Marathon Bắc Kinh vào ngày 6/11 thì tình hình dịch bệnh ở Bắc Kinh đột ngột gia tăng.


Vấn đề là khi cuộc thi Marathon Bắc Kinh được tổ chức vào ngày 6/11 dù có hơn 30.000 người tham gia không mang khẩu trang, nhưng quy định phải là công dân thường trú của Bắc Kinh và đã tiêm 3 liều vắc-xin, cũng phải xuất trình giấy xét nghiệm axit nucleic âm tính trong thời hạn xét nghiệm tối đa 24 tiếng.


Theo Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc (CNR) , vào chiều ngày 21/11 chính quyền Bắc Kinh đã tổ chức một cuộc họp báo về công tác phòng chống dịch bệnh. Người phát ngôn của Chính quyền thành phố Bắc Kinh cho biết tình hình dịch bệnh trong nước hiện nay đang lan rộng, Bắc Kinh liên tục có ca bệnh từ ngoài lọt vào, để phòng ngừa và kiểm soát chặt hơn đã có quyết định bắt đầu từ ngày 22/11 chính thức thực hiện cách ly 3 ngày đối với tất cả những người từ vùng ngoài vào Bắc Kinh, trong 3 ngày đầu tiên thực hiện cách ly sau khi đến Bắc Kinh sẽ phải xét nghiệm axit nucleic mỗi ngày.

Trung Quốc căng thẳng vì dịch bệnh lây lan khắp nơi


Dịch COVID-19 đang lây lan phức tạp ở Trung Quốc Đại Lục, trong 7 ngày liên tiếp vừa qua đã có thêm mới 20.000 trường hợp dương tính, các khu vực có nguy cơ cao đã vượt quá 15.000, ở Hà Nam và Tứ Xuyên mỗi nơi có một trường hợp tử vong.


Theo dữ liệu được công bố trên trang web của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, toàn Trung Quốc hiện có hơn 1,47 triệu người trải khắp 32 tỉnh nằm trong diện phải theo dõi COVID-19; vào ngày 21/11 tại Trung Quốc có 27.899 ca nhiễm mới nằm ở 31 tỉnh và khu tự trị, có 2 ca tử vong (1 ở Hà Nam và 1 ở Tứ Xuyên). Các tỉnh dịch lan mạnh như: Quảng Đông dẫn đầu với 9.022 ca, tiếp theo là Trùng Khánh với 6.335 ca, Tứ Xuyên với 1.061 ca và Bắc Kinh với 1.438 ca. Những nơi có hơn 500 trường hợp bao gồm 997 ở Cam Túc, 988 ở Sơn Đông, 944 ở Tân Cương, 873 ở Hà Nam, 822 ở Nội Mông, 811 ở Hà Bắc, 728 ở Thiểm Tây và 579 ở Thanh Hải.


Số tỉnh còn lại có trường hợp nhiễm đáng kể như 471 trường hợp ở Sơn Tây, 362 ở Hồ Bắc, 323 ở Hắc Long Giang, 312 ở Cát Lâm, 308 ở Vân Nam, 284 ở Giang Tô, 265 ở Thiên Tân, 236 ở Quảng Tây, 132 ở Hồ Nam, 115 ở Ninh Hạ, 106 ở Liêu Ninh, Chiết Giang 103 ca, Quý Châu 88 ca, An Huy 55 ca, Thượng Hải 48 ca, Phúc Kiến 30 ca, Hải Nam 24 ca, Tây Tạng 17 ca, Quân Đoàn 9 ca, Giang Tây 4 ca. Ngoài ra còn hơn 1,47 triệu nhân viên công tác chống dịch gặp rủi ro đang được giám sát. Tính đến 24:00 ngày 21/11, có 1.246.843 người tiếp xúc gần và 228.128 ca nhiễm không triệu chứng được theo dõi y tế. Tuy nhiên, dữ liệu của nhà chức trách ĐCSTQ được công khai thường bị nghi ngờ về tính chính xác.


Mộc Vệ (t/h)

Trưởng đặc khu Hồng Kông nhiễm COVID, ngồi cạnh ông Tập tại APEC Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lý Gia Siêu (Lee Ka-chiu) đã trở về Hồng Kông từ Bangkok, Thái Lan vào đêm ngày 20/11.

Chia sẻ Facebook