Ông bà từ chối làm 'osin không công', yêu cầu trả tiền trông cháu

Chia sẻ Facebook
23/05/2022 14:58:51

Khác với quan niệm xưa, ngày càng nhiều ông bà về hưu ở Trung Quốc từ chối làm 'osin không công' trông nom và chăm sóc các cháu thay con. 

Trong khi những người ông người bà trên thế giới tận hưởng quãng thời gian nghỉ hưu vui vẻ để theo đuổi sở thích cá nhân, du lịch khắp nơi và thi thoảng tới thăm con cháu, những người lớn tuổi ở Trung Quốc lại bị mắc kẹt trong chính ngôi nhà của mình cùng với nhiệm vụ chăm sóc các cháu nhỏ trong quãng thời gian con trai và con gái đi làm.

Nhưng đối với bà Chen Shuxiang và chồng là ông Guan Hongsheng lại khác. Họ để vợ chồng con trai đảm nhận trách nhiệm chính chăm sóc đứa cháu trai 10 tuổi, dù cả nhà cùng sống ở thành phố Phúc Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc.

Trong nhiều gia đình ở Trung Quốc, ông bà về hưu đang là người đảm nhận nhiệm vụ chính chăm sóc các cháu. (Ảnh: China Daily)

Cặp vợ chồng ngoài 60 tuổi từ chối trở thành người chăm sóc chính cho cháu trai là chuyện được xem khá hiếm ở Trung Quốc. Nhưng họ đang trở thành những người tiên phong cho sự dịch chuyển của xã hội trong tương lai.

“Chúng tôi hạnh phúc với cuộc sống cá nhân”, cặp vợ chồng lớn tuổi cho biết họ thích dành thời gian để quay các video, chụp ảnh và đi du lịch khắp Trung Quốc và thế giới.

Nhưng điều đó không có nghĩa bà Chen và ông Guan không quan tâm tới cuộc sống của cháu trai. Họ vẫn nấu ăn và thỉnh thoảng đón cậu bé từ trường về nhà. Nhưng họ không đảm nhận trọng trách chính chăm sóc cháu trai.

Tại Trung Quốc, ông bà vẫn là đối tượng chính hỗ trợ chăm sóc cho các cháu thay bố mẹ chúng và họ hoàn toàn không được trả công. Nguyên nhân là do các con thường đi làm ăn xa với hy vọng kiếm được thu nhập cao hơn hoặc làm thêm giờ để hỗ trợ kinh tế gia đình.

Song hiện tại, ngày càng có nhiều người như bà Chen và ông Guan chỉ đề nghị thi thoảng hỗ trợ con cái chăm sóc các cháu, hoặc yêu cầu các con trả tiền để trông cháu toàn thời gian.

Điển hình, tờ Shandong Business Daily đưa tin trong tháng này, một tòa án ở thành phố Tế Nam của tỉnh Sơn Đông đã đưa ra phán quyết về việc một cặp vợ chồng nợ bố chồng khoản tiền 20.000 nhân dân tệ (3.000 USD), bởi ông lão là người đã chăm sóc cho 1 trong 2 người con của con trai suốt nhiều năm.

Theo hồ sơ tòa án, người con trai đã để cậu con lớn sống với ông nội và hứa trả cho ông 300 nhân dân tệ (45 USD) mỗi tháng, nhưng người con lại thất hứa.

Trong những năm gần đây, những vụ việc tương tự bị đưa ra tòa án phân xử ngày càng gia tăng, do ngày càng nhiều người cao tuổi ở Trung Quốc phản đối quan niệm xã hội xưa nay rằng họ chính là người chiu trách nhiệm chính chăm sóc các cháu.

Cô  Linda Sun, giáo viên mầm non tại Thượng Hải, cho hay khi cô bắt đầu đi làm vào năm 2017, ít nhất 80% học sinh trong lớp của cô mỗi ngày đều được ông bà đưa đi đón về. Nhưng qua từng năm, số lượng phụ huynh đưa đón con cũng đã tăng lên, nhưng chỉ ở mức “tăng nhẹ”.

