Ông Biden điện đàm với ông Erdogan bàn về vấn đề tiêm kích F-16
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, bàn về mong muốn của Ankara trong việc mua tiêm kích F-16 từ Mỹ và kế hoạch Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo Tổng thống Joe Biden, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã khẳng định lại mong muốn mua các máy bay F-16 của Mỹ từ chính quyền Ankara, và ông đã truyền đạt tới ông Erdogan về việc Washington mong muốn Ankara rút bỏ phản đối của họ về việc Thụy Điển tham gia khối NATO.
Theo Reuters, nội dung này diễn ra trong cuộc điện đàm của Tổng thống Joe Biden chúc mừng ông Erdogan đã thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vào Chủ Nhật vừa rồi.
Tổng thống Joe Biden trước khi rời khỏi Nhà Trắng để tới bang Delaware đã phát biểu trước các phóng viên: “Tôi đã thảo luận với ông Erdogan. Tôi chúc mừng ông ấy và ông ấy vẫn muốn tiếp tục thương vụ tiêm kích F-16. Tôi nói với ông ấy rằng chúng tôi muốn có một thỏa thuận với Thụy Điển, vì vậy hãy hoàn thành điều đó và chúng tôi sẽ liên lạc lại với nhau.”
Khi được hỏi liệu ông có kỳ vọng gì về việc ông Erdogan sẽ thay đổi ý kiến về việc Thụy Điển gia nhập NATO hay không, Tổng thống Joe Biden đã cho biết: “Tôi đã đề ra vấn đề đó với ông ấy. Chúng tôi sẽ thảo luận thêm về vấn đề này trong tuần tới”.
Thụy Điển đưa ra nguyện vọng tham gia khối NATO, "trút bỏ" chính sách lâu nay về việc giữ vững vị thế quân sự trung gian sau khi Nga có chiến dịch quân sự tại Ukraine. Yêu cầu tham gia khối NATO sẽ phải được phê chuẩn bởi tất cả các quốc gia thành viên thuộc khối NATO. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn chưa phê chuẩn yêu cầu tham gia của Thụy Điển.
Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn đặt mua một số lượng máy bay F-16 với tổng trị giá 20 tỷ USD và 80 gói hiện đại hóa máy bay này từ Mỹ. Tuy nhiên hợp đồng này đã bị trì hoãn do các phản đối đến từ Quốc hội Mỹ về việc chính quyền Ankara từ chối thông qua quyết định mở rộng NATO, từ chối cung cấp tài liệu về nhân quyền của họ và các chính sách xung quanh Syria, mặc cho Văn phòng Tổng thống Joe Biden liên tục khẳng định họ ủng hộ hợp đồng này.
Một gói nâng cấp phần mềm của hệ thống điện tử cho các máy bay F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 259 triệu USD đã được thông qua bởi Quốc hội Mỹ đầu năm 2023, chỉ vài ngày sau khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn yêu cầu gia nhập NATO của Phần Lan.
Văn phòng Tổng thống Joe Biden đã liên tục bác bỏ những khẳng định về thái độ “trao đổi có qua có lại” xung quanh hợp đồng F-16 và việc mở rộng NATO, tuy nhiên trong tháng 1 năm 2023, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ ông Mevlut Cavusoglu đã cho biết phía Mỹ đã khẳng định rõ quyết định phê chuẩn các yêu cầu gia nhập NATO từ phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được đánh giá tích cực bởi Quốc hội Mỹ.
Trước đó, trong tháng 2 năm 2023, một nhóm các thượng nghị sĩ đa đảng đã gửi thư tới Tổng thống Joe Biden, cho biết việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối phê chuẩn yêu cầu gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan - hai quốc gia chờ đợi quyết định sau cùng vào thời điểm đó - sẽ “dẫn tới quyết định cân nhắc lại về hợp đồng này”, ám chỉ hợp đồng các máy bay F-16.
Một nguồn tin nội bộ hiểu rõ về cuộc thảo luận này đã cho biết Chính phủ Mỹ trước chính quyền Ankara đã cho biết sẽ rất khó có thể nhận được chấp thuận về thỏa thuận trao đổi máy bay F-16 từ phía Quốc hội Mỹ nếu chính quyền Ankara không phê chuẩn yêu cầu gia nhập của Thụy Điển.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn yêu cầu gia nhập NATO của Phần Lan vào cuối tháng 3 vừa rồi, nhưng vẫn tiếp tục phản đối yêu cầu gia nhập của Thụy Điển, với các cáo buộc chính quyền Stockholm chứa chấp thành viên của những nhóm quân sự mà họ coi là thành phần khủng bố. Hungary hiện cũng chưa phê chuẩn yêu cầu gia nhập của Thụy Điển.
Việc đảm bảo Thụy Điển có thể gia nhập NATO trước khi liên minh này tổ chức cuộc họp thượng đỉnh giữa các lãnh đạo tại Lithuania vào giữa tháng 7 tới đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Washington.
Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong một tuyên bố về cuộc gọi giữa ông Biden và ông Erdogan đã cho biết hai lãnh đạo này đã nhất trí củng cố khả năng hợp tác trên mọi mặt trong quan hệ song phương hai nước, vốn đang ngày càng trở nên quan trọng khi đối mặt với các thử thách trong khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)