Ông Abe ra đi, di sản đồ sộ ở lại
Sốc và bàng hoàng là phản ứng của nhiều người khi hay tin cựu thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bị ám sát và không qua khỏi. Nghi phạm không chủ ý trốn chạy và đã bị bắt ngay tại hiện trường.
Trong cuộc họp báo chiều 8-7, Thủ tướng Kishida Fumio tiết lộ ông Abe đang trong tình trạng nguy kịch và mọi điều có thể làm đều đã làm để cứu sống cựu thủ tướng. Tuy nhiên, điều kỳ diệu đã không xảy ra, người từng là vị thủ tướng tại vị lâu nhất Nhật Bản ra đi ở tuổi 67 ngay trong chiều cùng ngày.
Tôi đã cầu nguyện mong ông ấy được cứu nhưng không toại nguyện. Tôi chân thành chia buồn và cầu cho linh hồn ông ấy được yên nghỉ.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói ông "không thốt nên lời" sau khi ông Abe qua đời
Hai phát súng sau lưng
Theo một số nguồn tin ban đầu của truyền thông Nhật Bản, cựu thủ tướng đến thành phố Nara sáng 8-7 để vận động cử tri ủng hộ cho Đảng Dân chủ tự do trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật vào ngày 10-7. Mặc dù không còn giữ chức thủ tướng, ông Abe vẫn là nghị sĩ có sức ảnh hưởng của Đảng Dân chủ tự do cầm quyền.
Quyết định chốt đi Nara chỉ được đưa ra trong tối 7-7 và không được công bố rộng rãi, chỉ chia sẻ giữa những người ủng hộ.
Đúng giờ đã định, cựu thủ tướng xuất hiện tại một địa điểm bên ngoài nhà ga Yamato-Saidaiji của thành phố Nara. "Sân khấu" là một chiếc bục cao nằm giữa một ngã ba, xe cộ vẫn qua lại trước mặt và sau lưng ông Abe.
Một người Việt Nam sống và làm việc lâu năm ở Nhật Bản chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng đây là hình ảnh thường thấy của các chính trị gia mỗi khi đến mùa bầu cử ở nước Nhật - một nước an toàn, có tỉ lệ phạm tội thấp và luật kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt nhất thế giới.
"Khi đi vận động hay diễn thuyết, các chính trị gia thường đi trên xe có gắn loa phóng thanh. Họ chọn những nơi đông người qua lại như các góc phố hoặc bên ngoài nhà ga. Những sự kiện ở nơi công cộng như vậy không cần đăng ký trước hay rà soát lý lịch những người tham dự, khác với các sự kiện diễn ra trong không gian kín như hội trường", vị này giải thích thêm.
Các video trên mạng xã hội và truyền thông Nhật Bản cho thấy buổi diễn thuyết của ông Abe có khoảng vài chục thường dân, phần lớn đều đứng trước mặt của cựu thủ tướng. Đội an ninh thuộc sở cảnh sát Tokyo, nhóm truyền thông của ông Abe đứng gần đó.
Trong lúc cựu thủ tướng đang say mê diễn thuyết, một âm thanh như tiếng súng nổ vang lên kèm theo đó là khói bốc ra từ hướng phía sau ông Abe. Cựu thủ tướng vẫn đứng vững trên bục sau tiếng nổ đầu tiên và dường như đã ngoái lại xem điều gì đã xảy ra, theo hai đoạn clip được xác minh bởi truyền thông Nhật Bản. Chưa đầy 2 giây sau đó, phát súng thứ hai được bắn, ông Abe ngã xuống và khung cảnh trở nên hỗn loạn.
Chưa rõ động cơ tấn công
Yamagami Tetsuya, nghi phạm bắn cựu thủ tướng Abe, đã khai với cảnh sát rằng hắn chủ ý sát hại chính trị gia 67 tuổi vì không hài lòng với ông. Tuy nhiên trong các lời khai sau đó, y lại khai không phản đối các quan điểm chính trị của ông Abe, và hành động vì mục đích tôn giáo. Tờ Asahi Shimbun dẫn các nguồn tin riêng cho biết nghi phạm đã đưa ra những lời khai "vô nghĩa" khiến cảnh sát chưa thể xác định được động cơ.
