Ông Boris Johnson từ chức thủ tướng Anh
Sau nhiều áp lực, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm nay 7-7 đã tuyên bố từ chức nhưng nhấn mạnh bản thân tự hào vì những gì đã làm được trong thời gian qua.
Nhà lãnh đạo Anh bắt đầu bài phát biểu từ chức bằng một câu xin chào và thể hiện tâm lý thoải mái, trái ngược với hình dung của một số người.
"Ý muốn rõ ràng của Đảng Bảo thủ trong nghị viện hiện nay là cần phải có một nhà lãnh đạo mới của đảng và một thủ tướng mới", ông Johnson nêu vấn đề trong bài phát biểu từ chức và cho biết thời gian biểu bầu chọn lãnh đạo mới sẽ được công bố vào tuần tới.
Ông Johnson cũng cảm ơn những người đã bỏ phiếu cho Đảng Bảo thủ vào năm 2019 và nhấn mạnh bản thân cảm thấy tự hào vì những gì đã làm được trong thời gian qua. Đó là việc hoàn tất tiến trình đưa Anh khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), triển khai vắc xin COVID-19 nhanh nhất ở châu Âu, chấm dứt các lệnh phong tỏa chống dịch sớm nhất khu vực và dẫn đầu các nỗ lực ủng hộ Ukraine.
"Vương quốc Anh sẽ tiếp tục ủng hộ cuộc chiến giành tự do của các vị cho đến chừng nào các vị còn cần", ông Johnson nhắn đến người dân Ukraine. Nhà lãnh đạo 58 tuổi cũng bày tỏ nỗi buồn khi phải rời xa công việc nhưng tin rằng đây chỉ là những khoảng tạm nghỉ.
"Với công chúng Anh, tôi biết rằng sẽ có nhiều người cảm thấy nhẹ nhõm và có lẽ cũng có một số người sẽ thất vọng. Tôi muốn mọi người biết rằng tôi buồn như thế nào khi phải từ bỏ công việc tốt nhất thế giới. Nhưng đó sẽ chỉ là những khoảng thời gian tạm dừng", Hãng tin Reuters trích lời ông Johnson.
Cuộc bầu cử lãnh đạo sẽ diễn ra vào mùa hè và người chiến thắng sẽ thay thế ông Johnson trong hội nghị thường niên của đảng vào đầu tháng 10 tới.
Theo Hãng thông tấn AFP, mặc dù tuyên bố từ chức nhưng ông Johnson sẽ tiếp tục ngồi ghế thủ tướng cho đến khi Đảng Bảo thủ có lãnh đạo mới.
Đảng Bảo thủ giành được nhiều phiếu ủng hộ nhất trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019 nên chủ tịch của đảng này cũng nghiễm nhiên trở thành thủ tướng.
Theo đúng lịch trình, cuộc tổng tuyển cử tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 1-2025 nên người kế nhiệm ông Johnson sẽ có ít nhất 2 năm để tạo dấu ấn riêng.
Nhưng đó là trong trường hợp lý tưởng nhất. Trên thực tế, đã có nhiều ý kiến kêu gọi tổng tuyển cử sớm để chấm dứt vai trò lãnh đạo của Đảng Bảo thủ và sự hỗn loạn từ sau Brexit.
Lãnh đạo Công Đảng đối lập ở Anh, ông Keir Starmer, hoan nghênh việc ông Johnson từ chức nhưng phản đối việc ông tiếp tục ở lại vài tháng nữa. Theo ông Starmer, chính phủ của Đảng Bảo thủ không thích hợp để điều hành đất nước và quốc hội cần một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, mở đường cho tổng tuyển cử sớm thay vì để ông Johnson "đeo bám quyền lực tháng này qua tháng nọ".
Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace và Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak nằm trong số những người có tiềm năng kế nhiệm ông Johnson, theo một cuộc khảo sát của YouGov trong các thành viên Đảng Bảo thủ.
Phản ứng trước việc ông Johnson từ chức là rất trái chiều, trong đó đa số thể hiện sự hài lòng, theo Reuters.
Từ nước Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố ông Johnson không thích nước Nga và vì thế nước Nga cũng chẳng ưa ông.
"Boris Johnson đã bị trúng một chiếc boomerang do chính ông ta ném đi. Đạo lý của câu chuyện là: đừng tìm cách tiêu diệt nước Nga... Nước Nga không thể bị tiêu diệt", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu quan điểm.
Trước sức ép ngày càng tăng từ Quốc hội và làn sóng từ chức của hơn 50 quan chức, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã phải đồng ý từ chức vào ngày 7-7, dù một ngày trước đó còn từ chối.