Ông giúp cháu bớt xem điện thoại: Không phải cứ ở với ông bà lâu sẽ hư
Nhiều người cho rằng, ông bà thường làm theo mọi yêu cầu của cháu nên những đứa trẻ thường sẽ ỷ lại, bướng bỉnh. Tuy nhiên, câu chuyện dưới đây chứng minh ngược lại.
Từ trước tới nay, ông bà vẫn luôn nổi tiếng trong việc yêu thương, chiều chuộng các cháu của mình. Ở tuổi xế chiều, khi con cái đã trưởng thành, toàn bộ thời gian, tình cảm người ông, người bà đều dành cho những đứa cháu nhỏ. Chỉ cần là thứ cháu muốn, ông bà nhất định sẽ cố gắng tìm mua hay làm bằng được, bất kể cháu muốn ăn món gì cũng không bao giờ từ chối. Chính vì sự quan tâm đặc biệt ấy mà nhiều người cho rằng trẻ con nếu ở với ông bà lâu ngày có thể "sinh hư". Chúng sẽ trở nên bướng bỉnh, mè nheo vì quen được ông bà yêu thương, chiều chuộng như hoàng tử, công chúa.
Thế nhưng, thực tế đã chứng minh rằng, quan niệm "cháu hư tại ông bà" không phải lúc nào cũng đúng. Ngày nay, nhiều gia đình ông bà dù yêu thương những vẫn nghiêm khắc, khéo léo dạy dỗ các cháu những điều hay, lẽ phải, hướng đến những hoạt động tích cực.
Ông ngoại trao giấy khen cho 2 cháu đạt thành tích "giảm xem điện thoại, tăng cường múa hát"
Gần đây, người dùng mạng xã hội đã không ngừng chia sẻ câu chuyện đáng yêu khi ông ngoại tự làm Giấy khen cho 2 cháu nhỏ. Bức ảnh 2 em bé cười rạng rỡ, phấn khởi khi nhận Giấy khen từ ông nhanh chóng "đốn tim" người xem. Nội dung tuyên dương hai cháu bé đã có thành tích "ngoan ngoãn, vâng lời ông bà, cha mẹ, giảm xem điện thoại, tăng cường múa hát".
Thông tin từ báo Dân Trí, đây là hình ảnh từ một gia đình ở xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, Quảng Nam. Mẹ của 2 em bé trong câu chuyện trên là chị Thúy Ngân. Chị Ngân cùng chồng từ miền Bắc vào Quảng Nam sinh sống và làm việc. Vì điều kiện công việc hai vợ chồng chị phải nhờ ông bà ngoại vào phụ chăm sóc 2 con nhỏ.
Qua những hình ảnh được chia sẻ, có thể thấy, 2 em bé cùng ông bà ngoại của mình đã có những khoảng thời gian bên nhau vô cùng vui vẻ. Chỉ cần nhìn nụ cười trên môi 2 thiên thần nhỏ đủ biết ông bà đã yêu thương và chăm sóc các em tốt như thế nào. Đặc biệt nội dung khen thưởng cũng đủ để nhận thấy ông bà đã khéo léo dạy cháu ra sao.
Hiện nay, có nhiều gia đình thường xuyên sử dụng điện thoại, các thiết bị điện tử để dỗ dành con trẻ. Nhiều em bé nếu không có điện thoại để chơi trò chơi, hay một chiếc máy tính bảng để mở bài hát yêu thích có khi chẳng chịu ăn cơm, thậm chí quấy khóc. Cả ngày đi làm mệt mỏi, tối đến con cái mè nheo, nhiều bố mẹ chọn cách chiều theo sở thích của con: "Nín đi mẹ sẽ cho con xem tivi". Khi người lớn bận không muốn chơi cùng trẻ, sẽ xuất hiện điệp khúc: "Bố/mẹ mệt, hãy cầm lấy điện thoại và ra ngoài đi",...
Một nghiên cứu của Đại học Northwestern, Mỹ từng khẳng định rằng: "Trẻ em sinh ra vốn không phải đã thích điện thoại đi động. Nhưng vì cuộc sống thực không nhận được sự quan tâm và yêu thương đầy đủ, nên chúng sẽ vùi đầu vào thế giới ảo để tìm kiếm sự thoải mái."