“Khi thu nhập của gia đình được cải thiện, ngày càng nhiều bố mẹ chịu trách nhiệm trông con cả ngày, và người dân cũng hiểu hơn về tầm quan trọng của việc dành thời gian cho con trẻ”, cô Sun nói.

Trên thực tế, dù số lượng người già về hưu theo đuổi lối sống tự do hơn đã tăng, nhưng con số này vẫn còn khá thấp.

Một cuộc khảo sát vào tháng 4/2021 của chính quyền thành phố Thường Châu thuộc tỉnh Giang Tô cho thấy, 20% cặp vợ chồng “nuôi dạy con hoàn toàn độc lập”. Trong khi, 1/3 gia đình xem ông bà là “người hỗ trợ”, và 47% cho biết ông bà là người chủ yếu chăm sóc cháu.

Cũng theo kết quả khảo sát, nhiều cặp vợ chồng không thích chuyện ông bà trông cháu. Theo đó, hơn 1/2 số người tham gia khảo sát nghĩ ông bà có xu hướng quá chiều chuộng, dẫn tới con trẻ “hư” và “hình thành những thói quen sống xấu”.

Giáo sư Yuan Xin tại Viện Dân số và Phát triển thuộc Đại học Nankai ở thành phố Thiên Tân, nhận định tình trạng thiếu các cơ sở chăm sóc trẻ nhỏ dẫn tới ông bà vẫn đang đóng vai trò chủ yếu trong quá trình chăm nuôi các cháu.

Tuy nhiên, truyền thống này đang dần thay đổi do quan điểm xã hội thay đổi và tài chính của các gia đình cũng ổn định hơn.

“Những người đang nghỉ hưu thuộc thế hệ sinh sau năm 1960, do đó họ đã được hưởng thụ những lợi ích kinh tế mang lại trong quá trình mở cửa và cải cách vào cuối thập niên 70. Tư tưởng của họ mới mẻ hơn so với những thế hệ trước. Họ không còn thuộc lớp người mà cuộc sống chỉ bó hẹp trong gia đình”, ông Yuan cho hay.

“Với thế hệ trẻ hơn, họ cũng muốn bố mẹ được tận hưởng cuộc sống riêng”, ông Yuan nói thêm.

Tại các vùng nông thôn ở Trung Quốc, nuôi dạy trẻ chủ yếu do ông bà đảm nhận do con cái trong độ tuổi lao động đã bỏ quê lên thành phố lớn để tìm việc làm. Kết quả là ở quê nhà chỉ còn trẻ nhỏ, đối tượng bị gọi bằng thuật ngữ “những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau”, và người già.

Cục Dân chính Trung Quốc ước tính nước này còn khoảng 6,4 triệu trẻ bị xem là “bị bỏ lại phía sau”. Con số này đã giảm 28,6% kể từ năm 2016.

Quay trở lại với câu chuyện của bà Chen và ông Guan. Bà Chen cho biết bà thoải mái bắt nhịp xu hướng và tận hưởng cuộc sống về hưu với chồng, bởi bà có sẵn khoản tài chính dùng khi về hưu.

“Chúng tôi ổn định về tài chính để đi du lịch khắp nơi và làm những việc mình thích. Con trai và con dâu chúng tôi đôi khi cũng tặng tiền cho chúng tôi”, bà Chen cho hay.

“Các con của tôi ủng hộ việc bố mẹ theo đuổi cuộc sống riêng. Tôi hy vọng chúng tôi không được xem là ‘những người may mắn’, bởi chúng tôi hy vọng ngày càng nhiều đứa trẻ sẽ ủng hộ bố mẹ có cuộc sống riêng khi về hưu”, bà Chen tâm sự.


Minh Thu (lược dịch)

Chia sẻ Facebook