Ông Biden: Đã có 13 quốc gia tham gia sáng kiến kinh tế IPEF của Mỹ
Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo đã có 13 quốc gia tham gia sáng kiến kinh tế mới do Mỹ dẫn đầu được gọi là IPEF. Đây được coi là sáng kiến nhằm đối phó Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thúc đẩy sáng kiến IPEF
Theo Hãng tin AFP, phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ở Tokyo vào ngày 23-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ, Nhật Bản và 11 quốc gia khác sẽ cùng khởi động Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Tuy nhiên, ông không nêu tên cụ thể 11 quốc gia này.
"Khuôn khổ này là cam kết hợp tác với những người bạn và đối tác thân thiết của chúng tôi trong khu vực để đối phó những thách thức quan trọng nhất đối với việc đảm bảo tính cạnh tranh kinh tế trong thế kỷ 21" - ông Biden nói.
Hiện tại Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến công du tới châu Á. Ông đang thúc đẩy sáng kiến IPEF, coi đây như một công cụ để tăng cường hợp tác với các đối tác châu Á.
Chính quyền của ông Biden đã nói rõ rằng đây không phải là một hiệp định thương mại tự do mà là một bộ tiêu chuẩn cho nền kinh tế số, khả năng phục h ồi của chuỗi cung ứng, khử carbon, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và thực phẩm bền vững.
Không giống như các khối thương mại truyền thống, các thành viên IPEF không có kế hoạch đàm phán về thuế quan và vấn đề tiếp cận thị trường dễ dàng.
Theo AFP, Trung Quốc đã chỉ trích IPEF là nỗ lực nhằm tạo ra một câu lạc bộ khép kín. Tuy nhiên, ông Jake Sullivan - cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden - đã bác bỏ điều này và giải thích rằng sáng kiến này "theo thiết kế và định nghĩa là một nền tảng mở".
Sáng kiến trên được công bố trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang theo đuổi các chiến lược khác nhau để mở rộng ảnh hưởng của họ trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trung Quốc đang chú trọng vào các hiệp định thương mại. Bắc Kinh đã là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - hiệp định thương mại tự do có sự tham gia của 10 nước ASEAN cũng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.
Hiện tại Trung Quốc đang xin gia nhập một hiệp định thương mại khu vực khác, đó là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang bao gồm 11 thành viên. Hiệp định thương mại tự do đa phương này không có sự tham gia của Mỹ.
Singapore muốn "duy trì sự cân bằng"
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với tạp chí Nikkei Asia (Nhật Bản) đăng ngày 23-5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết đảo quốc sư tử dự định tham gia IPEF. Đồng thời, ông Lý ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập CPTPP.
"Việc Trung Quốc phát triển thịnh vượng và tham gia vào khu vực tốt hơn nhiều so với việc nước này tự hoạt động bên ngoài các quy tắc áp dụng cho mọi bên khác, không hội nhập và phối hợp với phần còn lại của khu vực. Bởi vì điều đó có thể gây ra rất nhiều khó khăn cho khu vực" - ông Lý giải thích và bày tỏ ủng hộ Bắc Kinh gia nhập CPTPP.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Singapore nhấn mạnh Trung Quốc sẽ phải "đáp ứng các tiêu chuẩn" để được gia nhập hiệp định thương mại tự do này.
Ông Lý cho biết Singapore muốn "nuôi dưỡng" các mối liên kết với một loạt quốc gia "và duy trì sự cân bằng để chúng tôi có khả năng phục hồi và không quá phụ thuộc vào bất kỳ bên nào".
"Chúng ta có thể cùng nhau thịnh vượng và cùng có được sự phụ thuộc lẫn nhau" - ông Lý nói với tổng biên tập Nikkei Asia Tetsuya Iguchi.
Những bình luận của ông Lý được đưa ra chỉ vài ngày trước khi ông đến Tokyo (Nhật Bản) tham dự Hội nghị Tương lai châu Á.
Ông Lawrence Wong, người sẽ kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long, được đánh giá có năng lực và dễ gần. Có lần trước Quốc hội Singapore, ông nghẹn ngào rơi nước mắt khi bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhân viên chống dịch.