Ông Biden tuyên bố cứng: Không loại trừ dùng vũ lực để ngăn hạt nhân Iran
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực để ngăn Tehran có vũ khí hạt nhân, nhưng đây chỉ là giải pháp cuối cùng trong tất cả các lựa chọn. Đáp lại, giới chức Iran tuyên bố sẽ theo đuổi thỏa thuận hạt nhân với Mỹ và các nước khác.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Channel 12 của Israel phát sóng ngày 13-7, Tổng thống Biden khẳng định ông sẽ tiếp tục giữ lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran trong danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài.
Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh ông sẽ không thay đổi điều đó kể cả khi nó có nguy cơ khiến cuộc đàm phán hồi sinh thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 cùng Liên minh châu Âu đổ vỡ.
Năm 2015, Iran đạt được thỏa thuận với 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức cùng EU về việc sẽ ngừng chương trình làm giàu uranium. Đổi lại, các nước sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt Iran, cho phép các giao dịch thương mại được nối lại.
Tuy nhiên, vào tháng 5-2018, tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận vì cho rằng nó không ngăn cản Iran phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Hồi sinh thỏa thuận năm 2015 là một trong những nhiệm vụ mà ông Biden đặt ra khi lên cầm quyền từ tháng 1-2021.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 13-7, khi được hỏi liệu tuyên bố ngăn cản Iran sở hữu vũ khí hạt nhân đồng nghĩa sử dụng vũ lực, Tổng thống Biden nhấn mạnh "có" nhưng cho rằng đây chỉ là giải pháp cuối cùng.
Cuộc đàm phán hồi sinh thỏa thuận hạt nhân và quan hệ của Iran với các nước Trung Đông một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông khi ông Biden thăm Israel và Saudi Arabia.
Ngày 13-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani tuyên bố Tehran sẽ duy trì cam kết đối với tiến trình đàm phán nhằm giải tỏa những khác biệt giữa các bên.
Ông Kanaani khẳng định nếu không có những nỗ lực của Tehran thì "cánh cửa ngoại giao sẽ không còn mở cho đến tận hôm nay".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cũng không quên nhắc lại rằng chính Washington đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và không tuân thủ các nghĩa vụ của mình. Ông cũng hy vọng các quốc gia châu Âu tham gia đàm phán có cách tiếp cận mang tính xây dựng, qua đó giúp tiến trình đàm phán trở nên hiệu quả hơn.
Trước đó, hôm 12-7, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cảnh báo chỉ còn vài tuần trước khi cánh cửa cứu vãn thỏa thuận hạt nhân bị đóng lại. Bà cũng cáo buộc Tehran đang sử dụng chiến thuật trì hoãn trong đàm phán trong khi vẫn tiếp tục thúc đẩy chương trình làm giàu uranium.
Iran cảnh báo Mỹ nên bỏ “phương pháp Trump” trong đàm phán, sau khi hai nước xác nhận nối lại đàm phán về khôi phục Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).