Ông chủ doanh nghiệp tỷ USD học hành dang dở, 10 giờ sáng mới thức giấc vẫn kiếm bộn tiền: Ai nói chỉ người dậy sớm mới thành công?
Aaron Levie là chàng thiếu niên đã tạo ra tiếng vang tại Thung lũng Silicon và thuyết phục Mark Cuban chỉ với một email. Con đường đi đến thành công của anh cũng không giống với người bình thường.
Aaron Levie là chàng trai sinh năm 1985. Anh được biết đến với vai trò là Người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Box. Đây là một công ty lưu trữ đám mây được thế giới công nhận và sử dụng rộng rãi. Ít ai biết được rằng công ty “khuấy đảo" Thung lũng Silicon lại ra đời trong một chiếc gara cũ kỹ.
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, Box và Dropbox là hai khái niệm khác nhau. Trong khi Box quản lý lưu trữ đám mây cho các tổ chức lớn, Dropbox tập trung hơn vào nhu cầu cá nhân và doanh nghiệp nhỏ.
Chàng trai bỏ dở đại học thuyết phục Mark Cuban chỉ với 1 email
Là người xuất thân trong một gia đình Do Thái ở vùng ngoại ô Seattle, Levie ngay từ nhỏ đã được hưởng nền giáo dục đặc biệt. Sau khi tốt nghiệp trung học, Levie chuyển đến theo học tại Đại học Nam California. Ở đó, anh đã học trong vài năm và phát triển nền tảng của mình trong lĩnh vực tiếp thị và kinh doanh.
Levie cũng tham gia một dự án lớp học về các giải pháp lưu trữ điện tử. Trong thời gian này, anh đã có cơ hội phỏng vấn các doanh nghiệp và phát hiện ra rằng, họ có những nhu cầu chưa được đáp ứng. Những vấn đề này xảy ra trong toàn ngành và để lại một lỗ hổng trên thị trường. Là một người nhạy bén, Levie bắt đầu nhận ra khả năng kiếm tiền từ đây.
Năm 2005, Levie rời Đại học Nam California. Một năm trước khi đáng lẽ lấy được Bằng Cử nhân, anh đã trở lại sống trong ngôi nhà thời thơ ấu của mình. Ở Washington, Levie bắt đầu theo đuổi ước mơ của mình. Anh đã liên hệ với một người bạn cũ là Dylan Smith.
Họ cùng nhau bắt tay vào công việc kinh doanh tại một hầm để xe cũ kỹ. Họ đã phải ngủ trên thảm yoga hàng đêm tại văn phòng, chỉ ăn mỳ và uống nước, ngủ 3 – 4 tiếng/ngày. "Đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn và mệt mỏi, tuy nhiên, chúng tôi đều cảm thấy thú vị và xứng đáng", Levie chia sẻ.
Levie đã gửi email đến hàng chục doanh nhân nổi tiếng, tìm kiếm nguồn tài trợ và hy vọng được công khai. Anh ấy đã nhận được phản hồi từ ông trùm công nghệ Mark Cuban và thành công thuyết phục ông trở thành một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Box vào năm 2005. Vị tỷ phú cũng là một nguồn tư vấn kinh doanh chân chính.
Anh gửi một thư điện tử đến ông Cuban mà chưa hề gặp mặt hay thuyết trình gì về dự án và bất ngờ nhận được 350.000 USD đầu tư. Sự hợp tác của Mark Cuban đã đưa Box vào một kỷ nguyên mới. Vào năm 2017, giá trị của Box lên tới 2,5 tỷ USD trên thị trường.
Điều hành công ty ở tuổi 20, không cần dậy sớm mới thành công
Sau vài lần trì hoãn, Box IPO vào năm 2015 với mức vốn hóa thị trường 94 triệu USD. Levie khi đó mới 29 tuổi.
Trong quá trình phát triển Box, anh nhận ra rằng công ty sẽ không thể tồn tại được nếu chỉ đơn thuần cung cấp cho người dùng một chút dung lượng sử dụng miễn phí ban đầu và tính phí thêm cho họ về sau. Sự cạnh tranh về mảng công nghệ đang dần trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Box cần sự cải tiến đột phá hơn dựa trên tính năng ban đầu.
"Các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói với chúng tôi rằng, họ sẽ trả thêm gấp 10 đến 100 lần cho Box nếu chúng tôi cải tiến thêm các tính năng bảo mật, tiện ích bổ sung cho họ", ông chủ Box cho biết. Anh khẳng định "Chúng tôi nhận ra đây là cơ hội tuyệt vời để mang các đặc tính tiêu dùng của sản phẩm này đến cho các doanh nghiệp, mà vẫn duy trì được nguyên lý hoạt động ban đầu của công ty".
