Ổn định vĩ mô, ứng phó chủ động, linh hoạt với thay đổi: Chìa khoá để nền kinh tế “lội ngược dòng”
Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô không chỉ nằm ở chính sách tài khóa, tiền tệ hay quản lý... mà còn nằm ở việc tháo gỡ những điểm nghẽn để nền kinh tế vận hành thông suốt.
Sáng 18/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.
Phát biểu đề dẫn, gợi ý một số nội dung của diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, diễn đàn là một sự lựa chọn rất cần thiết vào thời điểm này để các nhà lập pháp, các nhà hoạch định chính sách cùng các chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận, trao đổi tìm kiếm các giải pháp tiếp tục duy trì ổn định, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh và trong gần 9 tháng qua và được dự báo có mức tăng trưởng lạc quan trong năm 2022. Tuy nhiên, ông cũng chỉ rõ, các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.
Nhấn mạnh điều này, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời ứng phó chủ động, linh hoạt với sự thay đổi nhanh chóng là chìa khoá để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục “lội ngược dòng” thành công và duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động.
Thực tiễn trước đây đã chứng tỏ rằng, chỉ khi các chỉ số vĩ mô được giữ ổn định, nền kinh tế mới hội đủ năng lực chống chịu, có dư địa để chủ động ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất ngờ và phục hồi nhanh chóng sau các biến động đó.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô không chỉ nằm ở chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hay quản lý, điều tiết giá cả mà còn nằm ở việc tháo gỡ những điểm nghẽn để nền kinh tế vận hành thông suốt. Các doanh nghiệp tự tin đưa ra các quyết định kinh doanh và đầu tư, khơi thông dòng chảy trên thị trường và khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội.
Đồng thời ông Nguyễn Xuân Thắng cũng nhấn mạnh 3 nội dung chính cần tập trung thảo luận gồm:
Một là, tiếp tục cải cách thể chế, tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện khung khổ thể chế, pháp luật về quản lý đất đai và thị trường bất động sản. Đặc biệt trong công tác đấu giá đất và phát triển thị trường quyền sử dụng đất để khai thác có hiệu quả nhất một trong những nguồn lực quan trọng của nền kinh tế.
Hai là, cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt tốt các cơ hội mà hội nhập đang mang lại cho Việt Nam, khôi phục và mở rộng hoạt động sau đại dịch. Triển khai có hiệu quả gói phục hồi kinh tế-xã hội, tập trung vào các lĩnh vực cấp bách và có khả năng hấp thụ tốt nhất, như chi cho đầu tư hạ tầng đã hoàn thành cơ bản các thủ tục, nhất là các dự án có tính liên vùng, các chương trình trợ cấp, hỗ trợ người lao động.
Ba là, khơi thông các điểm nghẽn, tạo điều kiện cho các địa phương, các ngành kinh tế và các doanh nghiệp phát triển. Đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai các quy hoạch. Tăng cường liên kết vùng để tạo sự đồng bộ và mở ra một không gian mới, động lực mới cho sự phát triển vùng, các địa phương trong vùng và nền kinh tế quốc gia.
Đặc biệt, ưu tiên tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hai đầu tàu kinh tế của cả nước gắn liền với các vùng xung quanh như: Vùng Thủ đô Hà Nội - Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ - Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng TP Hồ Chí Minh – Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đông Nam Bộ.
Chú trọng một số đột phá phát triển như các tuyến hành lang kinh tế dọc các trục giao thông, tuyến cao tốc, các khu kinh tế cửa khẩu… Tháo gỡ những điểm nghẽn về thủ tục, quy định để các địa phương có thể sớm triển khai, hoàn thành các dự án trọng điểm như sân bay, cảng biển, tuyến giao thông huyết mạch và các công trình hạ tầng quan trọng khác… để đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu và các nhà khoa học tập trung thảo luận, có nhiều đóng góp ý kiến quý báu để giúp nền kinh tế Việt Nam ứng phó tốt với những thay đổi đang diễn ra rất nhanh. Bảo đảm ổn định vĩ mô, tìm ra những động lực và nguồn lực mới để phát triển nhanh và bền vững trong năm 2022 và những năm tiếp theo.