Cũng vì lí do đó, nhiều người xem bày tỏ sự ngưỡng mộ trước cách giáo dục của ông ngoại dành cho 2 cháu. Thay vì chiều theo ý thích hay cho cháu tiếp xúc nhiều với điện thoại, ông thúc đẩy các hoạt động vui chơi, múa hát để cháu giải trí. Hai em bé cũng rất ngoan ngoãn vâng lời, thành quả là nhận được Giấy khen đặc biệt "có một không hai" từ ông. Mọi sự cố gắng, nỗ lực của trẻ đều xứng đáng nhận được sự khích lệ và công nhận từ người lớn.
Không phải cứ ở với ông bà lâu sẽ hư
Việc ông bà thường chiều chuộng theo các sở thích của trẻ là điều thường thấy. Thế nhưng, chúng ta cũng không nên quy chụp rằng con sẽ trở nên bướng bỉnh, sinh hư khi chung sống lâu cùng ông bà. Thay vì nhìn một vài trường hợp mà đánh giá tổng thể, bố mẹ có thể thấy rằng ông bà cũng rất nỗ lực để những đứa cháu bé bỏng của mình ngoan ngoãn, trưởng thành hơn mỗi ngày. Giống như câu chuyện đáng yêu kể trên, ông bà đã chăm sóc các bé rất tốt và thậm chí còn định hướng cháu đến những hoạt động tích cực. Quan tâm, yêu thương và khích lệ cháu khi cần thiết. Có thể thấy, ông bà ngày nay cũng rất hiện đại và có nhiều cách giáo dục thú vị, bổ ích.
Theo tiến sĩ tâm lý học Jensen (trưởng khoa thần kinh học tại Đại học Pennsylvania), vai trò của ông bà ngày càng trở nên quan trọng hơn, đặc biệt là đối với các gia đình sống ở vùng quê. Khi được chơi với ông và, trẻ sẽ có cơ hội tham gia các hoạt động trải nghiệm ngoài trời như trồng rau, bắt cá,... Trong quá trình ấy, trẻ sẽ học được rất nhiều thứ từ thế giới tự nhiên bên ngoài, những điều mà chúng không thể tìm thấy qua màn hình TV hay những chiếc smartphone.
Đâu phải tất cả những đứa trẻ lớn lên cùng ông bà đều khó bảo. Mỗi em nhỏ sẽ có một tính cách và cần biện pháp giáo dục khác nhau. Để chăm sóc con tốt cả gia đình cần phối hợp với nhau ăn ý. Thay vì bố mẹ bận rộn để việc chăm cháu cho ông bà, các bậc phụ huynh nên sắp xếp thời gian hợp lý để đảm bảo có thể cùng ông bà chăm sóc cho con một cách tốt nhất. Trong trường hợp không đồng quan điểm chăm sóc trẻ, bố mẹ có thể thẳng thắn góp ý để ông bà sửa đổi. Điều quan trọng là con được phát triển toàn diện và không khí gia đình luôn đầm ấm, vui vẻ.
Bạn nghĩ sao về vấn đề để ông bà chăm sóc, dạy dỗ cháu. Hãy chia sẻ quan điểm của bạn ở phần bình luận ngay bên dưới cùng YAN nhé.
Khi còn trẻ, con cái là tất cả của bố mẹ, đến khi về già, mọi tình yêu thương lại dành hết cho các cháu. Ngày nay, nhiều ông bà có các phương pháp giáo dục thú vị mà bố mẹ của trẻ cũng cần phải học hỏi.
Để chăm sóc, nuôi dạy trẻ lớn khôn, ngoan ngoãn, ông bà, bố mẹ cần phối hợp với nhau. Nền tảng gia đình đầm ấm, hạnh phúc, vui vẻ cũng là điều kiện tốt để trẻ phát triển toàn diện.
Cùng tìm hiểu những câu chuyện thú vị khác TẠI ĐÂY !