Ông Anwar Ibrahim - “người Malaysia cần” để làm Thủ tướng

Chia sẻ Facebook
24/11/2022 21:53:34

Vị chính trị gia 75 tuổi được bổ nhiệm vào thời điểm quan trọng trong lịch sử Malaysia, khi kinh tế đang phục hồi từ suy thoái và ký ức cay đắng về Covid.


Ông Anwar Ibrahim hôm 24/11 đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng thứ 10 của Malaysia , kết thúc hành trình chính trị kéo dài 3 thập kỷ, từ một người được nhà lãnh đạo kỳ cựu Mahathir Mohamad ủng hộ, cho đến lãnh đạo biểu tình, một tù nhân bị kết tội kê gian, và lãnh đạo phe đối lập.


Việc ông Anwar được bổ nhiệm làm Thủ tướng tiếp theo của Malaysia đã giúp kết thúc 5 ngày của cuộc khủng hoảng hậu bầu cử chưa từng có tiền lệ ở đất nước Đông Nam Á, nhưng có thể dẫn đến một sự bất ổn mới với việc đối thủ của ông, cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin, người thách thức ông chứng tỏ thế đa số của mình trong quốc hội Malaysia khóa tới.

Cả hai người đều không giành được đa số trong cuộc bầu cử hôm 19/11, nhưng Quốc vương lập hiến, Vua Al-Sultan Abdullah, đã bổ nhiệm ông Anwar sau khi hội đàm với một số nhà lập pháp.


Ông Anwar nhận nhiệm vào một thời điểm đầy thách thức: nền kinh tế đang chậm lại và đất nước bị chia rẽ sau một cuộc bầu cử sít sao giữa liên minh cấp tiến của ông với liên minh Hồi giáo, dân tộc thiểu số bảo thủ của ông Muhyiddin.

Liệu ông Anwar có thể thực hiện những lời hứa cải cách của mình hay không lại là một vấn đề khác. Với tình trạng kinh tế ảm đạm đang ở trước mắt, nhà lãnh đạo tiếp theo của Malaysia sẽ chịu áp lực phải thực hiện các biện pháp kinh tế đau đớn, bao gồm cắt giảm trợ cấp nhiên liệu.

Các thị trường bật tăng sau khi Malaysia kết thúc bế tắc chính trị. Đồng ringgit của Malaysia có ngày tốt nhất trong 2 tuần và cổ phiếu tăng 3%.

Ông Anwar Ibrahim nói chuyện với giới truyền thông trong cuộc họp báo đầu tiên với tư cách là Thủ tướng Malaysia tại Câu lạc bộ Golf Sungai Long, ngày 24/11/2022. Ảnh: Malay Mail

Ông Anwar, 75 tuổi, đã nhiều lần lỡ hẹn với chức Thủ tướng Malaysia. Từng là phụ tá của ông Mahathir Mohamad, nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của Malaysia, ông Anwar đã nổi tiếng khi lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Ông được kỳ vọng là người kế nhiệm ông Mahathir.

Tuy nhiên, sau khi bất hòa với người thầy cũ của mình và trong một thời gian ngắn vận động chống lại ông, ông Anwar đã bị xét xử và kết án vào năm 1999 về tội kê gian và tham nhũng. Bản án bị lật lại 5 năm sau đó và ông quay trở lại chính trường; nhưng rồi lại bị buộc tội kê gian và bị kết án một lần nữa vào năm 2014. Và một lần nữa, ông lại được trả tự do và quay trở lại chính trường, thề sẽ chống lại chủ nghĩa sô vanh (chauvinism) và tham nhũng.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters trước thềm cuộc tổng tuyển cử hôm 19/11, ông Anwar cho biết sẽ tìm cách “nhấn mạnh quản trị và chống tham nhũng” đồng thời xoa dịu căng thẳng sắc tộc nếu được bổ nhiệm làm Thủ tướng.

Lần này, ông đã có một sự trở lại đáng kinh ngạc. Liên minh của ông Anwar, được gọi là Pakatan Harapan (PH), đã giành được nhiều ghế nhất trong cuộc tổng tuyển cử với 82 ghế, trong khi khối Perikatan Nasional (PN) của ông Muhyiddin giành được 73 ghế. Tuy nhiên, cái họ cần là 112 ghế - đa số mỏng trong quốc hội gồm 222 ghế - để thành lập chính phủ.

Khối Barisan (BN) - từng cầm quyền trong một khoảng thời gian dài - chỉ giành được 30 ghế. Đây là thành tích bầu cử tồi tệ nhất đối với một liên minh đã thống trị nền chính trị Malaysia kể từ khi độc lập vào năm 1957.

Sau 4 ngày đàm phán liên tục, BN và các đảng nhỏ khác như GPS và GRS đã nhất trí ủng hộ PH thành lập chính phủ mới với sự cam kết của 133 nghị sỹ dưới sự lãnh đạo của ông Anwar.


“Ông Anwar được bổ nhiệm vào thời điểm quan trọng trong lịch sử Malaysia, khi chính trị đang rạn nứt nhiều nhất, kinh tế đang phục hồi từ suy thoái và ký ức cay đắng về Covid”, ông James Chai, học giả thỉnh giảng tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho biết, đồng thời nhận định rằng ông Anwar chính là người Malaysia cần trong thời kỳ chia rẽ này .


Minh Đức (Theo CNN, Economist)

Chia sẻ Facebook