Ông Biden nhấn mạnh cạnh tranh Mỹ – Trung và ổn định eo biển Đài Loan

Chia sẻ Facebook
14/11/2022 11:11:36

Tổng thống Mỹ Biden hôm Chủ nhật (13/11) đã có phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á thường niên ở Phnom Penh – Campuchia, đề cập nhiều thách thức từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).


Embed from Getty Images


Ngày 13/11 trong thời gian tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Campuchia, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hội đàm ba bên với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. (SAUL LOEB / AFP/Getty).


18 nước đại diện cho một nửa nền kinh tế toàn cầu đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á bao gồm các nước thành viên ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga, Úc và New Zealand.


Theo thông cáo báo chí do Nhà Trắng đưa ra, Tổng thống Mỹ Biden đã nói về quan hệ Mỹ-Trung, “nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc và chỉ ra những hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ, đồng thời duy trì kênh liên lạc cởi mở để đảm bảo cạnh tranh không dẫn đến xung đột. Ông Biden nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”.


Tổng thống Biden cũng đề cập đến việc giải quyết những thách thức cấp bách trong khu vực và toàn cầu, Nhà Trắng cho biết. Ông nhấn mạnh rằng tự do hàng hải và hàng không phải được tôn trọng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, và tất cả các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Ông nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc, lưu ý rằng đó là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý.


Vào ngày 12/7/2016, năm trọng tài viên của Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague – Hà Lan đã nhất trí thông qua phán quyết bác bỏ cái gọi là “đường 9 Đoạn” mà ĐCSTQ tuyên bố về quyền lịch sử đối với các vùng biển, đảo và đá ngầm tại Biển Đông.


Ngoài ra, ông Biden cũng bày tỏ quan ngại về mối đe dọa từ Triều Tiên, đồng thời lên án bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất “cuộc chiến tàn bạo và phi nghĩa” của Nga xâm lược Ukraine. Ông bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ ở Myanmar và nhấn mạnh cần có thêm hành động nhằm gia tăng sức ép đối với chế độ quân sự ở Myanmar, thực hiện thỏa thuận 5 điểm, trả tự do cho các tù nhân chính trị và đưa Myanmar trở lại con đường dân chủ.


Tổng thống Biden tái khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lấy ASEAN làm trung tâm. Tổng thống đã xem xét lại những nỗ lực của mình nhằm hiện thực hóa tầm nhìn về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở, liên kết, thịnh vượng, giàu sức sống và an toàn. Ông đã đánh giá những tiến bộ đạt được trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khuôn khổ này mang lại lợi ích cụ thể cho tất cả 14 thành viên và thúc đẩy khu vực tăng trưởng kinh tế bền vững và trên diện rộng.


Tổng thống Nga Putin đã không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Campuchia mà cử Ngoại trưởng Sergei Lavrov đi thay.


Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Chủ tọa Hội nghị, cho biết đã có một số cuộc thảo luận sôi nổi, nhưng không khí không căng thẳng.


Ông Biden đã tổ chức một cuộc họp 3 bên với lãnh đạo của các nước đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, cho biết 3 nước “nhất trí hơn bao giờ hết” về vấn đề Triều Tiên.


Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida lên án việc ĐCSTQ vi phạm quyền chủ quyền của Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, và cho biết Bắc Kinh đã làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Biển Đông là một tuyến đường thương mại quan trọng trên thế giới, với ít nhất mỗi năm có lượng giao thương 3000 tỷ USD đi qua.


Tổng thống Biden cũng đã hội đàm với Thủ tướng Úc Anthony Albanese, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các ưu tiên đối với liên minh Mỹ-Úc và quan hệ đối tác an ninh với Anh. Hai nguyên thủ luôn nhất trí về sự cần thiết phải duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.

Thủ tướng Úc: Cải thiện quan hệ Úc-Trung nhưng phải giữ vững các giá trị của mình


Đông Nam Á cũng sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Bali – Indonesia. Theo Reuters, chuyến bay chở Tổng thống Biden đã hạ cánh xuống Bali hôm 13/11. Trong khuôn khổ G20 lần này, ông Biden dự kiến sẽ cùng lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới thảo luận hàng loạt vấn đề gai góc như khủng hoảng lương thực, năng lượng, biến đối khí hậu, chiến sự ở Ukraine, căng thẳng tại eo biển Đài Loan.


Trước thềm hội nghị G20, ông Biden sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, một động thái diễn ra vào thời điểm quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.


Mộc Vệ

Dư Mậu Xuân: Không có chuyện Mỹ mơ hồ chiến lược về Đài Loan Ông Dư Mậu Xuân nói rằng quan điểm Mỹ ‘mơ hồ chiến lược’ về Đài Loan là không đúng.

Chia sẻ Facebook