Theo đài NHK, nghi phạm Yamagami, 41 tuổi, từng phục vụ cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong 3 năm và hiện cư trú tại thành phố Nara. Cảnh sát Nhật Bản cho biết Yamagami bị bắt giữ ngay tại hiện trường cùng với khẩu súng tự chế và đối mặt với cáo buộc âm mưu giết người. Lục soát nhà nghi phạm, nhà chức trách cũng tìm thấy thêm thuốc nổ và đang cố gắng làm rõ nguồn gốc của khẩu súng thu được tại hiện trường.
Trong cuộc họp báo chiều 8-7, các bác sĩ tại Đại học Y Nara, nơi điều trị cho ông Abe, xác nhận cựu thủ tướng đã qua đời lúc 17h03 (15h03 theo giờ Việt Nam) và ông Abe dường như không có dấu hiệu sống nào khi được đưa tới bệnh viện. Viên đạn bắn vào người ông đủ sâu để chạm tới tim, các bác sĩ không thể cầm máu và vị cựu thủ tướng qua đời vì mất máu quá nhiều.
Ngay sau vụ việc, Thủ tướng Kishida đã hủy buổi vận động tranh cử ở Yamagata và khẩn cấp về thủ đô Tokyo bằng trực thăng. Ông cũng yêu cầu tất cả bộ trưởng trở về Tokyo để họp khẩn và chỉ thị thực hiện các biện pháp tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh cho cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới.
Nhiều người hy vọng các biện pháp mới sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ tái diễn của các vụ tấn công tương tự khi chỉ còn 2 ngày nữa, cử tri Nhật Bản sẽ đi bỏ phiếu bầu các thành viên mới cho Thượng viện. Sự việc gây sốc bởi Nhật được xem như vùng đất không có tiếng súng, và khiến nhiều chính trị gia không kiềm được cảm xúc.
Các di sản
- Chính sách kinh tế Abenomics - thành tựu để đời, khiến nhiều người cả trong và ngoài nước nhớ đến. Đưa ra chiến lược 3 mũi tên
gồm chính sách tiền tệ, tài khóa và cải cách thể chế từ đó đưa nước Nhật vào giai đoạn kinh tế tăng trưởng liên tục dài nhất sau Thế chiến thứ hai.
- Hiện thực hóa việc thành lập Bộ Quốc phòng Nhật Bản (2007) từ Cục Phòng vệ, thông qua luật cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật Bản chiến đấu ở nước ngoài (2015).
- Vực dậy tinh thần Nhật Bản, tái thiết các vùng thiệt hại trực tiếp bởi thảm họa kép động đất - sóng thần ở Fukushima năm 2011.
- "Giải cứu" và "hồi sinh" Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút.
- Thúc đẩy khái niệm chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Lãnh đạo Việt Nam và nhiều nước chia buồn. Brazil, Ấn Độ để quốc tang
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, được tin cựu thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từ trần chiều 8-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam gửi điện chia buồn tới Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Trong điện, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Chính phủ, nhân dân Nhật Bản và gia quyến ông Abe, bày tỏ trân trọng tình cảm đặc biệt và sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu mà ông Abe dành cho đất nước và con người Việt Nam cũng như quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.
Từ Fukuoka, Tổng lãnh sự Việt Nam Vũ Bình cũng chia sẻ với Tuổi Trẻ những cảm xúc khi hay tin không may với cựu thủ tướng Abe: "Tôi thực sự sốc và đau buồn. Trong suốt hai năm qua, người tôi trích dẫn nhiều nhất trong hàng trăm diễn văn, bài viết, cuộc nói chuyện, trao đổi của tôi là nguyên thủ tướng Abe Shinzo. Đó là câu mà ông ấy đã nói: Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản là tài sản chung quý giá của quan hệ hai nước ".
Bày tỏ lòng thương tiếc ông Abe, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ca ngợi cựu thủ tướng Nhật là người có "tầm nhìn vĩ đại", người đã đưa mối quan hệ Mỹ - Nhật lên một tầm cao mới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi cái chết của cựu thủ tướng Nhật là "mất mát không thể thay thế" và gọi ông Abe là một "chính khách xuất chúng".
Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản cho biết cựu thủ tướng Abe có những đóng góp nhằm cải thiện quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản trong nhiệm kỳ của mình.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết người dân Nhật Bản đã mất vị thủ tướng tại vị lâu nhất và chính trị gia được kính trọng trong lịch sử đất nước.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố sẽ tổ chức quốc tang vào ngày 9-7, như một động thái thể hiện "sự tôn trọng sâu sắc nhất" dành cho ông Abe. Theo ông Modi, cựu thủ tướng Nhật là "nhà lãnh đạo xuất sắc và nhà quản lý xuất sắc". Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro phẫn nộ và đau buồn trước vụ ám sát cựu thủ tướng Nhật Bản và ra lệnh quốc tang 3 ngày.
Ngoài ra, lãnh đạo nhiều quốc gia khác như Thái Lan, Thổ Nhĩ kỳ, Vương quốc Anh và các nước châu Âu... đều gửi lời chia buồn đến Nhật Bản. ( DUY LINH)
Người Việt tại Nhật biết ơn ông Abe
Chia sẻ với Tuổi Trẻ , kỹ sư Lê Long, hiện đang sống và làm việc tại Tokyo, cho biết bản thân anh rất bất ngờ và rất buồn khi hay tin cựu thủ tướng Abe Shinzo đã qua đời sau khi bị ám sát bằng súng.
"Ông Abe Shinzo vẫn thường tới thăm các nhà hàng, quán ăn, về các địa phương gặp gỡ trực tiếp người dân trong thời gian tại nhiệm. Bản thân tôi cũng từng có lần được gặp ông tại một sự kiện ông về địa phương để vận động tranh cử cho một thành viên của Đảng Dân chủ tự do cầm quyền tại tỉnh Niigata khoảng 6 năm trước", anh Long kể và nhấn mạnh ông Abe nổi tiếng là một thủ tướng rất thân thiện, gần gũi với người dân.
Cũng theo kỹ sư Lê Long, dưới thời ông Abe, rất nhiều bạn bè anh đã nhận được học bổng sang Nhật du học, tới nay có hơn 10 người bạn của anh đã ở lại sau khi học để tiếp tục làm việc và phát triển sự nghiệp tại đây.
Trong khi đó, anh Lê Trần Hưng, sống tại tỉnh Saitama và hiện là nhân viên của một nghiệp đoàn tại Tokyo, cho biết người Nhật và người Việt Nam tại Nhật đều buồn và sốc trước sự việc. Là người làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng thực tập sinh người Việt sang lao động tại Nhật 11 năm qua, anh Hưng cho biết dưới thời cựu thủ tướng Abe, số lượng thực tập sinh và cả du học sinh người Việt sang Nhật đã tăng vọt.
Năm 2012, khi ông Abe mới lên làm thủ tướng, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản mới chỉ có khoảng 120.000 người, nhưng với chủ trương muốn mở rộng quan hệ với Việt Nam và tăng thêm nguồn lực lao động từ Việt Nam để bù đắp cho sự thiếu hụt lao động tại Nhật, ông Abe đã có những chính sách về đào tạo nhân tài cũng như luật tiếp nhận lao động nước ngoài tới Nhật Bản cởi mở hơn. Nhờ đó mà tới nay cộng đồng Việt Nam tại Nhật đã tăng lên hơn 440.000 người.
Theo anh Hưng, rất nhiều người Việt Nam tại Nhật nhớ ơn ông Abe trong đợt dịch COVID-19 vừa qua khi ông có chính sách hỗ trợ 10 man (khoảng 20 triệu đồng) cho mỗi người, bất kể họ là người Nhật hay người nước ngoài cũng như tình trạng cư trú và mức thu nhập ra sao.
"Với chính sách phân bổ 10 man đồng đều này, dù còn một số ý kiến không đồng thuận của người Nhật nhưng đại bộ phận người nước ngoài, trong đó có người Việt, đều rất vui mừng và biết ơn ông Abe", anh Hưng chia sẻ. ( D.KIM THOA)
Phu nhân cựu thủ tướng Abe Shinzo, bà Abe Akie có mặt trên xe tang. Bà Abe đã cúi đầu lặng lẽ khi xe tang đi ngang qua đám đông nhà báo đang tụ tập trước bệnh viện.