Khi được hỏi về lần đầu tiên trở thành CEO ở tuổi 20, Aaron Levie cho biết anh gặp khá nhiều trở ngại và cần thời gian để thích ứng với quy trình cũng như định hướng lượng bán hàng trong tương lai của Box. Trước tiên, Levie đã định hình lại mô hình điều hành một công ty theo cách của mình cũng như tìm kiếm những người cộng sự phù hợp.
Giám đốc điều hành của Box cũng được biết đến là một trong những triệu phú bắt đầu ngày mới của mình vào lúc 10 giờ sáng. Sau khi thức giấc, Aaron Levie chưa vội rời khỏi giường, thay vào đó anh sẽ duyệt hết đống mail của mình trước khi bắt đầu những công việc khác.
Từ chối đề nghị 600 triệu USD mua lại Box
Box từng được đề nghị mua lại bởi Citrix, một công ty phần mềm đa quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên, Aaron Levie đã từ chối ngay sau đó. Ở góc độ của một người trẻ khởi nghiệp, đây là một quyết định khá táo bạo bởi chính bản thân Levie tại thời điểm đó thậm chí còn chưa mường tượng được tương lai 10 năm nữa Box sẽ đi đến đâu. Chưa kể, Box cũng đang phải đối mặt với thị trường cạnh tranh khốc liệt cùng nhiều "gã khổng lồ" công nghệ.
Anh nhớ lại: "Tôi đã gọi điện hỏi rất nhiều người sáng lập và lãnh đạo nổi tiếng, những người đã từng quyết định bán và không bán công ty của họ, để tìm hiểu nguyên nhân tại sao họ lại đi theo một trong hai hướng này. Tôi nhận được nhiều lời khuyên khác nhau. Một phía cho rằng tôi hoàn toàn nên bán lại Box bởi chưa chắc có thể nhận một lời đề nghị nào tốt hơn. Một số lại nói khi có cơ hội tăng gấp đôi giá trị và phát triển thứ gì đó mà mình yêu thích, tôi không nên 'giết chết' cơ hội đó".
Sau vài tuần suy nghĩ, Levie cùng ba người bạn của mình đã quyết định không bán lại Box cho bất cứ ai. Họ muốn tiếp tục phát triển Box và tăng gấp đôi giá trị công ty ở thời điểm hiện tại. Aaron Levie đã đưa công ty lên sàn IPO với giá còn cao hơn 600 triệu USD.
Tuy nhiên, quá trình IPO của Box diễn ra khá lâu, họ thậm chí từng có một đợt IPO bị đình trệ mà theo Levie, đó là "một kinh nghiệm khủng khiếp". "Chúng tôi gần như đã 'tự đấm vào mặt mình'. Các công ty phần mềm và dịch vụ trên thị trường lúc đó đang trượt dốc đáng kể, giảm xuống từ 30% hoặc 40%. Do đó, các ngân hàng khuyên chúng tôi không nên lên sàn vào thời điểm này".
Trải qua nhiều trở ngại, Levie rút ra cho mình một bài học kinh nghiệm quan trọng trong kinh doanh, đó là tập trung vào những điều cần thiết nhất – văn hóa, tinh thần và cách giải quyết những vấn đề đang diễn ra theo hướng tích cực hơn. "Và may mắn thay, chúng tôi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn đó".
Chế ngự cái tôi để thấy giá trị của những lời phê bình
Nhìn lại hành trình lập nghiệp của bản thân, Aaron nhớ lại sự bốc lửa và thách thức trong những ngày đầu, đặc biệt là khi đối mặt với những lời chỉ trích. Anh ấy nói: “Tôi đã có suy nghĩ lệch lạc trong suốt một thời gian dài, luôn cho rằng bản thân đúng 100% và người đưa ra phản hồi là sai. Nhưng sau đó tôi mới nhận ra, 95% phản hồi mà chúng tôi nhận được từ các nhà đầu tư đã từ chối mình thực sự là đúng”.
CEO Box tin rằng chấp nhận mình sai và lắng nghe người khác là tư duy cần thiết để trở thành một doanh nhân. Rốt cuộc, nếu Levie vẫn giữ quan điểm như ban đầu, thì anh có thể không bao giờ tạo ra được một doanh nghiệp như ngày hôm nay.
Aaron kể từ đó đã trau dồi tính khiêm tốn hơn và nhìn thấy giá trị trong tất cả các phản hồi, ngay cả khi nó là tiêu cực. Anh khuyên các nhà sáng lập nên tìm cách vượt qua sự phẫn nộ ban đầu để phân tích những gì mình có thể học được từ những lời chỉ trích thậm chí gay gắt nhất.
Aaron cho biết: “Bạn có thể tổng hợp những lời góp ý và phê bình để tìm ra những điều mình cần phải điều chỉnh, phải thay đổi."
Tổng hợp